Dự án Vạn Phúc Riverside: Chính quyền ép dân giao đất để làm lợi cho chủ đầu tư?

10/03/2017 - 17:34

PNO - Dù dự án mới được chủ đầu tư (CĐT) thỏa thuận bồi thường với 470/693 hộ dân nhưng UBND quận Thủ Đức (TP.HCM) vẫn sốt sắng nhảy vào áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp.

Vụ việc xảy ra tại dự án Vạn Phúc Riverside (ở P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc) làm chủ đầu tư, khiến người dân vô cùng bức xúc, khiếu nại hơn 5 năm nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.  

Doanh nghiệp chưa thỏa thuận, quận đã hăng hái cưỡng chế?

Phản ánh đến báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Văn Láng (ở số 17 Tô Ngọc Vân, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức) cho biết, cách nay khoảng 15 năm gia đình ông có mua 10.847m2 đất ở P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, trồng trọt và cất nhà ở. Đến năm 2006, toàn bộ phần đất của ông cùng gần 700 hộ dân khác bị rơi vào diện quy hoạch khu đô thị Hiệp Phước do Công ty Vạn Phúc làm chủ đầu tư.

Trong lúc ông đang chờ chủ đầu tư đến thương lượng bồi thường nhưng không thấy đâu, khoảng giữa năm 2011, bất ngờ UBND Q.Thủ Đức ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ và thu hồi đất của ông với giá 150.000đ/m2 và vận động chủ đầu tư hỗ trợ thêm 750.000đ/m2. Tính ra giá đền bù chỉ bằng khoảng 1/15 giá giao dịch trên thị trường khu vực.

Không đồng ý với cách làm của chính quyền địa phương, ông Láng khiếu nại, đề nghị chủ đầu tư phải đứng ra thương lượng với ông. Tuy nhiên, tất cả khiếu nại của ông đều bị UBND Q.Thủ Đức bác bỏ.

Trước phản ứng quyết liệt của ông Láng, chính quyền địa phương vận động doanh nghiệp hỗ trợ thêm 250.000đ/m2. Ông vẫn không đồng ý, khoảng một năm sau UBND Q.Thủ Đức ra quyết định bồi thường, hỗ trợ thêm cho ông khoảng 3,8 tỷ đồng.

Ông Láng bức xúc: “Nghị định 84/2007 đã nêu rõ dự án kinh doanh địa ốc không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và UBND quận phải chủ trì việc tiến hành thỏa thuận giá giữa chủ đầu tư với các hộ dân có đất trong dự án.

Vì vậy, không lý do gì chủ đầu tư chưa thỏa thuận với dân, quận đã nhảy vào áp giá đền bù, buộc dân giao đất. Cái tôi cần là chính quyền phải làm đúng pháp luật, chứ không phải dân khiếu nại đến đâu “xì” tiền đến đó”.

Trước thái độ cương quyết của ông Láng, khoảng gần cuối năm 2012, UBND Q.Thủ Đức đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất của ông. Ông Láng phản ánh đến UBND TP.HCM, tuy nhiên, trong lúc chờ lãnh đạo thành phố giải quyết thì UBND Q.Thủ Đức đã tổ chức cưỡng chế, giao đất của ông cho Công ty Vạn Phúc làm dự án.

“Tôi thuộc một trong số ít các hộ dân ở đây có diện tích đất quy mô lớn. Phải chăng chủ đầu tư mượn tay chính quyền cưỡng chế đất của tôi sớm để giúp doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ giải phóng mặt bằng dự án?” - ông Láng đặt vấn đề.  

Du an Van Phuc Riverside: Chinh quyen ep dan giao dat de lam loi cho chu dau tu?
Theo ông Láng, phần đất bị cưỡng chế của ông nay đã bị Công ty Vạn Phúc phân lô bán

Doanh nghiệp có thể đền bù giá cao, chính quyền vẫn ép dân nhận giá thấp?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Vạn Phúc Riverside có tổng diện tích khoảng 198 hecta, được chia nhỏ ra làm sáu dự án thành phần. Thời điểm chính quyền áp giá đền bù trên cho ông Láng, Công ty Vạn Phúc mới đền bù được cho khoảng 470/693 hộ dân. Trong đó, ba dự án thành phần thỏa thuận bồi thường được khoảng trên 85%, ba dự án còn lại chỉ đạt trên 60%.

Rõ ràng đây là con số doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường được với người dân trong một dự án rất thấp. Nhưng khi báo cáo UBND TP.HCM, UBND Q.Thủ Đức vẫn cho rằng hiện dự án có tỷ lệ đất đã bồi thường khá cao. Các hộ dân còn lại không hợp tác hoặc đòi bồi thường giá rất cao, chủ đầu tư không đáp ứng nổi.

Trong khi đó, theo hồ sơ chúng tôi có được, Công ty Vạn Phúc từng có văn bản gửi UBND Q.Thủ Đức khẳng định có thể đền bù cho người dân với giá tối đa lên đến 1,5 triệu đồng/m2.

Thậm chí, trong một lần chủ đầu tư họp với một vài cơ quan chức năng có liên quan và quận Thủ Đức, còn đưa ra phương án bồi thường với đất nông nghiệp trồng cây ngắn ngày là 1.657.000đ/m2; còn đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm là 1.707.000đ/m2. Nếu thực hiện theo phương án này thì kinh phí bồi thường của chủ đầu tư sẽ phát sinh thêm khoảng từ 80-100 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo UBND Q.Thủ Đức, cơ sở để áp mức giá đền bù trên cho hộ gia đình ông Láng là dựa trên chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và dịch vụ tài chính. Mức giá trên được đơn vị thẩm định giá thẩm định theo giá thị trường. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị thẩm định giá trên không phải do bất kỳ cơ quan nhà nước nào chọn để đảm bảo tính khách quan mà do chính Công ty Vạn Phúc thuê.

Dù chưa thể khẳng định mức giá thẩm định của đơn vị trên là thiếu minh bạch nhưng rõ ràng là có vấn đề. Bởi theo người dân, trong lúc này, họ cũng thuê một số công ty thẩm định giá độc lập khác thẩm định thì cho ra giá thị  trường từ khoảng 3 triệu đến gần 5 triệu đồng/m2. Đó chính là lý do ông Láng đề nghị được bồi thường với giá 4,5 triệu đồng/m2.

Chưa hết, theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi cưỡng chế thu hồi đất của ông Láng, chủ đầu tư tiếp tục đi thỏa thuận đền bù tiếp với các hộ dân còn lại. Theo ông Láng, hầu hết các mức giá thỏa thuận đền bù cho các hộ dân khác đều cao hơn rất nhiều so với giá đền bù cho ông.

Chẳng hạn, trường hợp của bà H. có 2.188m2 được Công ty Vạn Phúc thỏa thuận đền bù đến 10,8 tỷ đồng (tương đương hơn 4,9 triệu đồng/m2). Bà T. có 791,2m2 được đền bù 4,8 tỷ đồng (tương đương hơn 6 triệu đồng/m2).

Phải chăng Công ty Vạn Phúc đã mượn tay chính quyền giải tỏa đất cho mình làm dự án mà đáng lẽ công ty phải thương lượng với dân? Ngày 8/3, chúng tôi đã đến Công ty Vạn Phúc nhưng không nhận được câu trả lời với lý do lãnh đạo đi vắng.

Trong khi đó, theo nguồn tin chúng tôi vừa có được, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản số 1233/VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến giao Thanh tra TP kiểm tra làm rõ vụ việc, trình UBND TP xem xét.

Du an Van Phuc Riverside: Chinh quyen ep dan giao dat de lam loi cho chu dau tu?

Dự án Vạn Phúc Riverside vẫn đang trong quá trình thi công hạ tầng

Dự án chưa đền bù giải tỏa xong đã bán?

Dự án khu đô thị Hiệp Bình Phước (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) có quyết định giao đất cho Công ty Xây dựng và phát triển kinh tế Q.6 làm chủ đầu tư vào năm 2004.

Khi giao đất, UBND TP đã nêu rõ “Sau khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị Hiệp Bình Phước, chủ đầu tư phải bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND TP để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với dự án thành phần”.

Tuy nhiên, sau đó Công ty Xây dựng và phát triển kinh tế Q.6 chậm thực hiện, UBND TP đã chuyển lại cho Công ty Vạn Phúc làm chủ đầu tư. Đến nay Công ty Vạn Phúc vẫn chưa hoàn thành thỏa thuận đền bù, giải tỏa với người dân, chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng... nhưng trên mạng internet đang có rất nhiều thông tin rao bán nhà, đất với giá từ 6,4 -6,8 tỷ đồng/căn (diện tích khoảng 110m2/căn).

Luật sư Đoàn Việt Thắng (Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, theo quy định, dự án bán nhà phố hoặc nền đất phải hoàn thành quy hoạch tổng thể mặt bằng; hoàn thành giải tỏa, đền bù; hoàn thành cơ sở hạ tầng: đường sá, vỉa hè, điện, nước, chiếu sáng... mới được bán. Khách hàng mua những dự án chưa hoàn thành các hạng mục trên nguy cơ sẽ không được cấp giấy chứng nhận chủ quyền. 

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI