Dù còn nhiều chông gai, vẫn mạnh mẽ bước về phía trước

22/06/2024 - 05:56

PNO - Dù cuộc sống gặp không ít va vấp, sai lầm, rủi nhiều hơn may, và phía trước còn biết bao chông gai, nhưng các chị vẫn luôn kiên cường bước tiếp.

Giúp chị thêm vững vàng

Cuối tháng Tư vừa qua, nhận được 5,5 triệu đồng hỗ trợ từ dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM”, chị Nguyễn Thị Kim Phượng (phường 3, quận 11) vay thêm 1,5 triệu đồng để mua cái mái che di động. Chỉ tấm bạt mới, chị Phượng phấn khởi: “Nhờ tiền hỗ trợ từ dự án, tôi mới mạnh dạn mua sắm, nâng cấp cho quán cơm và cảm thấy yên tâm hơn khi mùa mưa đến. Hy vọng những ngày tới việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn”.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng cố gắng buôn bán từng ngày để có cuộc sống ổn định
Chị Nguyễn Thị Kim Phượng cố gắng buôn bán từng ngày để có cuộc sống ổn định

Chị Phượng bán cơm gần cổng công viên văn hóa Đầm Sen. Trước đây, mỗi khi trời mưa, chị che tủ cơm bằng mấy tấm ni lông chờ qua cơn mưa. Công việc buôn bán khó khăn nên kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau. Thân hình gầy gò, nước da sạm nắng cho thấy sự lam lũ và những sóng gió mà người phụ nữ ngoài 50 này đã trải qua. Dù vậy, chị Phượng luôn tươi cười, đón nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan.

Cha mẹ mất sớm, chị Phượng ở với bà ngoại. Lớn lên, chị lấy chồng, sinh con khi tuổi mới đôi mươi. Rồi chồng qua đời, chị một mình nuôi con nhỏ. Áp lực của cuộc sống khiến chị tìm đến ma túy để quên đi muộn phiền. Sau gần 2 năm sa vào vũng lầy tội lỗi, chị Phượng bị bắt. Thời gian cai nghiện giúp chị nhận ra những va vấp, sai lầm và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Được trở về nhà, chị Phượng xin đi rửa chén thuê, làm phụ hồ… Thấy chị siêng năng, chịu khó, anh Hoàng Thiện Mẫn đem lòng thương và nên duyên vợ chồng với chị. 3 năm trở lại đây, không còn đủ sức làm những công việc nặng nhọc, chị Phượng vay tiền mua chiếc tủ bán cơm sườn, bún thịt nướng. Ngày nào bán đắt thì được 100.000-200.000 đồng, ngày nào ế thì có cơm cho cả nhà 4 người ăn. Anh Mẫn ngoài việc phụ vợ vào sáng sớm, còn đi phụ hồ để kiếm thêm thu nhập.

Cuộc sống tuy có vất vả nhưng chị Phượng đã cảm thấy bình yên. Mỗi ngày, từ 1 - 2g sáng, vợ chồng chị đã dậy để nấu cơm, ướp thịt cá… rồi đẩy xe ra đầu hẻm bán cho đến khi nào hết, có khi đến 3 - 4g chiều, mới về. Sau vài tiếng nghỉ ngơi, chị Phượng lại đi chợ để chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Hiện tại, 2 con của chị đã trưởng thành, nhưng cháu nhỏ lại vướng vào con đường nghiện ngập. Nghe lời mẹ, con trai đã tự nguyện đi cai nghiện và sắp được trở về.

Bà Lê Mỹ Phụng - Trưởng khu phố 1, phường 3, quận 11 - nói về chị Phượng: “Sau khi cai nghiện trở về, chị Phượng đã rất cố gắng để làm lại cuộc đời. Nhiều năm qua, khu phố, hội phụ nữ đã rất quan tâm, động viên, hỗ trợ chị. Gần đây nhất, sự hỗ trợ từ dự án của UN Women đã giúp chị Phượng có thêm động lực để vững vàng hơn trong cuộc sống”.

Tiếp sức phụ nữ đơn thân

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (phường 5, quận Gò Vấp) vừa mới mua thêm chiếc xe đẩy và cái máy vắt cam phục vụ việc buôn bán. Chị khoe: “Tôi muốn mua chiếc xe bán nước cam này đã lâu lắm rồi. Tiền hỗ trợ từ dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM” đã giúp tôi thực hiện được mong ước và có thêm thu nhập”.

Chiếc xe bán nước cam chị Nhung mua với giá 3,5 triệu đồng. Còn lại 2 triệu đồng, chị dẫn mẹ đi khám tổng quát và chi trả các khoản nợ còn thiếu.

Hoàn cảnh của chị Nhung hết sức đơn chiếc. Mẹ chị là phụ nữ đơn thân, bị bệnh tim từ nhiều năm qua, nhưng vẫn cần mẫn làm nhiều việc để nuôi con khôn lớn. Vợ chồng chị Nhung sống với nhau được vài năm thì ly hôn. Và giống như mẹ, chị lại một mình nuôi con. Con trai chị nay đã 9 tuổi, lanh lẹ nhưng lại bị suy dinh dưỡng nặng. Chị Nhung tự trách mình kém cỏi và đã không dành nhiều thời gian chăm sóc con.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung dẫu mang trong mình bệnh tật nhưng vẫn luôn cố gắng làm việc để lo cho mẹ già và con nhỏ
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung dẫu mang trong mình bệnh tật nhưng vẫn luôn cố gắng làm việc để lo cho mẹ già và con nhỏ

Để có tiền nuôi con và mẹ già, chị Nhung bươn chải làm đủ mọi công việc như phụ bán quần áo ở cửa hàng thời trang, bán quần áo ngoài chợ, bán bánh tráng trộn… Sau dịch COVID-19, việc mua bán ế ẩm cộng với việc chị bị thiếu máu cơ tim, thường xuyên bị đau thắt ngực, chị đã mạnh dạn vay tiền để mua chiếc xe bán bánh mì trước chung cư Hà Kiều. Mỗi ngày chị bán được 20-25 ổ bánh mì, kiếm được vài chục ngàn đồng. Mẹ chị nay đã ngoài 60 tuổi, chiều chiều vẫn đi lượm ve chai.

Cuộc sống thiếu trước hụt sau và bệnh tật đeo bám khiến người phụ nữ nhỏ bé lúc nào cũng phải suy tính chuyện tiền nong. Để có đủ tiền trang trải, chị Nhung xin đi làm bảo vệ siêu thị từ 18 - 22g. Chị tâm sự: “Mình cố gắng đi làm để có thêm thu nhập. Tối đi làm về, thấy con trai ngồi chờ mẹ mà xót xa. Vì hoàn cảnh nên không có nhiều thời gian ở bên cạnh, chăm sóc cho con được…”.

Dù đã rất cố gắng, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Mong ước lớn nhất của chị Nhung là có sức khỏe để nuôi con.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI