Dù dịch, đừng quên các loại vắc xin ngừa bệnh cho trẻ

21/09/2021 - 06:40

PNO - Số lượng trẻ tiêm các loại vắc xin thường xuyên để phòng bệnh đang giảm đáng kể do dịch COVID-19 kéo dài và tâm lý trì hoãn của phụ huynh.

Tỷ lệ trẻ tiêm chủng các loại bệnh giảm mạnh

Vì lo sợ con bị lây nhiễm khi đến cơ sở tiêm chủng bởi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Hồng Yến (ở TP.Thủ Đức) đã tạm thời không đưa con đi tiêm dù đã đến lịch hẹn các mũi nhắc lại.

Tương tự, nhiều cha mẹ trên nhóm Team Sinh Bệnh viện Hùng Vương TPHCM cũng chia sẻ: “Bé mình đã đến lịch tiêm chủng nhưng mình ngại đưa con đi vì sợ đông dễ lây nhiễm”, “Bé nhà tôi được hai tháng, mới tiêm một mũi viêm gan B và lao. Nhưng tôi ngại đưa bé đến bệnh viện tiêm tiếp các mũi khác vì giờ dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp”… 

Bệnh viện Hùng Vương đang triển khai chương trình uống vắc-xin Rotavirus phòng ngừa tiêu chảy miễn phí đến hết 30/9/2021 - ẢNH: FANPAGE BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG
Bệnh viện Hùng Vương đang triển khai chương trình uống vắc xin Rotavirus phòng ngừa tiêu chảy miễn phí đến hết 30/9/2021 - Ảnh: Fahnpage Bệnh viện Hùng Vương

Thêm vào đó, những hạn chế đi lại trong thời gian giãn cách xã hội cũng gây cản trở trong việc cha mẹ đưa con đến bệnh viện tiêm ngừa. Trước khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người có con nhỏ ở các tỉnh lân cận TPHCM thường lựa chọn đưa con đến các bệnh viện ở thành phố để tiêm ngừa. Nhưng khi dịch bùng phát, TPHCM cũng như nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy cha mẹ rất khó di chuyển đến các bệnh viện ở TPHCM để tiêm ngừa cho trẻ.

Anh Nguyễn Văn Vương (ở Q.4, TPHCM) có con gần bốn tháng tuổi, đã đến hẹn tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng hiện không tiêm được vì anh đã đưa vợ và con về quê ở tỉnh Tiền Giang sau khi vợ sinh. Không ngờ đến nay dịch COVID-19 vẫn còn và giãn cách kéo dài, vợ con anh chưa quay lại được TPHCM để tiêm ngừa cho con. Trong khi đó, tỉnh cũng tạm hoãn chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức (TPHCM) cũng như các tỉnh đang có dịch bùng phát, chương trình tiêm chủng mở rộng đã tạm hoãn vì đội ngũ nhân viên y tế được điều chuyển lên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19. 

Những hạn chế trên dẫn đến thực tế tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đang giảm đáng kể. Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho hay, số lượng trẻ đến tiêm vắc xin tại bệnh viện từ đầu năm đến nay giảm khoảng 1/3 so với những năm trước. Bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế City, cũng cho biết, số lượng trẻ đến tiêm vắc xin tại đây giảm rất nhiều, chỉ bằng 1/10 so với bình thường vì giãn cách xã hội và vì trẻ sống trong vùng bị cách ly. 

Theo Hệ thống tiêm chủng VNVC, trong sáu tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ tại hệ thống này đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng bỏ mũi, trễ lịch diễn ra khắp cả nước, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Hàng triệu trẻ em đang bỏ lỡ cơ hội chủng ngừa duy nhất trong đời vì các loại vắc xin có giới hạn độ tuổi ngắn như: vắc-xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus, vắc xin phòng lao, vắc xin 5 trong 1, vắc xin 6 trong 1… 

Nhiều bệnh truyền nhiễm rình rập trẻ

“Bên cạnh dịch COVID-19, vẫn còn hàng chục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang rình rập tấn công trẻ em. Những bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gánh nặng bệnh tật rất cao hoặc để lại di chứng nặng nề suốt đời”, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, nói.

Trong thông cáo báo chí của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đăng tải vào Tuần lễ tiêm chủng thế giới, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nêu rõ: “Nếu chúng ta muốn tránh được các đợt bùng phát của những bệnh đe dọa đến tính mạng như sởi, sốt vàng da và bạch hầu, thì chúng ta phải đảm bảo các dịch vụ tiêm chủng thường xuyên được tiến hành ở mọi quốc gia trên thế giới”.

Tiến sĩ Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), cũng chia sẻ: “Hàng triệu trẻ em trên thế giới có nguy cơ không được tiêm các loại vắc xin thường xuyên do đại dịch. Điều này có thể làm đảo ngược những tiến bộ mà tiêm chủng mở rộng đã đạt được trong hai thập niên qua”.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm thường gặp như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi. Do đó, bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ khuyến cáo, cha mẹ nên tiêm ngừa đầy đủ cho con theo đúng lịch trình, nếu không con có thể bị những bệnh do chưa được tiêm ngừa đầy đủ. Cha mẹ nên đăng ký trước để có được lịch hẹn giúp dễ dàng đưa trẻ đến bệnh viện để tiêm ngừa. 

Theo Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cha mẹ nên yên tâm đưa con đến bệnh viện tiêm ngừa vì công tác phòng dịch đang được triển khai chặt chẽ. Tại khu vực tiêm chủng, bệnh viện có bố trí xà phòng khử khuẩn, ghế ngồi giữ khoảng cách và trước khi vào bệnh viện, cha mẹ sẽ được khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt. 

Hiện nay, nhiều bệnh viện như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Quốc tế City, Bệnh viện Từ Dũ, Hệ thống tiêm chủng VNVC, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và các bệnh viện khác vẫn đang triển khai tiêm ngừa cho trẻ.

Vào ngày 15/9, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố chính thức mở lại dịch vụ tiêm chủng cho trẻ sau hơn 100 ngày tạm dừng do giãn cách. Tiêm chủng cho trẻ được thực hiện vào sáng thứ Tư, thứ Bảy và Chủ nhật.

Một trẻ đang được chuẩn bị tiêm ngừa tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - ẢNH: FANPAGE BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ
Một trẻ đang được chuẩn bị tiêm ngừa tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - Ảnh: Fanpage Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố 

“Tôi đưa con đến trung tâm tiêm chủng rất sớm, khi mới mở cửa vì lúc đó rất ít người. Khi đến điểm tiêm, tôi cố gắng tuân thủ nguyên tắc 5K. Trước đó, tôi cũng có tin nhắn hẹn tiêm chủng nên di chuyển dễ dàng đến nơi tiêm chủng”, chị Yến Nhi (ở TP.Thủ Đức) chia sẻ kinh nghiệm đưa con đi tiêm chủng. 

Cần tiêm đủ mũi, đúng lịch trình để bảo vệ trẻ

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, chia sẻ, người dân cần tuân thủ lịch tiêm vắc xin để tiêm đủ mũi, đủ liều và đúng lịch trình. Đặc biệt, cha mẹ cần lưu ý các mốc tiêm chủng quan trọng cho con bao gồm: 12 tháng đầu đời để con được tiêm hầu hết các mũi vắc xin cơ bản cần thiết; vào tuổi thứ hai đến trước bốn tuổi để hoàn tất các mũi tiêm cơ bản cần thiết và những mũi tiêm nhắc đầu tiên để củng cố miễn dịch; tuổi tiền học đường để củng cố miễn dịch nhằm bảo vệ trẻ trước khi bước vào môi trường mới.

Gia Nhi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI