Những trải nghiệm mới mẻ
Một sớm đầu năm tại Nhật Bản, Trần Nhật Thắng - du học sinh EHLE Institute Japanese Language School tại Osaka - chợt thấy quen thuộc trước ánh nắng ấm áp hòa và bầu không khí mát lạnh. Tiết trời này chẳng khác mấy tiết trời đầu xuân ở Việt Nam, khi gió bấc tràn về khắp các nẻo phố. Nếu còn ở quê, chắc giờ này Thắng đang cùng mẹ đi chợ mua bánh mứt, thịt trứng, trái cây…, vừa ngắm nhìn đường phố xôn xao, tấp nập.
“Tôi sinh ra ở Sa Đéc - nơi nổi tiếng với những cánh đồng hoa rực rỡ quanh năm, nhất là mùa tết nên rất yêu quý không khí du xuân cùng gia đình. Những thói quen, kỷ niệm này đã ăn sâu vào trong máu nên tôi không thể nào quên được”, Thắng bộc bạch.
|
Trần Nhật Thắng học thêm được nhiều thứ qua cái tết phương xa |
Đây là năm thứ hai Thắng xa quê và đã quen với cuộc sống, văn hoá, con người Nhật Bản. Dẫu có chút chạnh lòng khi không được ăn tết cùng gia đình nhưng Thắng tin điều này sẽ không mấy đáng sợ. Bởi lẽ, thời gian này sẽ có rất nhiều người làm lễ hội trao đổi văn hóa Việt - Nhật, tái hiện phần nào không khí ngày tết ở Việt Nam. Đây không chỉ là một trải nghiệm thú vị mà còn mang đến cho Thắng rất nhiều kiến thức về văn hóa, cũng như mối quan hệ thâm tình giữa người dân hai nước.
Mùa tết năm trước, Thắng cũng đón tết xa nhà. Suốt những ngày này, Thắng miệt mài đi học, đi giao báo và làm phục vụ ở nhà hàng để trang trải sinh hoạt phí. Thời gian rảnh, Thắng gọi điện về cho gia đình và lướt Facebook để xem người thân, bạn bè cập nhật hình ảnh du xuân. Mọi người vẫn nhắc Thắng, vẫn gửi lời chúc mừng và chờ đợi ngày Thắng trở về. “Trải qua cái tết nơi xa, tôi nhận thấy tết Nguyên đán Việt Nam rất đậm đà bản sắc. Tôi sẽ cố gắng học thật tốt để có được học bổng, có thêm chi phí để năm sau được đón tết cùng gia đình sau thời gian dài vắng mặt. Mong là gia đình, bạn bè và tất cả mọi người xung quanh sẽ vẫn khỏe mạnh để đợi tôi trở về”, Thắng kỳ vọng.
Khắc sâu tình cảm gia đình
Chỉ mới du học hơn 1 năm nên Ngô Sương (21 tuổi) - du học sinh chuyên ngành Business Administration - Marketing tại Mohawk College, Canada - vẫn còn khá bỡ ngỡ với nhiều thứ xung quanh mình. “Tết luôn là lúc mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất trong năm. Dù không phải là cái tết đầu tiên xa nhà nhưng tôi vẫn cảm thấy rất bồi hồi, luôn nhớ lại những khoảnh khắc đẹp của những năm trước, khi mình còn đang vui vẻ bên cạnh người thân, bạn bè”, Sương tâm sự.
Trong tưởng tượng của Sương, nếu còn ở Việt Nam thì ngay từ đầu tháng Chạp, mình và gia đình đã rộn ràng chuẩn bị đón chào năm mới. Nhà gần con đường “chợ Bông” nổi tiếng ở Trà Vinh nên tết luôn rất rực rỡ, sắc màu. Ngày mùng Một, tất cả con cháu đều quây quần về nhà Tổ để chúc tết ông bà, thưởng thức bữa cơm gia đình ấm áp. Ở cái tuổi đôi mươi, Sương vẫn háo hức trông đến lúc nhận “hồng bao” từ người lớn với mấy em nhỏ trong nhà.
