Dự đoán trước giờ G

27/02/2019 - 06:50

PNO - Tờ National Interest, chuyên nghiên cứu về chính sách ngoại giao thế giới, đã trực tiếp phỏng vấn 76 chuyên gia chính trị, dự đoán về sự kiện “Trump - Kim 2.0”.

Liệu hai bên có đạt được thỏa thuận khung, tiến tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên? Liệu sẽ có tuyên bố hòa bình chính thức?...

Du doan truoc gio G
 

Graham Allison - nhà khoa học và giáo sư chính trị người Mỹ tại Trường Chính phủ John F. Kennedy, Đại học Harvard:

“Tôi nghĩ về lợi ích quốc gia và liệu còn lựa chọn nào quan trọng hơn lựa chọn lợi ích quốc gia? Ông Trump không muốn mâu thuẫn hạt nhân tồn tại ở bán đảo Triều Tiên - nơi có đồng minh Hàn Quốc, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh và an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng ông Trump không thể dùng dằng mãi như cách các đời tổng thống trước đã làm. Triều Tiên cũng cần có những bước rẽ mới cho người dân. Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên đều hiểu đối phương cần gì. Trong một năm nay, cả hai bên đã có những động thái nhượng bộ từ giọng điệu đến những sự kiện liên quan”.

Bae Myung-Bok - cây viết giữ chuyên mục bình luận trên tờ JoongAng Ilbo của Seoul, hiện đang là biên tập viên thông tin nước ngoài tại Văn phòng Các vấn đề quốc tế Hàn Quốc:

“Nếu Tổng thống Trump không đạt được những thỏa thuận có tính đột phá trong hội nghị lần này, ông sẽ khó tuyên bố hội nghị thành công. Trong hội nghị lần thứ nhất và đến thời điểm hiện nay, việc Mỹ trông đợi Triều Tiên hoàn toàn giải trừ hạt nhân là một tham vọng không tưởng. Vì thế, chính quyền Trump đã có động thái kịp thời là điều chỉnh mục tiêu của Triều Tiên và yêu cầu nước này bỏ đi chương trình tên lửa tầm xa có thể đe dọa trực tiếp tới người dân Mỹ.

Ông Trump dần nhận ra, với Triều Tiên, từng bước đi chắc chắn mới là thứ ông nên trông đợi. Tổng thống Trump có thể tuyên bố đây là thành công lớn trong cuộc họp thượng đỉnh lần hai, với việc nhiều khả năng tiến tới loại bỏ tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề tồn đọng mà Mỹ phải nhượng bộ để Triều Tiên tiếp tục cân nhắc là loại bỏ tên lửa tầm trung, tầm ngắn, đầu đạn hạt nhân và các vật liệu được duy trì - vốn là mối đe dọa không chỉ với Hàn Quốc mà cả với Nhật Bản. Nhưng mọi thứ không thể khác được. Sẽ không có chuyện bước quá nhanh khỏi một lộ trình”.

Frank Aum - Chuyên gia cấp cao về vấn đề Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ:

“Với hội nghị lần này, tôi cảm thấy lạc quan hơn rất nhiều so với hội nghị lần đầu, đặc biệt là sau chia sẻ từ đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên - Stephen Biegun. Ông Stephen Biegun đã nêu nhiều điểm trọng yếu, cho thấy những tín hiệu tích cực từ cả phía Mỹ và Triều Tiên.

Thứ nhất, ông Stephen Biegun cho rằng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có cam kết riêng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Cam kết nhắc đến việc Triều Tiên sẽ giải trừ hạt nhân ở các nhà máy plutonium và uranium, chứ không chỉ nhà máy Yongbyon như Tuyên bố Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018, nếu Mỹ đưa ra những ý kiến phù hợp.

Thứ hai, ông Stephen Biegun cũng đã công khai nhấn mạnh, Mỹ đã chuẩn bị thuyết phục và đàm phán với Triều Tiên, không chỉ vấn đề hạt nhân mà song song và đồng thời là tiến trình hòa bình, thể hiện tinh thần nhân văn. Với giới quan sát, đây là bước chuyển đáng kể của chính quyền Washington, điều mà trước đây không ai có thể tưởng tượng ông Trump sẽ lựa chọn. Trước đây, Mỹ lấy câu chuyện hòa bình để buộc Triều Tiên phải từ bỏ hạt nhân. Giờ thì đã khác”. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI