Suốt hai tuần qua, tôi hoàn toàn một mình
Nhập học tại Trường đại học (ĐH) Clermont Auvergne (Ferrand, Pháp) từ tháng 9/2019, tôi không ở ký túc xá (KTX) mà cùng ba người bạn khác, cũng là du học sinh Việt Nam, thuê nhà ở cùng nhau. Ngày 16/3, khi chính phủ Pháp thông báo đóng cửa tất cả trường học, bốn đứa tôi đã ngồi lại với nhau, cân nhắc việc nên ở hay về. Có những lúc, chúng tôi đã bật khóc vì đó là quyết định thật sự khó khăn.
Chúng tôi hoàn toàn không biết thời gian phải quay trở lại trường học. Vé máy bay không phải rẻ, trong khi đó, tiền thuê nhà vẫn phải đóng hằng tháng. Thêm nữa, hành trình trở về so với việc ở yên tại chỗ có quá nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.
|
Giao tiếp giữa sinh viên ở lại với nhân viên căng-tin ký túc xá Trường đại học British Columbia, Canada dừng lại ở vạch đánh dấu khoảng cách an toàn |
Có thể nhìn thấy, chính phủ Pháp đã có những quy định nghiêm ngặt hơn trong việc đối phó với dịch bệnh: đóng cửa mọi cơ sở, trường học, hạn chế tối đa việc đi lại của người dân. Ngoài đường, cảnh sát làm việc nhiều hơn. Bất cứ ai rời khỏi nhà để ra ngoài đòi hỏi phải có giấy phép với đầy đủ thông tin: đi đâu, trong thời gian bao lâu.
Để người dân tuân thủ, chính phủ cũng phạt rất nặng những người vi phạm. Do đó, mặc dù hiện tại, số người nhiễm bệnh tại Pháp tiếp tục tăng, có ngày tăng đến vài trăm ca nhưng tôi tin, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Đó là lý do tôi quyết định ở lại. May mắn là gia đình ủng hộ và tôn trọng quyết định của tôi. Ba mẹ yên tâm rằng tôi sẽ biết cách tự bảo vệ mình.
Suốt hai tuần qua, tôi hoàn toàn một mình, bởi ba bạn ở cùng nhà trọ đã về Việt Nam, còn tôi thì chưa hề bước ra khỏi cửa. Tình trạng hiện tại chắc sẽ còn kéo dài khoảng một tháng nữa. Nhưng đó là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân. Thức ăn dự trữ đủ cho tôi trong chừng ấy thời gian không phải ra ngoài.
Lịch học vẫn diễn ra theo thời khóa biểu bình thường. Mỗi ngày, tôi dành khoảng ba tiếng cho việc học online. Không gò bó như học ở trường, là phải đúng giờ và hết giờ mới được về, tôi dừng học bất cứ khi nào cảm thấy mình tiếp nhận đủ. Một vài môn thi bắt buộc phải hoãn lại vì việc làm bài thi từ xa không đáp ứng được yêu cầu và đặc trưng của môn học. Một số hoạt động học tập theo nhóm cũng phải hủy bỏ.
Thời gian còn lại, tôi gọi điện thoại trò chuyện với gia đình, tập yoga, đọc sách, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng… cố gắng làm việc nhiều nhất có thể để cơ thể liên tục vận động nhằm tránh những cảm xúc tiêu cực. Với tôi, điều tốt nhất hiện giờ là giữ sự lạc quan và tinh thần thoải mái.
Lê Mỹ Bình (từ Ferrand, Pháp)
Dịch bệnh đã lấy đi sự kiện ý nghĩa nhất trong cuộc đời sinh viên
Trường ĐH British Columbia (Vancouver, Canada) có 13 khu KTX với hơn 50.000 sinh viên. Riêng khu KTX tôi ở có hơn 1.000 sinh viên lưu trú. Nhưng kể từ khi trường thông báo đóng cửa, KTX chỉ còn khoảng 50 sinh viên trong khuôn viên rộng gần hai héc-ta. Vì cách khu dân cư một khu rừng nên đa số sinh viên ít khi ra khỏi KTX và người bên ngoài cũng ít khi nào tiếp cận. Do đó, có thể xem KTX là nơi an toàn để “trốn dịch”.
Một KTX nhộn nhịp thường ngày giờ như chốn không người. Tất cả nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng thức ăn nhanh, siêu thị trong khuôn viên KTX đều đóng cửa. Có ba căng-tin vẫn mở cửa phục vụ sinh viên, nhưng mỗi căng-tin giờ chỉ còn một gian hàng thức ăn so với năm, sáu gian hàng như thường ngày. Tất cả sự giao tiếp giữa những sinh viên ở lại với nhân viên căng-tin cũng dừng lại ở yêu cầu ngay tại vạch đánh dấu khoảng cách an toàn. Những bữa cơm diễn ra trong lặng lẽ từ căn phòng KTX.
|
Ký túc xá giờ trở nên vắng vẻ |
Tâm trạng chán nản bao trùm lấy tôi trong những ngày đầu, bởi thời gian rỗi rãi quá nhiều và không gian hoạt động bị bó hẹp trong phòng. Cảm giác như bạn đang trong kỳ nghỉ hè nhưng lại bị “mắc kẹt” ở trường, không thể về nhà, cũng chẳng thể đi đâu. Học online, thoáng nghe có vẻ tự do nhưng thực chất khó khăn hơn rất nhiều so với việc đến lớp. Thiếu sự tương tác trực tiếp với giảng viên, cũng như thiếu sự trao đổi nhóm, việc tiếp thu, nắm bắt bài giảng hạn chế rất nhiều.
Để giữ cân bằng trước sự thay đổi đột ngột này, tôi đã tự trấn an mình: đây là cơ hội để “sống chậm” lại. Ngoài thời gian học online, tôi đã chuyển những hoạt động theo nhóm sang đọc sách, chơi đàn, làm những việc trước đây dù muốn nhưng không có thời gian… Tuy nhiên, nếu hôm nào trời đẹp, tôi ra ngoài đi bộ để tận hưởng không khí trong lành và cẩn thận tuân thủ những quy tắc để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Điều đáng tiếc nhất là lễ tốt nghiệp đại học của trường năm nay đã bị hủy bỏ. Nhiều bạn sinh viên đã trông chờ giây phút này nhưng cuối cùng rơi vào cảm giác hụt hẫng. Dịch bệnh đã lấy đi sự kiện ý nghĩa nhất trong cuộc đời sinh viên.
Nguyễn Duy (từ Vancouver, Canada)
Tôi được chào đón ở gia đình bản xứ
Một tháng trước, ngay khi tin tức về những ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở châu Âu, tôi đã bắt đầu quyết định đi bộ đến trường thay cho việc đi tàu điện như trước đó. Bởi lẽ, phương tiện giao thông công cộng hay bất cứ nơi đông người nào đều vắng mặt… chiếc khẩu trang y tế. Có ngày đi bộ đến trường, tôi đã bị một người trẻ quá khích chặn đường và quát vào mặt: “Mày là tụi Trung Quốc lây bệnh!”. Tôi đã cố lờ đi và bước thật nhanh để tránh những điều không hay có thể xảy đến cho mình. Bởi trước đó, một du học sinh châu Á đã bị đánh chỉ vì bị cho là “người châu Á truyền bệnh”.
Khi nghe tin KTX trường mình có sinh viên dương tính với COVID-19, tôi đã xác định đó không còn là nơi an toàn, bởi KTX nằm ngay trung tâm thành phố Luân Đôn - là tâm điểm dịch bệnh. Tất cả trường học đều đóng cửa, nhưng KTX vẫn mở cho sinh viên quốc tế lưu lại.
|
Giãn cách xã hội phải được tuân thủ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh |
Tuy nhiên, nếu ở KTX, khả năng lây nhiễm rất cao bởi người nhiễm bệnh chỉ tự cách ly tại chỗ mà không đến bệnh viện. Trong suy nghĩ của người dân bản xứ, COVID-19 cũng chỉ là một loại cúm mùa. Do đó, việc đến bệnh viện là điều không cần thiết mà còn có thể biến thành gánh nặng cho hệ thống y tế, bởi khả năng lây bệnh cho những bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện.
Không ở KTX thì đi đâu? Tôi không muốn trở về nhà lúc này bởi kỳ thi học kỳ vẫn sẽ diễn ra đúng tiến độ, vào giữa tháng Tư. Giữa lúc còn nhiều lấn cấn chuyện đi hay ở, một bạn sinh viên cùng trường đã đề nghị tôi đến nhà bạn ở Surrey - cách Luân Đôn khoảng 40 phút nếu di chuyển bằng tàu hỏa - để ở tạm chờ qua mùa dịch. Vì là khu ngoại ô, nên nhà bạn sẽ an toàn hơn nếu muốn tránh dịch. Thế là tôi chọn ở lại.
Thật may mắn khi một du học sinh châu Á được chào đón như một thành viên trong gia đình người bản xứ. Hoạt động không thể bỏ qua mỗi ngày là chúng tôi tập thể dục cùng nhau. Có thể, bạn nghĩ rằng người Anh đang thờ ơ với căn bệnh truyền nhiễm đang hoành hành ngoài kia, nhưng không phải. Họ bình tĩnh trước thông tin. Ý thức nâng cao sức khỏe để tự đề kháng bệnh tật và hạn chế sự giao tiếp xã hội là những điều mà mỗi người dân bản xứ đều nghiêm túc thực hiện.
Phần lớn thời gian trong ngày, tôi dành để học, bởi kỳ thi đã cận kề. Việc học tập không bị xáo trộn nhiều kể từ khi trường đóng cửa. Thời gian còn lại, tôi xin phép được cùng tham gia dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng khi người giúp việc theo giờ của gia đình họ tạm nghỉ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tôi mong muốn được góp tiền cho những sinh hoạt thường ngày nhưng họ đều từ chối.
Lựa chọn ở lại đã giúp tôi có những trải nghiệm quý giá và tôi biết ơn sự trải nghiệm này. Dịch bệnh thật sự rất đáng sợ bởi sự ảnh hưởng của nó quá lớn so với những gì chúng ta có thể hình dung trước đó. Thế nhưng, trong bức tranh mà chúng ta đang nhìn thấy về dịch bệnh COVID-19, không cần nhìn kỹ lắm đâu, vẫn có thể nhận thấy gam màu sáng tồn tại song song giữa mảng nền ảm đạm. Sự kỳ thị, nạn phân biệt chủng tộc mà bạn vô tình gặp đâu đó trên đường không phải là tất cả, và không làm lu mờ sự tử tế mà con người dành cho nhau.
Nếu nhìn vấn đề bằng cái nhìn tích cực, bạn sẽ thấy sự tử tế ấy hiện diện bất cứ nơi đâu. Và trong những ngày cụm từ “social distancing - giãn cách xã hội” cần phải được tuân thủ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, thì cũng là lúc chúng ta dường như được gần nhau hơn. Đó là lý do thế giới vẫn tồn tại và là lý do để chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về điều tốt đẹp sẽ diễn ra ở ngày mai.
Anh Khuê (từ Luân Đôn, Anh)