Du học và làm việc ở Hàn Quốc không phải giấc mơ hồng

06/03/2019 - 19:00

PNO - Ngày 4/3, Hàn Quốc ra quy định thắt chặt điều kiện cấp thị thực cho sinh viên quốc tế theo học tại nước này. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến du học sinh Việt Nam và những ai ấp ủ ước mơ du học xứ Hàn.

Khép “cánh cửa” lao động chui

Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, các trường đại học tại Hàn Quốc vốn được phép tự tuyển sinh viên nước ngoài; nhưng số sinh viên cố tình ở lại Hàn Quốc trái phép ngày càng tăng, trong khi các trường không thể kiểm tra, đối chiếu tình trạng tài chính cũng như khả năng duy trì chất lượng học tập của sinh viên.

Du hoc va lam viec o Han Quoc khong phai giac mo hong
Du học Hàn Quốc không phải là giấc mơ màu hồng cho tất cả

Quy định mới có nhiều điều khoản về tăng chất lượng các trường cũng như yêu cầu ngoại ngữ đối với du học sinh. Một trong những điểm đáng chú ý là đòi hỏi du học sinh Việt Nam phải gửi 10.000 USD vào tài khoản ngân hàng Hàn Quốc có chi nhánh ở Việt Nam và chỉ được rút tối đa 4.400 USD mỗi tháng. Đối tượng áp dụng là sinh viên đi Hàn Quốc theo chương trình du học học nghề D-4. Yêu cầu trước đây chỉ là chứng minh du học sinh hoặc cha mẹ có ít nhất 9.000 USD trong ngân hàng. Thực tế là các sinh viên đã sớm rút số tiền này để trả cho công ty môi giới và phía Hàn Quốc không có cơ sở đảm bảo tình hình tài chính của sinh viên.

Việt Nam là nước có lượng du học sinh sống và học tập đông thứ hai ở Hàn Quốc (chỉ sau Trung Quốc). Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, số sinh viên nước ngoài cố tình ở lại đất nước này tăng từ 5.879 trường hợp trong năm 2015 lên 21.128 trường hợp năm 2018. Trong số đó, có 13.945 trường hợp (chiếm 66%) là người Việt Nam. Số sinh viên Trung Quốc chiếm 13%. Mới đây, 30 sinh viên Việt Nam được cho là “mất tích” khi đang theo học chương trình ngôn ngữ tại Đại học Quốc gia Gyeongsang (GNU) vẫn chưa được tìm thấy. Suy đoán cho rằng, có thể họ đang lao động chui ở Hàn Quốc.

Với chương trình lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (EPS), vấn đề nổi cộm cũng là chuyện cố tình né thời hạn visa để tiếp tục ở lại làm việc. Một trong những ngành nghề thu hút nhiều lao động chui nhất là ngành xây dựng, với những công việc nặng nhọc mà người Hàn Quốc thường không làm. Người lao động có thể nhận mức lương hậu hĩnh, nhưng không có bất cứ quyền lợi bảo hiểm nào.

Ghi nhận thực tế: các lao động nam làm chui ở các công trường xây dựng Hàn Quốc thường ăn cơm rất vội trong nhà ăn, vì sợ đang ăn thì bị cảnh sát ập vào kiểm tra. Cảnh sát Hàn Quốc thường không vào tận công trường để kiểm tra, vì sợ trong quá trình kiểm tra, công nhân chạy trốn, gây tai nạn lao động.

Không là thiên đường

Du học, lao động ở Hàn Quốc được xem là cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, các diễn đàn của du học sinh, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đều cảnh báo các bạn trẻ chuẩn bị sang Hàn cần tự hỏi bản thân có thể chịu vất vả hay không. Tìm công việc làm thêm ở Hàn Quốc không dễ. Du học sinh, sau khi qua Hàn ít nhất 6 tháng mới được đi làm. Đa số công việc tốt đều đã có người Hàn Quốc làm. Với người Hàn Quốc, tâm lý hạn chế làm công việc chân tay, nặng nhọc đã ăn sâu. Người trẻ Hàn Quốc tranh nhau từng suất vào đại học, với mong muốn có tương lai tốt sau khi ra trường. Vì thế, sinh viên Việt Nam khó “có cửa” tìm công việc làm thêm như mong đợi, khó mà an tâm học tập với những khoản phí sinh hoạt, nợ công ty môi giới chất chồng, trừ khi có nguồn lực tài chính mạnh ở quê nhà.

Với những du học sinh phải đi làm thêm, mỗi khi tan học, các bạn phải vội vã chạy về phòng để thay đồ và ăn vội thứ gì đó, để đến xưởng làm 4 - 6 tiếng đồng hồ, có khi tới nửa đêm mới về đến ký túc xá. Một du học sinh viết trên trang cộng đồng chia sẻ thông tin du học sinh: “Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một phần. Nó không bảo chứng được việc bạn có hòa nhập dễ dàng với cuộc sống mới hay không. Sau bao lo lắng cơm áo gạo tiền, rồi những khó khăn liên tiếp gặp phải do bất đồng ngôn ngữ, các thủ tục hành chính hay chỉ đơn giản là những lúc nhớ nhà, tôi mới nhận ra, những mục tiêu mình từng đặt ra không phải là điều tôi trông đợi”.

Hàn Quốc là điểm đến hấp dẫn, nếu chỉ nhìn qua lăng kính hào nhoáng, bóng bẩy của nền công nghiệp giải trí, ẩm thực, du lịch. Cuộc sống thực sự không chỉ toàn màu hồng. Đại diện Đại học Quốc gia Seoul (một trong ba trường đại học hàng đầu Hàn Quốc) cho biết, gần 50% sinh viên quốc tế không hiểu được nội dung bài giảng ở đại học này. Nguyên nhân do chương trình tuyển sinh không đáp ứng được nhu cầu thực tế và các công ty môi giới đã không làm việc tận tâm với du học sinh. Du học Hàn Quốc không phải thiên đường. Du học là cơ hội cho một người trau dồi kiến thức và học một cách nghiêm túc, chứ không phải cánh cửa cho những kỳ vọng xa rời thực tế. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI