Dù Âu hay Á, cơm nhà là ngon

04/10/2023 - 16:55

PNO - Chị thấy dáng dấp con gập ghềnh giữa lối Đông - Tây. Chị khuyên con, nếu chồng không quen được món Việt thì con hãy học cách yêu món Âu, sống đâu phải hòa nhập ở đó.

Con gái từ Thụy Điển gọi về hỏi thăm sức khỏe ba mẹ, chị nghe giọng con có vẻ không vui. Chị gặng hỏi, con mới cho biết lại cãi nhau với chồng, đề tài cũ rích về bữa cơm. Con lập gia đình chưa được nửa năm, chồng yêu thương vợ, cuộc sống lẽ ra ngập tràn niềm vui.

Thật ra con cũng rất hạnh phúc, chỉ có một vướng mắc nhỏ là khẩu vị 2 người khác nhau nhiều quá. Chồng quen ăn món Tây, con thì luôn nhớ thương hương vị quê nhà.

Thời gian đầu, chồng con cũng chiều vợ, ăn món Việt, chia sẻ sự khác biệt ẩm thực với người mới sang châu Âu; nhưng vài tuần sau là… hết chịu nổi. Chưa nói đến thức ăn đậm đà gia vị, chỉ riêng mỗi bữa đều có cơm, thuần túy là cơm trắng không phải kiểu cơm nấu chung với nguyên liệu khác như paella Tây Ban Nha hay risotto Ý thì với khẩu vị người nước ngoài đã không quen.

Ở nước ngoài, đúng là rất thèm những bữa cơm Việt
Ở nước ngoài, đúng là rất thèm những bữa cơm Việt

Hơn nữa, tuy siêu thị nơi con ở cũng có thực phẩm Việt, nhưng giá đắt, chi phí cho bữa ăn vì thế khá cao.

Chị biết con cố chấp với hương vị Việt như thế một phần cũng vì chịu ảnh hưởng từ mẹ. Nhiều năm con đã quen với cơm nhà, mẹ nấu ngon nên bữa trưa đi làm con cũng mang cơm theo, ăn bên ngoài không quen.

Chị từng tự hào về khả năng bếp núc của mình, vui khi thấy 2 con khẩu vị tinh tế. Chồng chị thì khỏi nói, vợ nấu gì cũng khen ngon. Chị thấy, trong thời đại của fastfood, của shipper giao thức ăn, thích cơm nhà là điều rất tốt. Bếp có nấu thì mới đỏ lửa, mới có bữa cơm gia đình ấm cúng.

Người thích vào bếp không sợ bày biện, chỉ sợ lên món mà không ai thưởng thức. Chị nấu và được khen, dù cực cũng thấy vui. Vậy nên nhà chị hầu như không có khái niệm đi ăn hay đặt món bên ngoài. Cuối tuần cũng cơm nhà, chỉ là đổi món cầu kỳ hơn. Lúc con gái sắp theo chồng ra nước ngoài, chị còn dặn con đi đâu cũng đừng quên nguồn cội, giữ tiếng Việt, yêu hương quê.

Con ăn uống kén chọn, giống ba mẹ chỉ thích món Việt, ở nhà còn thấy thèm cơm nhà nên biết chắc sang châu Âu sẽ cần thời gian để thích nghi.

Ban đầu, khi biết nơi mình ở có thể mua thực phẩm Việt, con rất thích, ngày nào cũng bày biện nấu nướng. Những món con dày công học từ mẹ, rất ngon nhưng không hợp khẩu vị người nước ngoài nên sau đó chồng nói thôi… để anh nấu.

Mà anh thì chỉ biết món Âu. Vậy là bữa cơm như cái bập bênh, nghiêng về bên nào cũng không xong. Rồi cả 2 nghĩ cách cân bằng với cả bánh mì lẫn cơm, được một thời gian thì không theo nổi vì rườm rà quá. Vợ chồng son còn kiên nhẫn chiều nhau nên lại tiếp tục thêm giải pháp thực đơn xen kẽ, ngày Đông ngày Tây.

Lâu dài lại thấy không ổn vì trên bàn ăn người này ngon miệng thì người kia không muốn đụng nĩa. Đợt này cãi nhau là do con thèm mắm kho quá, biết chồng không nghe được mùi này nên đã cẩn thận đợi lúc chồng rời khỏi nhà mới nấu, nhưng mùi hương lan từ bếp sang nhà hàng xóm, người ta tưởng rò rỉ khí đốt nên gọi điện cho quản lý chung cư báo nguy. Nồi mắm làm náo loạn cả tòa nhà.

Nghe chuyện, chị còn thấy… mệt giùm cho rể Tây. Đi làm đã vất vả, về nhà cũng không yên. Đối với người thích vào bếp như chị, ăn uống chưa bao giờ là việc nhỏ. Bao tử phải được thỏa mãn thì tinh thần mới vui.

Một thời, chị từng tự hào chuyện mình nấu ăn ngon. Nhưng giờ đây, điều này lại khiến chị sốt ruột, mong con… bớt khó để hòa nhập với cuộc sống mới. Văn hóa khác biệt, người kia đứng yên thì mình phải bước tới nếu muốn cùng chung đoạn đường.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Chị nhớ đến tác phẩm Gió Đông gió Tây (Pearl S. Buck), nàng dâu được giáo dục kiểu phong kiến, lấy người chồng du học nước ngoài, sau đó phải thay đổi chính mình để tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ mới có hạnh phúc. Ở thời hiện đại, chị vẫn thấy dáng dấp con mình trong đó, gập ghềnh giữa lối Đông - Tây, không thoát ra khỏi cái bàn ăn, cuộc sống sẽ kém vui.

Chị khuyên con nếu chồng không quen được món Việt thì con hãy học cách yêu món Âu, sống đâu phải hòa nhập ở đó. Bắt đầu từ những món đơn giản, nấu theo khẩu vị bản thân để quen dần, sau đó mới điều chỉnh để người khác cùng thưởng thức.

Nói con tạm xa món Việt, chị cũng tiếc, nhưng nhập gia tùy tục, chuyện bữa cơm đừng để ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Con còn trẻ, đường rất dài, sau này sẽ còn nhiều thời gian để thuyết phục chồng quen dần với hương vị Việt, như con đã vì chồng mà yêu món Tây vậy; bởi dù là Âu hay Á, cơm nhà là đã đủ ngon. 

Nguyên Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI