Tái khởi động “chợ dã chiến”: phụ nữ!
Trong tâm thế chuẩn bị các hoạt động cho ngày trở lại trạng thái “bình thường mới”, từ chiều ngày 16/8, Hội LHPN xã Tân An Hội cùng với các lực lượng đã có mặt tại sân bóng đá ấp Bàu Tre 1 để cắt cỏ, dọn vệ sinh, sắp xếp bàn ghế, lắp đặt những tấm màn chắn giữa người bán và người mua ở các quầy hàng.
Chị Trần Thị Thanh Tuyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân An Hội - cho biết, xã không có chợ, nên ngay khi được tái lập trạng thái “bình thường mới”, UBND xã giao Hội Phụ nữ và Hội Nông dân tổ chức “chợ dã chiến”. Sáng 17/9, chợ đã hoạt động trở lại với năm gian hàng bán các loại nông sản, thịt cá và nhu yếu phẩm.
Để bắt đầu cho ngày bán đầu tiên trở lại, chị Thanh Tuyền kết nối với hợp tác xã, các đại lý nhờ cung ứng hàng hóa giá gốc. Các loại nông sản như bầu, bí, khổ qua, rau xanh… cũng được kết nối để nông dân đưa ra tiêu thụ. Hội cũng phối hợp để các ấp thông tin về việc tái hoạt động của chợ dã chiến với bà con nhân dân, nhờ các ấp phát phiếu đi chợ cho bà con theo các khung giờ.
|
Phụ nữ xã Tân An Hội tham gia tái lập hoạt động “chợ dã chiến” |
5g30 mỗi ngày, hàng hóa được tập kết tại chợ. Chị Thanh Tuyền cùng khoảng 10 chị em sẽ tiếp nhận và sắp xếp hàng hóa lên quầy. Đúng 7g, chợ mở cửa và đón đợt khách đầu tiên, chị em phân công nhau, người vào vị trí bán hàng, người điều tiết khách. Khách đi chợ được hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn và xếp hàng trật tự.
“Tôi và tất các các chị em đều không có kinh nghiệm buôn bán nhưng qua nhiều tháng hỗ trợ công tác an sinh, đi chợ giúp dân… nên cũng quen việc. Buổi họp chợ trong ngày đầu tiên hoạt động diễn ra thuận lợi, an toàn; hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân” - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân An Hội chia sẻ. Phiên “chợ dã chiến” kết thúc vào buổi trưa muộn. Trước khi ra về, các chị dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị cho phiên chợ hôm sau.
Mặt trận nào phụ nữ cũng có mặt!
Chập tối, bầu trời u ám kéo theo cơn mưa tầm tã. Chị Nguyễn Thị Thanh Nương - Chi hội trưởng phụ nữ ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng - sốt ruột, đi ra đi vào. Biết không thể chờ mưa tạnh nên chị Nương mặc áo mưa chạy xe máy đến bếp cơm của xã để đưa bữa tối cho các chốt trực kiểm soát dịch.
Đoạn đường đến chốt trực dài gần chục cây số, trời lại mưa, trên đường không một bóng người khiến chị Nương có phần lo lắng. “Cũng có sợ, nhưng vẫn cứ đi, để cơm canh đến các lực lượng kịp thời. Nhiều người cũng nói tôi “sao mà cực quá vậy!”, nhưng có đáng gì so với anh em đang làm nhiệm vụ ngoài chốt. Ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh em cũng phải đảm bảo bám chốt”.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Nương chuyển các suất cơm tối đến lực lượng tham gia trực chốt |
Chị Võ Thị Oanh Kiều - Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Lập Thượng - cho biết, đến thời điểm hiện tại, trong điều kiện “bình thường mới”, xã vẫn còn 12 chốt trực kiểm soát, phong tỏa và 25 chốt cứng bảo vệ “vùng xanh” tại các vị trí tiếp giáp, kiểm soát chặt người và phương tiện ra vào địa bàn xã. Trước đó, trong thời điểm thực hiện siết chặt giãn cách, toàn xã có đến 80 chốt kiểm soát bảo vệ “vùng xanh”, trong đó 21 chốt trực và 59 chốt phong tỏa cứng. Hội Phụ nữ đảm nhận việc nấu cơm mỗi ngày ba bữa cho các lực lượng. Chị em đảm nhận luôn việc chuyển cơm đến các điểm chốt và khu điều trị F0. Địa bàn khá rộng nên việc chuyển cơm đến tất cả các điểm chốt là một nhiệm vụ rất vất vả, mất hàng giờ. Vậy nên, chị em phải chia nhau đi, mỗi người một hướng. Công việc này chị Nương và các chị em khác đã âm thầm làm từ hơn ba tháng qua.
Ngoài việc đưa cơm, chị Nương còn tham gia trực tại điểm chốt của ấp theo hai khung giờ: từ 6g - 14g và từ 14g - 22g. Tất nhiên, cũng không có mấy người ra đường, trừ những trường hợp cần thiết như đổ xăng đi ruộng, đi mua sữa cho trẻ nhỏ hay mua thuốc… Với những trường hợp như vậy, chị Nương đều vận động họ ở lại chốt và chị sẽ giúp họ việc còn lại.
Tất bật với bao việc nhưng khi biết người dân trong ấp khó khăn, chị Nương lại kết nối chị em cùng nhau giúp đỡ. Từ đầu dịch đến nay, 100 phần quà gồm gạo, mì, mắm muối… đã được chị trao tặng cho các gia đình.
Việc không tên làm hoài không hết
“Công việc của chị Đỗ Thị Kim Yến - Chi hội trưởng phụ nữ ấp Phú Hòa - tham gia phòng, chống dịch tại địa phương thì kể hoài không hết. Lúc nào cũng thấy chị ấy bận rộn việc… vác tù và hàng tổng” - chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Mỹ Hưng, nói.
Vợ chồng chị Yến làm nghề may gia công quần áo trẻ em. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, là nguồn sống của cả gia đình. Nhưng từ hơn ba tháng qua, khi dịch bệnh phức tạp, thành phố thực hiện giãn cách, vợ chồng họ buộc phải tạm dừng công việc hoàn toàn.
Không tự “bó chân” mình ở nhà một cách vô ích, vợ chồng chị Yến tình nguyện tham gia vào tổ COVID-19 cộng đồng của ấp Phú Hòa. Chồng tham gia tuần tra, trực chốt, còn vợ bắt tay vào bao “việc không tên”.
Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi đã gặp được chị Yến. Quả thực, chúng tôi hết sức cảm phục tinh thần vì cộng đồng của chị. Liên tục nhiều ngày qua, chị cùng ban nhân dân ấp đến từng nhà để rà soát lại danh sách người lao động khó khăn nhận hỗ trợ với phương châm “không để bỏ sót một ai, cả những người tạm trú, lưu trú do mắc kẹt trong thời gian dịch bệnh”. Công việc vừa hoàn thành vào 21g ngày 17/9 thì 6g sáng hôm sau chị Yến lại đi giao giúp sách giáo khoa cho các em học sinh tiểu học. Vừa giao sách xong, chị lại chạy đến các tiệm thuốc tây để mua thuốc giúp bà con. Chị nói: “Trong sáng nay tôi phải mua tám đơn thuốc, chủ yếu là thuốc huyết áp, tim mạch, rất cấp bách, cho những người lớn tuổi, người già có bệnh nền không đi khám bệnh được trong điều kiện dịch bệnh hiện nay”.
Chưa kịp nghỉ ngơi thì có tin nhắn “ấp vừa nhận được 20 phần quà chăm lo cho dân nghèo”. Thế là chị lại chạy đến văn phòng ấp nhận quà đi trao. Trở về nhà đã quá bữa trưa, chị ăn vội chén cơm rồi lại ngồi tổng hợp các đơn hàng để đi chợ giúp dân vào hôm sau. Các hóa đơn mua hàng chị đều ứng tiền trước, đến khi giao hàng cho bà con chị mới nhận lại tiền.
Hai đứa con ở nhà, chị Yến sắp xếp cho chúng tự học và chăm sóc lẫn nhau, thỉnh thoảng chị giám sát qua camera trên điện thoại. Dù công việc vất vả, thậm chí có phần nguy hiểm, nhưng nhiều chị em như chị Yến, chị Nương, chị Tuyền ai cũng vui vẻ và hết lòng phục vụ. Mong muốn duy nhất của họ là thành phố sớm trở lại nhịp sống bình thường, không phải để họ bớt việc mà là để bà con bớt khổ.
Song An
Từ ngày 15/9, Q.7, H.Củ Chi và H.Cần Giờ là những địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bắt đầu bước vào giai đoạn thí điểm hoạt động theo trạng thái “bình thường mới”.
Tại H.Củ Chi hiện đã có 1.845/1.907 tổ dân phố - tương ứng với 18/21 xã, thị trấn - được đánh giá ở trạng thái “bình thường mới” (tức là “vùng xanh”). Mặc dù là “vùng xanh” của thành phố, được mở cửa lại một số hoạt động, nhưng H.Củ Chi vẫn thận trọng, không mở đại trà mà tổ chức tái hoạt động từng bước chắc chắn.
Trong trạng thái “bình thường mới”, một số xã “xanh” sẽ mở lại chợ hoặc theo hình thức “chợ dã chiến”. Người dân được phép đi chợ một lần/tuần. Trong đó, huyện tiếp tục phủ rộng tiêm vắc-xin COVID-19 cho mọi người dân. Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 tại H.Củ Chi đạt 100%, mũi 2 đạt khoảng 30%.
Thiên Ân