Dự báo tốt để ứng phó hiệu quả 3 “biến”

30/09/2024 - 06:30

PNO - Xuất khẩu nông sản đã, đang và sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm nay. Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt hơn 40 tỉ USD, giúp đạt mức xuất siêu hơn 11,8 tỉ USD, đóng góp gần 62% tổng giá trị xuất siêu (19,07 tỉ USD) trong cán cân thương mại của nền kinh tế. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng cao và lập đỉnh mới.

Vùng nông sản chủ lực của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Riêng về gạo, ước tính năm nay, tổng lượng gạo xuất khẩu vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 7,6 triệu tấn. Vùng này đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% lượng thủy sản nuôi và khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại.

Xuất khẩu nông sản là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Ngành nông nghiệp đã có những bước chuyển đáng ghi nhận trong thời gian gần đây. Thành tích và những kỷ lục mới trong xuất khẩu nông sản đánh dấu kết quả của bước chuyển mới từ nền nông nghiệp chủ yếu là sản xuất sang kinh tế nông nghiệp.

Xoài ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được đóng gói để xuất sang thị trường Mỹ
Xoài ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được đóng gói để xuất sang thị trường Mỹ

Từ phía sản xuất, không chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mà ngay cả các nông hộ cũng đã lắng nghe, nắm bắt các tín hiệu của thị trường để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất. Từ phía quản lý nhà nước, sự điều hành cũng rất linh hoạt, kịp thời. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng đang dịch chuyển, thể hiện rõ nhất ở ĐBSCL với sự dịch chuyển trọng tâm (theo thứ tự) từ lúa gạo - trái cây - thủy sản sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Thứ tự đó không phải xem nhẹ vai trò cây lúa mà thể hiện mức độ xem trọng với từng ngành hàng, thể hiện tầm nhìn trong phát triển các ngành hàng trong tương lai.

Nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã có những chuyển đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, để vững vàng hơn trong biến động, vẫn còn nhiều việc cần làm. Cần những cơ chế, chính sách phù hợp để xuất khẩu tiếp tục phát triển. Cần xem phát triển nền nông nghiệp tích hợp là hướng đi bền vững. Cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp sản phẩm đa giá trị, từ tập trung hỗ trợ nông dân sang hỗ trợ tất cả tác nhân trong chuỗi giá trị.

Cần tạo ra giá trị gia tăng dựa trên sự khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên. Cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản phát triển bền vững trong tương lai; tăng cường ngoại giao kinh tế nhằm hỗ trợ, mở đường cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà mọi quốc gia đều phải đối diện với 3 cái “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi trong tiêu dùng của thế giới. Trước kia, người ta ăn để no, rồi tới ăn để ngon, an toàn, trị bệnh. Bây giờ, người ta tiêu dùng thực phẩm nhưng phải thể hiện giá trị nhân văn và trách nhiệm với xã hội. Vì vậy, quá trình sản xuất phải minh bạch, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Trong một thế giới bất định, dự báo là công tác rất khó khăn nhưng lại cực kỳ quan trọng. Phải xây dựng kênh thông tin dự báo với sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại… nhằm hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin kịp thời cho người sản xuất.

Điều quan trọng hơn cả những kỷ lục mới trong xuất khẩu nông sản là xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững với hệ sinh thái đa dạng, gắn kết và hài hòa lợi ích, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị nông sản khi hội nhập thị trường toàn cầu.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI