Dự báo trái chiều về tác động kinh tế của biến thể Omicron

04/12/2021 - 07:04

PNO - Liệu biến thể mới của COVID-19 có gia tăng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức cao?

Chính phủ nhiều nước phương Tây có thể buộc phải một lần nữa tính đến các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho doanh nghiệp và hộ gia đình nếu biến thể Omicron gây ra sự suy thoái nghiêm trọng trên toàn cầu, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Dự báo lạm phát năm 2022 lên 4,4%

OECD - tổ chức kinh tế hàng đầu có trụ sở tại Paris (Pháp) - cảnh báo: nếu có bằng chứng khoa học rằng Omicron lây lan mạnh hơn hoặc có thể vô hiệu hóa các loại vắc xin, tình trạng gián đoạn các chuỗi cung ứng vốn đã bị đứt gãy vì đại dịch sẽ trầm trọng hơn, cũng như có nguy cơ khiến lạm phát tăng ở mức cao và kéo dài. Trong tình huống xấu hơn, chính phủ các nước có thể buộc sẽ phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, dẫn đến sự suy giảm hoạt động kinh tế tương tự giai đoạn đầu đại dịch.

 

Kinh tế thế giới đang trong tình trạng đầy bất an trước Omicron. (Trong ảnh là cảnh đìu hiu của đại lộ số 5 ở TP.New York, Mỹ hồi tháng 3/2020, một hình ảnh đặc trưng của suy thoái kinh tế) - ẢNH: REUTERS
Kinh tế thế giới đang trong tình trạng đầy bất an trước Omicron. (Trong ảnh là cảnh đìu hiu của đại lộ số 5 ở TP.New York, Mỹ hồi tháng 3/2020, một hình ảnh đặc trưng của suy thoái kinh tế) - Ảnh: REUTERS

Bà Laurence Boone - chuyên gia kinh tế đứng đầu OECD - cho hay một khi Omicron gây bất ổn quá trình hồi phục kinh tế, các chính phủ sẽ được kêu gọi vào cuộc nhằm giảm bớt các ảnh hưởng xấu đối với doanh nghiệp và người dân, bằng các gói hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Tại Anh, nhiều quán rượu, bar và nhà hàng đã bắt đầu nhận “làn sóng” thông báo của khách về việc hủy tiệc Giáng sinh trong bối cảnh nhiều lo ngại về biến thể mới. Đây là dấu hiệu bước đầu về tác động tiêu cực đối với kinh tế của Omicron.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất vừa được công bố, OECD cho rằng sự phục hồi của thế giới sau các đợt phong tỏa trước đây vẫn đang tiếp tục, nhưng đã có dấu hiệu chậm lại và ngày càng mất cân bằng. Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 5,6% trong năm nay và 4,5% vào năm 2022 sau đó chỉ là 3,2% vào năm 2023. 

OECD hết sức lo ngại mức độ lạm phát cao và kéo dài của kinh tế thế giới. Bởi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ đã tăng vọt sau khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng tại nhiều nước, nhưng các hạn chế về nguồn cung và tắc nghẽn giao thương hàng hóa do sự gián đoạn trong đại dịch đã tiếp tục làm tình trạng thiếu nguyên liệu thêm nặng nề, đẩy giá lên cao. Các ngân hàng quốc gia đang phải vật lộn với áp lực lạm phát gia tăng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ tỏ ra ủng hộ các biện pháp kích thích khẩn cấp trước thông tin mới về biến thể. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh có thể sẽ tăng lãi suất trong vài tuần tới.

Theo dự báo của OECD, lạm phát năm 2022 có thể lên đến 4,4%, cao hơn ước tính hồi tháng 9 chỉ 3,9%. Hai nước có tỷ lệ lạm phát lớn nhất là Mỹ và Anh. 

Kinh tế phụ thuộc vào độc lực virus

Trong khi đó, các nhà kinh tế ở Mỹ thì cho rằng kinh tế toàn cầu có thể chỉ chịu một “đòn nhẹ” từ biến thể Omicron dù vẫn để ngỏ rằng mức độ thiệt hại sẽ phụ thuộc vào độc lực của virus. Có thể thấy ngay là chi tiêu của người dân cho du lịch, đi ăn ở nhà hàng và mua sắm sẽ giảm đi, tuy nhiên so với làn sóng đầu tiên của COVID-19 vào tháng 3 năm ngoái và biến thể Delta vào mùa hè vừa qua, mối đe dọa của Omicron đối với các nền kinh tế có thể ít nghiêm trọng hơn.

Theo Diane Swonk - Công ty Tư vấn và Kế toán Grant Thornton LLP (Mỹ) - Omicron có thể làm chậm tăng trưởng trong quý bốn và cho đến đầu năm sau, nhưng sẽ không dẫn đến sự suy thoái. Hiện nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đã đạt được động lực tăng trưởng nhất định sau các "cú hích" kích thích hồi phục. Nhu cầu đang tăng mạnh trở lại song song với chuỗi cung ứng có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng. Tỷ lệ tiêm chủng cao cũng góp phần giảm các rủi ro về sức khỏe trước Omicron. Ít có khả năng các chính phủ sẽ áp dụng phong tỏa diện rộng như trước đây do sự phản ứng của người dân.

Tuy nhiên, tương tự như OECD, Neal Shearing - kinh tế gia tại Capital Economics (Anh) - vẫn bày tỏ sự lo ngại về lạm phát đã ở mức cao nhất trong vòng ba thập niên qua ở Mỹ cũng như các khu vực khác trên thế giới do tình trạng thiếu cân bằng cung cầu. Omicron có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn lạm phát và gây ra các rủi ro kinh tế khác. Holger Schmieding - Ngân hàng Berenberg (Đức) - nói: “Nếu Omicron thực sự là một biến thể mới đáng sợ, dễ lây nhiễm hơn và có khả năng vô hiệu hóa các phản ứng miễn dịch hơn cả Delta, thì chắc chắn nó sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cựu lục địa, rơi vào một thời điểm tồi tệ”.

Tại châu Á, biến thể mới là lý do khiến một số nước trì hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới và giãn cách xã hội. Nhật Bản đóng cửa nhập cảnh cho đến cuối năm. Úc cũng hoãn kế hoạch cho phép sinh viên và công nhân nước ngoài nhập cảnh đến ít nhất ngày 15/12. Indonesia yêu cầu khách du lịch phải cách ly một tuần khi đến quốc gia này. Các nhà kinh tế cho rằng không có dấu hiệu châu Á sẽ áp dụng chiến lược "zero-COVID-19" nghiêm ngặt như trước đây, mức độ của những biện pháp mới sẽ phụ thuộc vào độ nguy hiểm của Omicron.  

Nam Anh (theo WSJ, The Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI