Ngày biết nàng yêu chàng huấn luyện viên võ thuật, gia đình nàng kịch liệt phản đối. Theo ba mẹ, nàng học văn, thích chữ nghĩa, tính lại nhút nhát, sống tình cảm thì khó mà hòa hợp được với một người học võ. Chưa kể nàng thấp bé nhẹ cân, chàng thì cao to hầm hố. Các cô chú nàng thấy thế “đế” thêm: “Mấy thằng võ sĩ bạo lực lắm, chỉ cần nó cho một đấm là con coi như xong đời”. Mấy ông bà già đúng là cổ hủ, chứ nàng thấy chàng nhẹ như… tơ, cái “mác” bạo lực gắn vào chàng thật oan!
Nàng cũng nhận thấy những tính xấu ở chàng không hề ít. Chàng thẳng tính nên đôi khi nói năng vụng về. Chàng không tự giặt quần áo mà cứ mang ra tiệm. Chàng hay cà phê, thuốc lá. Nhưng có lẽ vì yêu nên nàng chủ quan cho rằng, những gì nàng cho là tiêu cực ở chàng, sau này nàng sẽ uốn nắn. Còn những sự trái ngược dễ thương thì như là nam châm hút họ vào nhau.
Nàng có cảm giác như họ tìm tới nhau là để bù trừ những mặt còn hạn chế. Nàng tìm thấy ở chàng sự mạnh mẽ để những yếu đuối của mình nương tựa. Còn chàng thì lo xa hơn: “Tìm người phụ nữ để yêu đã khó, tìm người cho mình cảm giác sẽ là mẹ tốt của những đứa con, càng khó”. Chàng là thế, trong tình yêu cũng thực dụng, nên đôi lúc nàng không khỏi thấy chông chênh.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Hiếm khi chàng nói ra những lời ngọt ngào. Chàng không màu mè, nhưng được cái nói là làm và nhất là rất tốt bụng. Tiếc là hai người chưa kịp tận hưởng tình cảm bên nhau thì chàng lại chuyển công tác vào Nam. Nàng cứ tưởng tình mình đứt đoạn từ đây, vì cách xa nhau hơn ngàn cây số, tình cảm dễ phai nhạt, chưa kể chàng lại đẹp trai, phong độ. Thời ấy chưa có điện thoại di động. Những bức thư là minh chứng hùng hồn nhất của tình yêu hai người.
Chàng viết thư khô như ngói, nhưng được cái siêng viết, chỉ đơn giản là nhớ nàng. Dù chàng đã cố gắng vuốt ve từng câu chữ, nhưng chẳng thể giấu được những vụng về . Người vốn cầu toàn chữ nghĩa như nàng, bỗng một ngày lại thấy mình dễ chịu đến không ngờ. Nàng yêu những câu văn cụt ngủn nhưng… chắc nịch của chàng. Yêu nhất là khi nghe chàng kể, bao nhiêu tiền lương, đều bị kế toá n trừ vào tiền điện thoại đường dài. Cái khoản tình phí của chàng, nàng bảo hơi cao.
Xa nhau, nên cứ khoảng bảy giờ tối là chàng gọi điện hỏi thăm, mười giờ đêm thì thêm một lần gọi chúc ngủ ngon, nhưng thật ra sau này chàng thừa nhận là để “quản” nàng. Vốn lo nghĩ, nàng sợ sau này sẽ khó sống cùng chàng, bởi chưa là gì của nhau mà chàng đã nghĩ đến “chiêu độc” đó; nhưng chàng trấn an “có yêu mới thế”. Yêu xa như thế, bao nhiêu mong nhớ chỉ đợi ngày gặp mặt.
Nàng nhớ ngày gặp lại, chàng toàn hẹn hò ở những quán cà phê có không gian ấm cúng và lãng mạn. Ở đó chàng cứ thích “thị phạm động tác”, hết hôn rồi đến vuốt ve nàng. Nàng mà không tỉnh táo, biết đâu đã đến “tăng 2” không chừng! Lúc đó nàng nghĩ: chàng con nhà võ, thị phạm là “nghề” của chàng, còn nhiệm vụ của nàng là phải biết giữ khoảng cách, cũng là “để dành” cho chàng mà thôi! Nhờ thế mà chàng rất tôn trọng nàng. Chàng võ sĩ sau này cứ mải nhắc về cô nàng khó tính ấy. Nhớ ngày nàng gửi thiệp mời đám cưới, không ít người mở thiệp ra xem có phải chú rể là “thằng đó” không. Họ sợ nàng bị “hắn” bỏ rơi, sợ xa mặt cách lòng…
Bây giờ, dù đã ngoài 40, nàng vẫn như con mèo ướt trong lòng chàng. Mọi sự nâng đỡ từ chàng, nàng hưởng trọn vẹn. Sức mạnh của chàng võ sĩ, sự mềm mại của nàng văn hợp lại, giống như âm dương hút nhau, mãnh liệt hơn nàng tưởng, chứ chẳng hề đối nghịch như nàng vẫn lo sợ. Chàng vốn đơn giản trong mọi chuyện.
Tỷ như khi nàng than thở chuyện nấu ăn, chàng bảo “nấu ăn cũng như chơi bán buôn, chỉ là quẩn quanh bên ngăn bếp, pha chút mắm, thêm chút ớt, rửa mớ rau, có gì là nặng nhọc?”. Chàng lao vào bếp để chứng minh cái chuyện… chơi bán buôn. Nàng thú nhận nhờ thế mà sau này, mỗi lần vào bếp, nàng thấy bớt căng thẳng hơn. Còn chàng, luôn tự ý thức mình là phái mạnh, lại là con nhà võ, bao chuyện nặng nhọc chàng giành làm hết. Tỷ như đưa đón con, chàng cho đó là việc vất vả, chưa kể người... chân ngắn như nàng vừa phải chở hai con, vừa nhích từng bước trong dòng xe cộ đông nghẹt, sẽ gặp nhiều rủi ro hơn…
Cứ như thế, con đường tình yêu của họ kéo dài theo thời gian, lớn lên qua những trận cãi vã , dỗi hờn và hiểu nhầm. Nàng kể, có lần nàng đã mang đơn ly hôn lên tòa, nhưng đang đi thì bị chàng chặn đường, kéo vào quán cà phê để tiếp tục… cãi nhau. Sau này nàng hay tự nhủ: “Con nhà võ nghĩ gì nói nấy, thôi bỏ giận đi!”.
Từ đó nàng không giận hờn nữa. Phần chàng, biết nàng mỏng manh, cầu toàn, cũng trở nên dễ thương hơn để nàng vui. Dẫu vẫn còn những trái ngược về tính cách, nhưng họ đã biết tiết chế cảm xúc để hướng về nhau. Hạnh phúc đơn giản khi mỗi tối nàng được gác đôi chân gầy guộc của mình lên cặp chân voi của chàng. Còn chàng, trở về sau những đợt làm trọng tài các giải đấu, cảm thấy chỉ có gia đình mới là chốn nương tựa bình yên.
Misa (theo lời kể của chị Phi Khanh)