Chị Thúy luôn được các em sinh viên trong dãy trọ quý mến, vì một phần chị đẹp, nước da mịn màng, trắng hồng, một thân hình tròn trặm quyến rũ, đôi mắt đẹp hút hồn. Chị còn thân thiện, vui vẻ nên được nhiều người quý mến. Có lẽ “trời đất ghen” nên cuộc đời chị nhiều truân chuyên hơn người khác.
22 tuổi con người ta đang chơi vơi lăn lộn với cơm, áo, gạo tiền. 22 tuổi con người ta chưa có gì trong tay, 22 tuổi nhiều cô gái mới chỉ biết yêu… Vậy mà, 22 tuổi chị đã có tất cả, một gia đình hạnh phúc với 2 đứa con trai đáng yêu, nhà cửa khang trang, từ đồ đạc cho đến áo quần đều hàng cao cấp, tiền gửi ngân hàng dư giả, xe con có, đất có. Một sự viên mãn đến quá sớm, còn gì để chị mơ ước ở tuổi 22.
Mọi người xung quanh nhìn gia đình chị với sự ngưỡng mộ và ước ao. Nhưng cuộc sống không thể lường trước được điều gì, như ông bà ta nói “nghèo trẻ chớ lo, giàu sớm chớ vội mừng”, chị trắng tay. Trước và sau một ngày, cuộc đời chị như chiếc đòn gánh bị mất cân bằng, viên mãn bao nhiêu giờ đây thảm hại bấy nhiêu.
|
Chị Thúy và cậu con trai út. |
Chồng chị dùng hết tài sản đầu tư vào một vụ làm ăn lớn, nhưng thất bại. Hai từ “thất bại” đã lấy hết của chị mọi thứ, nhà cửa, tiền bạc… Ngày ấy, lâu lắm rồi, cách đây 15 năm, nhưng chị vẫn không khỏi giật mình. Từng hình ảnh của cuộc giành giật gay cấn từ những tài sản có giá trị lớn đến bé của các chủ nợ như cuốn phim quay chậm trong kí ức, thậm chí không còn gì để lấy, họ lột từng cánh cửa, lấy từng bộ áo quần của chị… căn nhà trống toác cũng không giữ nỗi. Chỉ còn gia đình là điểm tựa duy nhất lúc này.
Vợ chồng dắt díu nhau đi ở trọ, anh xin lái xe Bắc – Nam cho chủ nhà xe ở Đà Nẵng, chị ở nhà nhận may vá thêm. Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó, từ một ông chủ chuyển sang làm thuê, anh không chịu nổi khổ cực và chọn con đường nhục nhã là cặp bồ với bà chủ xe. Anh làm nhân tình bé nhỏ cho bà và lấy những đồng tiền ấy nuôi vợ con. Cuối cùng cái hạnh phúc bé nhỏ, sắt son mà chị luôn lấy đó để động viên mình cũng vỡ nát, tan vụn. Vợ chồng chị ly hôn, anh đồng ý chu cấp nuôi con tháng 2 triệu và và cuộc đời anh lên hương với một khối tài sản kếch xù của bà chủ. Chồng chị đã trở thành chồng người khác và trở thành ông chủ của một hãng xe lớn.
Chơ vơ, đau đớn, chị nghĩ đến cái chết. Nhớ như in chiều hôm ấy, chở con trên chiếc xe đạp qua cầu Bạch Hổ, Huế, nhìn dòng nước xanh thẫm, chị muốn đắm chìm trong đó, dòng nước sẽ rửa trôi mọi nỗi đau. Chị nói với con “mẹ chết nhé”, rồi vứt chiếc xe đạp, chị lao về hướng thành cầu, con hét lớn “cứu mẹ con, cứu mẹ con”. Trong giây phút đó, cùng tiếng hét ấy, chân chị dường như bị níu lại. Hai mẹ con gục xuống ôm nhau khóc nức nở. Chị quyết định sống để bước tiếp, dù có lết, cũng phải bước tiếp.
Để cho có một tương lai tốt, chị gửi 2 đứa con vào Đồng Nai ở với ngoại để có người kèm cặp học hành (ngoại cũng do đỡ đần nợ nần cho vợ chồng chị nên phải bán nhà và chuyển vào Đồng Nai), còn chị ở lại Huế làm lụng kiếm tiền. Chị dần lấy lại được tinh thần. Đi làm kiếm tiền nuôi con, những tưởng thế là ổn, thì chị gặp ông. Chị lại yêu và được yêu. Trong rất nhiều người theo đuổi, chị chọn ông, chính chị cũng không hiểu lí do gì. Nhưng một lần nữa người đàn ông thứ hai lại làm chị đau, khi đẩy chị vào cảnh làm người thứ 3, làm vợ lẽ của ông.
Tiếp tục là những chuỗi ngày không được yên bình với những lời đe dọa của vợ ông. Chị buông bỏ, ông níu kéo, cứ thế dùng dằng mối tình tội lỗi ấy cũng kéo dài 4 năm. Đôi lúc chị nghĩ có khi nào ông yêu chị chỉ bởi vì muốn có một đứa con trai nối dõi tông đường (nhà ông toàn con gái, mà người Huế thường rất coi trọng giống nòi). Điều chị nghi ngờ đã rõ ràng khi ông đề nghị chị đẻ cho ông đứa con trai, nếu không thì chia tay bởi trước sau ông cũng không thể bỏ gia đình vì chị. Chị hiểu rõ bản chất của ông, đến 37 tuổi chị còn mắc sai lầm. Nhưng có lẽ, do đã quá quen với cuộc sống của cây tầm gửi, chị ngày càng trở nên yếu đuối, ngại thay đổi, sợ bị bỏ rơi… chị bầu tiếp.
Chị sinh cu Ben. Ông sợ gia đình biết nên đã chuyển chị tới khu trọ sinh viên tồi tàn đó để bà vợ không thể tìm ra và đánh ghen. Chị luôn ám ảnh bởi những cuộc chạy trốn, chị kể “có đêm nằm chị mơ thấy vợ ông đến bắt cu Ben, chị níu kéo, van xin… tỉnh dậy thấy con vẫn thở đều đều bên cạnh, mừng lắm, còn mình nước mắt đầm đìa lúc nào không hay”.
Nằm trong căn trọ tồi tàn, nước mắt chị chảy, không phải cực khổ vì chỗ ở mà vì thân phận lẻ bóng, một mình nuôi con. Trời Huế mưa rả rích, rơi tựng hạt từng hạt nhưng dai dẳng cả ngày cả đêm, ôm con trong vòng tay chị vẫn cảm nhận cái lạnh thấu vào tim can. "Mình đem con đến với thế giới này để biến con trở thành “tội đồ” luôn chạy trốn ư? Chạy trốn mãi được không?". Chị quyết định đưa con vào Đồng Nai ở nhờ nhà ngoại, dùng số tiền tích góp bấy lâu xây căn nhà nhỏ, ba mẹ con vui sống, xóa tan kí ức buồn những năm tháng dài ở Huế. Chị sẽ tự nuôi con mình.
Vào Đồng Nai cuộc đời chị trở nên tươi sáng hơn khi có người thân và hai đứa con trai lớn dù lức đầu chị kể “Hai đứa lúc đầu cũng hổ thẹn với bạn bè, vì mẹ mình ngang nhiên mang về một đứa con mà không thấy cha chúng đâu. Chúng tỏ thái độ bằng cách cãi lời chị và hỗn láo, đi chơi khuya, đi nhậu nhẹt với bạn bè”. Rồi chị dần lấy lại được tình cảm với con, mọi thứ cũng đi vào quỹ đạo, chúng dần biết yêu thương cậu em út hơn. Bây giờ ba mẹ con chị đùm bọc nhau. Đôi mắt đẹp của chị trở nên vui tươi hơn ở tuổi 40.
Qua rồi như chuyến đò, nhưng con thuyền của chị còn đi về đâu? Gần đây chị điện cho tôi, chị bảo “Em ơi, lên đây có nhiều người ưa Thúy lắm, nhưng thôi, sợ lắm rồi, phận mình vậy, ở vậy nuôi con cho đời nó thanh thản. Dù có là cây tầm gửi cũng phải gửi đúng nơi em ạ…”.
Ngọc Hà