|
Ngô Sương chỉ mong mọi người thật khỏe mạnh và bình an |
Mọi hoạt động của ngày tết vẫn diễn ra như thế, duy chỉ có Sương là khác đi vì ở Canada, người dân chỉ mừng tết Dương lịch. Những ngày tết, Sương vẫn đều đặn đến trường trong tiết trời lạnh lẽo. Nhưng sau tất cả, điều đó lại nhắc nhở Sương rằng mình phải lớn và phải trải nghiệm cuộc sống của người trưởng thành. Sương coi đây là dịp để bản thân lắng đọng, thử thách mình cùng những điều mới mẻ, đồng thời khắc sâu thêm tình yêu với gia đình. Ngoài giờ học, Sương dành rất nhiều thời gian để điện thoại trực tuyến về cho gia đình, cùng mọi người trải qua những khoảnh khắc quan trọng.
“Tương lai chưa chắc chắn điều gì nhưng nếu đúng kế hoạch thì tôi sẽ về Việt Nam đón tết Nguyên đán vào năm 2026. Mong không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều sẽ có một năm mới rực rỡ và thành công hơn. Chờ Sương nha, hai năm nữa con sẽ về, rồi mình sẽ gặp lại và đón tết cùng nhau”, cô nàng mong mỏi.
Điều bình thường đáng quý
Còn với Minh Trâm (22 tuổi) - sinh viên ngành International Human Resources Management tại Rotterdam, Hà Lan, năm thứ ba ăn tết xa chất chứa rất nhiều cảm xúc khác lạ. Có lúc, Trâm gần như đã hoàn toàn quen với việc sống xa gia đình và có thể giải quyết được mọi thứ, nhưng có lúc lại thấy như mình chỉ mới xa nhà vài tháng. Những ngày cuối năm, cứ mỗi lần ra đường là Trâm lại nhớ không khí nô nức ở Việt Nam.
“Vì tiền vé quá đắt, cộng thêm thời gian này ở châu Âu vẫn học hành, làm việc bình thường nên mình không thể về nhà. Ở đây không đón tết Âm lịch nên chẳng trang trí gì, mua được cái bao lì xì cũng khó chứ đừng nói chi bánh mứt tết”, Trâm kể.
|
Xa nhà nhiều năm, Minh Trâm mới thấy được giá trị của những điều tưởng như bình thường |
Để bản thân không rơi vào tiêu cực, những buổi tối Giao thừa, Trâm sẽ tụ họp những người bạn Việt Nam của mình, cùng nhau ăn một bữa cơm với các món ăn Việt. Dù không được linh đình hấp dẫn như mâm cỗ truyền thống, nhưng cũng có thịt kho, dưa hấu, canh khổ qua…, món nào cũng ấm áp vị quê hương. Giao thừa điểm, từng người trong nhóm lần lượt chúc tết nhau, chơi những trò chơi truyền thống như lô tô, xì dách… với phần thưởng là những viên kẹo ngọt. Trong căn phòng nhỏ ở một nơi xa lạ, bật những bài nhạc xuân quen thuộc, những gương mặt trẻ lấp lánh những nụ cười.
Khi ai về nhà nấy, Trâm lại nghĩ về ngày mùng Một ở nhà nội của mình. Nhà đông con nên mỗi sớm mùng Một, ai cũng xúng xính quần áo đi chúc tết, khiến sân nhà như một bức tranh thật sặc sỡ, tươi sáng. Mỗi lần như thế, gia đình Trâm lại có một tấm ảnh 4 thế hệ cùng nhau. Rồi nào là bánh chưng, thịt kho tàu, canh khổ qua dồn thịt ăn cả mùa tết mới hết. “Ngày trước cứ ăn mà không nghĩ gì, bây giờ đi xa rồi không được ăn nữa, tự dưng thấy nhớ đồ ăn Việt Nam vô cùng. Ước gì tết mang được bà nội sang đây thì tốt nhỉ”, Trâm thơ thẩn nghĩ.
Trâm chẳng biết đến khi nào mình mới có thể về Việt Nam đón tết cùng gia đình. Chắc là khi bản thân có thể tự chủ kinh tế hơn, sẵn sàng trả một số tiền lớn chỉ để về nhà 1 tuần rồi lại quay lại. Cái tết ấy, chắc chắn Trâm sẽ không rời nhà theo bạn bè chu du khắp chốn, mà sẽ dành nhiều thời gian hơn để ở nhà với bố mẹ, ông bà, anh chị em.
Trang Thư