Dự báo sớm, chủ động thích ứng hạn, mặn

13/05/2024 - 05:53

PNO - Hạn, mặn diễn ra gay gắt và kéo dài ở nhiều nơi, gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Những ngày qua, đã có một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp nhằm tập trung các giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng phó.

Lâu nay, đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối quan hệ sông - biển. Việc các quốc gia đầu nguồn xây dựng hàng loạt đập thủy điện, việc trích máu dòng Mê Kông bằng các dự án chuyển nước, việc khai thác cát tràn lan, khai thác nước ngầm mất kiểm soát… đã làm cho tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn càng thêm trầm trọng. Đáng lo ngại nữa là tình trạng sụt lún, sạt lở đất diễn ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh, tạo ra những tác động tiêu cực liên hoàn.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tình trạng hạn, mặn đang diễn ra với chu kỳ nhanh hơn, quy luật của lũ, của hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang thay đổi thất thường, đòi hỏi chúng ta phải chủ động thích ứng tốt hơn.

Cần nhận thức đúng tinh thần “sống thuận thiên” của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Theo đó, cần xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên và nguồn lực để chủ động thích nghi dài hạn như né hạn, được lợi, nâng cao năng lực hấp thu lũ, mở rộng không gian trữ nước, có giải pháp tổng thể cân bằng tài nguyên nước và tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc”, quyết định đầu tư dựa trên chi phí và lợi ích…

Thiên tai hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng cực đoan do thiếu nước ở thượng nguồn, người dân nên chủ động trữ nước với tinh thần sống chung với hạn mặn. Các địa phương tính toán kết nối các nhà máy để đưa nước sạch về cho người dân, bố trí lại địa bàn dân cư cho phù hợp. Đây cũng là giải pháp mà Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề cập tại cuộc làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào đầu tháng Tư vừa qua.

Để ứng phó hiệu quả với hạn, mặn ngày càng gay gắt, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần 3 ưu tiên: dự báo sớm, chính xác tình hình, diễn biến, mức độ tác động; chủ động thích ứng; xem hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và đột xuất để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, tổ chức dân cư phù hợp.

Bên cạnh đó, cần triển khai 4 nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Một là, công bố và cập nhật thường xuyên bản đồ hạn, mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội phổ biến để người dân từng tiểu vùng sinh thái kịp thời theo dõi, chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất cho phù hợp, giảm thấp nhất mức độ thiệt hại.

Hai là, chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt, phù hợp mức độ hạn, mặn; hoàn thiện, đưa vào sử dụng các công trình đầu tư, các dự án trữ nước, đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được ổn định.

Ba là, bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống, cần các giải pháp dài hạn, có lộ trình phù hợp, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Những giải pháp công trình là rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ, nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các định chế của Ủy hội sông Mê Kông và các nước có liên quan đến vấn đề nguồn nước xuyên biên giới để bảo vệ lợi ích quốc gia, chia sẻ dữ liệu, các kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn; chủ động dự báo tình hình, đảm bảo việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI