Đu dây... tâm linh

15/10/2018 - 15:00

PNO - Chuyện gắn tâm linh vào môi trường sinh thái đã và đang nở rộ như nấm sau mưa. Không đầu tư nào sinh lãi nhanh bằng đầu tư tâm linh. Đó là điều chua chát nhưng có thật.

Một hội nghị góp ý quy hoạch phân khu xây dựng Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã vừa được tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Quan điểm của tỉnh là không phát triển “nóng”, việc quy hoạch phải hướng tới mục tiêu hài hòa giữa khai thác, phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Bạch Mã. Theo đó, quy mô quy hoạch có tổng diện tích 387,8ha, chia làm 2 khu, gồm hạ tầng giao thông và khu du lịch sinh thái.

Du day... tam linh
Một góc Vườn Quốc gia Bạch Mã

Những con số khách lưu trú, tham quan được đưa ra trên những dự đoán và đánh giá. Và để thực hiện, các nhà quy hoạch đã trình bày nhiều ý tưởng, trong đó nổi lên hai vấn đề khiến các nhà nghiên cứu và quản lý lo ngại.

Thứ nhất, sẽ làm cáp treo gồm hai tuyến, với chiều dài gần 6km, với khẳng định rằng, việc thiết kế dự án du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Bạch Mã sẽ không làm ảnh hưởng đến hệ thực vật, động vật quý hiếm tồn tại từ hàng thế kỷ qua ở Bạch Mã. Ý kiến này đã khiến người ta giật mình ngay. Theo tiến sĩ Nguyễn Vũ Linh - Phó giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, hãy thận trọng vì nơi đây ẩm, sấm sét nhiều; hơn nữa, cáp treo sẽ làm kinh động những động vật đặc hữu, nhất là voọc chà vá chân nâu và nhiều loài chim đang sinh sống.

Thứ hai, có người đưa ra ý tưởng nên xây dựng ở đây khu du lịch tâm linh. Ý kiến này đã bị nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa và một số người khác phản bác ngay, cho rằng Bạch Mã không hội đủ các yếu tố để làm du lịch tâm linh. Cũng theo ông Hoa, đừng bị ám ảnh với con số sẽ đón 1 triệu lượt khách vào năm 2030 để rồi làm thật to, với những tên gọi thật kêu. Tóm lại, phải hết sức thận trọng trước các tác động đến khu này.

Chuyện gắn tâm linh vào môi trường sinh thái đã và đang nở rộ như nấm sau mưa. Không đầu tư nào sinh lãi nhanh bằng đầu tư tâm linh. Đó là điều chua chát nhưng có thật. Một điều rất lạ ở tâm lý người Việt là, phá rừng thì lên án, nhưng mở đường lên núi làm chùa thì im lặng và sau đó ùn ùn kéo tới bái vọng - một kiểu ủng hộ gián tiếp và tất nhiên slogan “hành hương tâm linh” sẽ dội vang khắp nơi. Làm càng to, rừng càng bị phá. Liên tiếp xảy ra lũ quét, lụt lớn ở các địa phương phía Bắc, chẳng cần tuân theo quy luật nào, khiến thiệt hại về dân sinh và hạ tầng ngày càng lớn. Người ta đưa ra đủ lý do, nhưng chẳng thấy ai nói, chùa chiền “tự động” mọc lên liên tục trên núi cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho thiên tai ập lên đầu người.

Du day... tam linh
Thác Đỗ Quyên nổi tiếng của Vườn Quốc gia Bạch Mã

Du lịch tâm linh bây giờ như một cái nhãn mác được bảo hộ muôn đời. Tâm linh là điều riêng và thiêng, không ai cấm cản. Nhưng tâm linh gắn với môi trường sinh thái lại đòi hỏi một hành xử khác. Ở đây, chính quyền nên tỉnh táo, không bị “chiêu dụ” bởi các nhà đầu tư, khi chưa ai xác quyết được: tâm linh đó thực sự là tâm linh, có tác dụng tốt cho người du lịch có nhu cầu thật sự hay người ta chỉ thỏa mãn cảm xúc thuần túy, thậm chí là ăn theo cảm xúc mà không hề biết rằng, đổi lại là thiệt hại không đo lường được.

Rừng và tâm linh thật sự đang bị lợi dụng và tàn phá không thương tiếc, nhưng lại được biến hóa thành những tên gọi rất kêu và gợi, bị những người có tham vọng trục lợi, xem như là cái dây để đánh đu. “Mượn màu nhang khói đánh lừa nhân gian” đang trở thành bệnh nan y không chữa nổi. 

Bạch Mã - “ngọn núi ảo ảnh” một thời - nổi tiếng với thác, chim, hoa đặc hữu, độc đáo, những biệt thự du lịch hoang phế thời Pháp như là minh chứng một thuở vàng son, xứng đáng được đánh thức. Nhưng, đánh thức không có nghĩa là bị dựng dậy bằng mọi giá. Ở Đà Nẵng, có tập đoàn định làm cáp treo ở Sơn Trà, bị dư luận lên án ngay.

Chẳng ai thử làm một điều tra xã hội học nghiêm túc về cái được và cái hại của chuyện này. Đồng tiền, niềm tin và di hại. Những con số đánh đu, có thực và  bẽ bàng. Dễ thấy lắm. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI