Cao Thu Hiền (23 tuổi, Hà Nội) hiện đang là du học sinh Việt sống tại thành phố Seoul, Hàn Quốc. Hiền sang Hàn du học thạc sĩ với học bổng 50%.
Cô gái trẻ có những chia sẻ về những khó khăn trong thời gian đầu du học tại xứ sở kim chi này, đồng thời tính toán chi phí sinh hoạt sẽ phải chi trả từ kinh nghiệm bản thân với mong muốn những bạn có ý định du học Hàn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn.
3 khó khăn... bắt buộc phải hoàn thành tốt
"Sau khi hoàn thành chương trình 4 năm đại học ở Việt Nam, mình quyết định sang Hàn du học. Mình rất may mắn là có khởi đầu khá suôn sẻ trong việc phỏng vấn và xin cấp visa. Chỉ mất khoảng 2 ngày là xong hết các thủ tục.
Mình lên đường vào tháng 8 năm ngoái và hành trang lúc đó là 5 bộ quần áo, 1 quyển vở, 1 cây bút, 2 thùng mì tôm, 1 quyển từ điển tiếng Hàn và vốn từ vựng ít ỏi đủ để có thể giao tiếp". Hiền kể, đó là "vốn" ít ỏi hứa hẹn những khó khăn liên tục bủa vây cuộc sống của Hiền những ngày sau đó tại Hàn.
Giống như đa số du học sinh khác, khi du học tại Hàn, hầu hết tất cả các bạn sinh viên sẽ phải học tiếng trước khi bước vào học kiến thức chính thức. Và đây là khó khăn đầu tiên của cô gái Hà Nội.
"Một năm học tiếng bên Hàn thường có 4 kỳ Xuân, Hạ, Thu, Đông và thường nhập học vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Mình nhập học vào khoảng tháng 9, bắt đầu đi học ngay sau khi ổn định chỗ ăn ở, gặp gỡ đồng hương, bạn bè.
Thời gian đầu chúng mình chỉ tập trung vào học tiếng Hàn. Ở lớp mình học tiếng hồi đó khá nhiều người Trung, 1 vài bạn người Nhật và có 2 người Việt Nam. Theo mình quan sát, các giáo viên Hàn Quốc đều biết tiếng Trung, Anh chính vì vậy đối với nhiều bạn có vốn tiếng Anh và tiếng Trung, tiếng Hàn tốt thì thực sự rất dễ để hòa nhập.
Còn với riêng bản thân mình, do hồi còn ở Việt Nam, mình khá lười trong khi học tiếng nên tiếng Anh học khá được tuy nhiên giao tiếp lại vô cùng kém, tiếng Trung coi như mù tịt, tiếng Hàn thì bập bẹ. Cho nên, thời gian đầu thật sự là nỗi ám ảnh lớn của mình", Hiền chia sẻ.
Theo Hiền, thời gian học tiếng mỗi ngày (từ thứ 2 đến thứ 6) ở trường là 4 tiếng đồng hồ từ 9h đến 1h chiều. Thời gian còn lại dành cho việc ôn luyện và xem lại kiến thức trong lớp. Đây cũng là khoảng thời gian khá rảnh rỗi có thể vừa đi học, vừa có thể đi làm thêm kiếm thêm thu nhập nếu như bạn biết sắp xếp.
Và khó khăn thứ 2 đến với cô gái trẻ là áp lực làm thêm: "Các bạn đi trước đều đã đi làm thêm và các bạn vào cùng đợt với mình cũng đã tìm việc ngay từ tuần đầu tiên. Mình đi làm ngay sau khi nhập học 2 tuần. Công việc đầu tiên của mình bên Hàn là rửa bát thuê cho một cửa hàng ăn trong tòa nhà Lotte.
|
Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. |
Mình chỉ làm việc tại đây vào 2 ngày cuối tuầnm thu nhập chừng 6,7 triệu tiền Việt. Còn tất cả thời gian rảnh của các ngày trong tuần, mình tập trung vào học tiếng".
Một khó khăn nữa của du học sinh mới sang đó là chưa quen với cách ứng xử của người Hàn. "Dường như các bạn người Hàn khá dè dặt trong việc làm quen và tiếp chuyện với người ngoại quốc nên rất khó để có thể trò chuyện. Mình cũng chơi với mấy người Hàn nhưng thường chỉ xã giao học tập và luôn có một khoảng cách khiến mình không thể đến gần và thân thiết hơn", cô gái trẻ nói.
3 khó khăn trên đã được Hiền dần khắc phục bằng sự nỗ lực trong suốt 3 tháng đầu tiên, kiên trì, không ngừng cố gắng.
"Nếu bạn không có một sự sắp xếp khoa học và thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc thì sẽ rất dễ bị sa đà vào làm thêm mà quên mất việc học, nếu để trượt và phải học lại thì lúc đó cuộc sống sẽ khá lộn xộn và áp lực, nên các bạn cần cân nhắc và lên kế hoạch cho kỹ càng", Hiền chia sẻ.
Chi phí 1 tháng sinh hoạt của du học Việt tại Hàn mất khoảng 15-18 triệu/ tháng
Trừ tiền học phí (theo Hiền là nên xin gia đình đóng trước 1 năm để ổn định và chuyên tâm học tập) thì tiền sinh hoạt của một du học sinh tại Hàn Quốc khá đắt.
"Dự tính kinh phí du học Hàn, ngoài tiền học thì mình còn phải chuẩn bị các khoản cần thiết cho sinh hoạt như tiền sách vở, tiền ăn ở, phí giao thông, phí bảo hiểm y tế, phí hoạt động của học sinh, phí giặt giũ,…
Tuy nhiên, tùy theo khu vực, trường học, cách thức sinh hoạt của cá nhân mà kinh phí du học có sự khác biệt lớn. Có bạn của mình dùng 1 tháng 25 triệu, nhưng cũng có bạn rất tiết kiệm chi tiêu chỉ mất khoảng 12-13 triệu/ tháng".
|
Một bữa ăn của du học sinh Hàn có thể chỉ đơn giản thế này. |
Cụ thể từng khoản chi tiêu, Hiền chia sẻ:
- Tiền ở trọ: 3 người 1 phòng khoảng 300 nghìn KRW/tháng. (tương đương mỗi người 100 nghìn KRW/tháng).
- Tiền ăn: Khoảng 300 nghìn KRW/ tháng
- Ga điện nước: 100 nghìn KRW/ tháng
- Điện thoại di động + internet: 40 nghìn KRW/ tháng
- Phương tiện đi lại 50-60 nghìn KRW/ tháng.
- Bảo hiểm y tế: Khoảng $20-$30 / 1 tháng
- Sinh nhật, giao lưu, du lịch bạn bè, quần áo: 50 nghìn KRW/ tháng
"Tính ra 1 tháng tại Hàn, mình sẽ tiêu rơi vào khoảng 880 nghìn KRW/tháng tương đương với 17,5 triệu/ tháng. Số tiền này thực sự là khá lớn. So với hồi mình ở Việt Nam thì có thể gấp 5 lần. Thế nhưng, ở đây việc làm thêm mức lương cũng khá cao, nên các bạn có thể hoàn toàn chi trả được số tiền sinh hoạt của mình nếu cố gắng", Hiền chia sẻ.
Hà My