Máy bay hạ cánh sau hơn hai tiếng đồng hồ lướt qua từng áng mây trời. Mấy tháng rồi mới trở về miền Nam, mình í ới qua điện thoại cho mẹ ngay khi đang đứng ở bến đợi chuyến xe đò Cần Thơ - Tri Tôn (An Giang) rời bến.
|
Đu đủ đâm vốn là món gỏi đu đủ của người Campuchia |
Chợ Tri Tôn vẫn vậy, nhịp sống tuy có hiện đại nhưng hồn quê chân phương vẫn đậm nét. Rẽ trái ngay chỗ vòng xoay, mình lại chạy ngang qua cầu Cây Me, hướng về phía Tịnh Biên (nơi giáp biên giới Campuchia). Rẽ vào lối về phum sóc Phnom Pi là thấy ngay một dãy phố đu đủ đâm.
Nói phố nghe thì sang thiệt, chính xác hơn thì đây là một con đường dẫn vào núi khá bình thường với những ngôi nhà, chùa chiền của người Khmer. An Giang vốn là nơi sinh sống chan hòa của ba dân tộc Kinh - Chăm - Khmer. Mỗi dân tộc là một thức vị riêng, không lẫn vào đâu nên dù mình có ra Hà Nội cũng là gỏi đu đủ nhưng giá thì mắc mà… không đúng điệu. Càng ăn món ở xứ xa, lòng lại càng tha thiết hương vị quê nhà.
Dù vẫn còn cách quán đu đủ đâm thân quen áng chừng vài trăm mét, vậy mà sống mũi mình đã dâng đầy hương vị món ngon hoài niệm năm nào. Những trái đu đủ chưa chín tới nhưng cũng không xanh cái vẻ non tơ được cô chủ quán thu mua lại của mối quen khi vừa hái xuống từ cây vẫn còn đọng những giọt ban mai rớt trên lá cành.
Đu đủ sau khi gọt vỏ và rửa sạch được bào thành sợi. Từng sợi đu đủ dai giòn, ngòn ngọt với sắc xanh đan cài cùng màu đỏ tươi như gọi mời thực khách từ trong chiếc tủ kính trưng bày. Trí tưởng tượng của mình lại bật tung lên mùi thơm của thứ mắm trộn lạ kỳ - điểm nhấn của món đu đủ đâm. Mắm này và thứ nước gia vị trộn vào đu đủ phải do người dân Khmer tự tay làm thì mới đúng bài.
Khi ăn, thực khách sẽ nghe ra cái mùi thơm nhẹ, ngọt pha lẫn chút chua chua nhưng tuyệt nhiên không tanh. Ai lần đầu ăn cũng như thuyền vượt cạn, vượt qua rồi thì... ghiền quên lối về. Mọi thứ sẽ băng băng trôi tuột vào cuống họng, đậu lại nơi mũi và đầu lưỡi là những ký ức khó phai.
|
Những quán đu đủ đâm ở Tri Tôn (An Giang) thường có thêm món bò nướng |
Nơi này đón chân mình trở lại bằng nụ cười tươi rói của cô chủ quán. Khách ngày càng đông hơn, dân địa phương có, khách phương xa cũng không hề ít, vậy mà cô vẫn nhớ mặt mình. Thấy khách đông, mình không vội giục cô mà tìm một chỗ sâu bên trong quán và ngồi lặng lẽ nhớ người hay ngồi đối diện với mình ngày trước. Ngoài mái hiên, cô chủ tiệm đang bận bịu với chiếc cối và cái chày giã đu đủ.
Cũng chỉ là gỏi với đu đủ là nhân vật chính, đi cùng là rau muống, đậu đũa, hành tím, khô ruốc, mắm trộn. Cô cho mọi thứ vào chiếc cối có lẽ cũng kha khá tuổi đời rồi thoăn thoắt giã cho mọi thứ quyện vào nhau. Chỗ quầy bán, cô đặt một chiếc tủ kính, trong đó là nguyên liệu cô chuẩn bị được bảo quản trong nước đá nên khi gỏi đến tay khách vẫn còn rất tươi và giòn.
Mình gọi hai phần, cô chủ quán như hiểu ý, cho người mang ra. Chỉ khác mọi khi là phần mình ăn thì để trong dĩa, phần cho vị khách đối diện thì để vào hộp để mình mang về. Kêu thêm năm xiên bò nướng và hai cái hột vịt dữa nữa là đúng điệu cha con mình ngày trước vẫn thường ghé ăn.
Sống đâu thì quen đó, ăn riết nên quen mặt. Việc ba mình về với ông bà trong đợt dịch cuối năm ngoái, cô chủ quán cũng biết. Phần mình, cô để nhiều ớt, còn phần của ba thì giảm một nửa lượng cay so với của mình. Hai hột vịt dữa mình gọi nhưng mình nào ăn, để dành hết cho ba. Hương thơm của mắm, vị giòn ngọt của gỏi lại đưa mình về với những ngày xưa, những ngày mà chân ba còn để lại dấu tích trên mặt đất, không như bây giờ chỉ còn lại hồi ức trong tim.
Cứ mỗi lần đưa mình thăm vườn trái cây về, ba lại tạt quãng đường vòng gấp đôi đường về nhà chỉ để hai cha con được ăn đu đủ đâm. Người đàn ông với đôi tay rám nắng và chai sần sống cả cuộc đời trong hai từ giản dị. Ông không sợ gì cả, ngoài việc vợ con mình thiếu thốn. Đó cũng là can cớ cho việc mẹ đã khóc suốt mấy tháng trời từ khi ba mất. Khách tới lui quán đu đủ nườm nượp nhưng cô chủ quán vẫn nhớ hình ảnh người đàn ông trong chiếc quần kaki màu xanh đã sờn phai cùng đứa con trai thường ghé quán tầm 3-4 giờ chiều mỗi ngày.
Thấy mình về nhà, bày lên bàn thờ ba chiếc hộp xốp chưa vội mở nắp và hai cái hột vịt dữa, mẹ tặc lưỡi: “Bây lại rủ ba bây đi ăn đu đủ đâm nữa à? Cái món này có gì ngon đâu, mẹ làm cũng được. Mai ra chợ mua đu đủ về đi, ít con ruốc khô nữa, rồi mắm trộn với đậu đũa các thứ, coi thử có ngon hơn ở tiệm không…”.
Mình lắc đầu: “Làm sao mà đúng điệu được hả mẹ?”. Mẹ hỏi thế nào mới là đúng điệu, mình không biết phải trả lời thế nào cho mẹ tường tận. Đầu mình khi ấy chỉ hiện lên hình ảnh chiếc cối, tiếng chày giã đu đủ. Có lẽ điều làm nên sự khác biệt ở Ri-na so với những quán khác và so với mẹ chính là ở đó. Chiếc cối ấy đã thầm thì cùng cái chày không biết bao nhiêu năm tháng, hồi ức bao thế hệ cứ vậy rồi được giã đầy, giã đậm vào cối. Thức mùi quen thuộc in hằn lên từng sợi đu đủ bào, ướt đẫm những gia vị và hòa cùng các nguyên liệu khác. Quan trọng hơn cả, đó là nơi để ba và mình trò chuyện sau một ngày phơi mình trong nắng ở đất vườn.
Vĩnh Hoài
(Ảnh từ Internet)