|
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và đoàn công tác tại sân bay Biên Hòa. |
Sân bay Biên Hòa là nơi ô nhiễm dioxin trọng điểm và phức tạp nhất ở Việt Nam. Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, trong sân bay Biên Hòa có khoảng 515.000 m3 đất ô nhiễm dioxin.
Để ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, từ năm 1995 - 2016, Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện dự án XD-1. Năm 2011, tổ chức đào xúc, chôn lấp cô lập 100.000 m3 trên diện tích 4,3 héc ta đất nhiễm dioxin. Năm 2016, triển khai dự án XD-2, đào xúc, chôn lấp cô lập 60.000 m3 tại phía Nam sân bay.
|
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và đoàn công tác kiểm tra công tác xử lý chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Biên Hòa. |
Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 sẽ được triển khai thực hiện trong tháng 4/2019, từ nguồn viện trợ không hoàn lại với số kinh phí do Chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm là 183 triệu USD và vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường.
Chi phí dự kiến để xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa là 390 triệu USD. Quá trình xử lý dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm. Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam cũng như Bộ Quốc phòng Việt Nam giải quyết các di sản chiến tranh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các quan hệ kinh tế, văn hóa, an ninh giữa hai nước.
|
Phi đội Su30-MK cất cánh thực hiện nhiệm vụ từ sân bay Biên Hòa. |
Tại buổi làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia 701, biểu dương và đánh giá cao những kết quả và sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị quân đội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế, để thực hiện công tác khoanh vùng, xử lý các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học, công tác giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 43 ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng sau chiến tranh ở Việt Nam; tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị để khởi công dự án hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ xử lý triệt để đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hợp tác, vận động tài trợ quốc tế và nguồn lực trong nước để được hỗ trợ về vốn, công nghệ; đẩy mạnh giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế cho quân nhân và nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực, quan trắc môi trường, tiến tới làm chủ công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường do chất độc hóa học sau chiến tranh, là lực lượng tiên phong trong ứng phó sự cố môi trường và tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, công tác khắc phục hậu quả chất độc sau chiến tranh là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, thể hiện tính chất nhân đạo, nhân văn sâu sắc, vì cuộc sống của người dân và môi trường trong sạch để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị quân đội tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh.
Minh Phúc