Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn: Thêm nghĩa vụ để tương xứng với quyền lợi

26/06/2017 - 16:30

PNO - Với khoảng thời gian tình nguyện của các bác sĩ (BS) trẻ tại khu vực khó khăn chỉ kéo dài từ hai-ba năm, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thêm nghĩa vụ để tương xứng với quyền lợi.

Liệu với nguồn kinh phí khá lớn đầu tư cho chương trình, chất lượng khám chữa bệnh ở các đơn vị tuyến dưới có thực sự được cải thiện?

Đưa bác sĩ trẻ đi… “bộ đội”

Chỉ còn vài ngày nữa, BS trẻ Cao Thị Hồng Yến sẽ chính thức làm việc tại Bệnh viện (BV) huyện Mường Khương (Lào Cai), khu vực khó khăn tại tỉnh miền núi phía Bắc, mà tới thời điểm này, cô thừa nhận chưa từng một lần đặt chân tới và chưa lường hết được những khó khăn sẽ phải đối mặt.

Yến là một trong bảy BS được đào tạo theo dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (Thí điểm BS trẻ tình nguyện về vùng khó khăn). “Là con gái, lần đầu tiên xa nhà nên cảm giác lo lắng là không thể tránh khỏi”, Yến chia sẻ.

Du an Thi diem dua bac si tre tinh nguyen ve vung kho khan: Them nghia vu de tuong xung voi quyen loi
Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn của Bộ Y tế đang đặt ra nhiều băn khoăn về hiệu quả mà chương trình mang lại.


Trong đợt bàn giao lần này còn có BS Phạm Văn Tuấn (SN 1990, Hải Dương), từng là SV tốt nghiệp loại giỏi ĐH Y Hà Nội. Đứng trước nhiều lựa chọn như công tác tại BV tỉnh hay ở lại trường làm việc, nghiên cứu… nhưng Tuấn không quá đắn đo để quyết định tham gia vào dự án này. “Cái được lớn nhất, có thể nói không gì đánh đổi với sinh viên ngành y, đó là được đào tạo chuyên khoa ngay sau khi ra trường. Tại BV Nhi Trung ương, tôi được cử riêng một giáo sư kèm cặp”, Tuấn lý giải.

Ngày 28/6 tới đây, bảy BS trẻ này sẽ nhận công tác về bốn tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai và Bắc Kạn. Theo ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), để đảm bảo các BS có thể “độc lập tác chiến” ở vùng khó khăn, công tác đào tạo được ưu tiên theo hướng “cầm tay chỉ việc” và “một kèm một”.

Hình thức đào tạo giống như chương trình BS nội trú, sinh viên ra trường được học ngay mà không cần thời gian làm việc tối thiểu hai năm mới được đào tạo chuyên khoa, đồng thời được cọ xát thực tế tại các BV lớn…

Du an Thi diem dua bac si tre tinh nguyen ve vung kho khan: Them nghia vu de tuong xung voi quyen loi
 

Đánh giá về dự án, GS-TS Phạm Minh Thông, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, các BS sau khi đào tạo có thể làm tốt và bài bản tại địa phương. “Cần mở rộng chương trình để các BS được “đi bộ đội”, ai thích ở lại cho ở lại để nâng cao chất lượng y tế tại các vùng xa”, GS-TS Phạm Minh Thông nói. 

Quyền lợi và nghĩa vụ chưa tương đồng

Dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” được Bộ Y tế thực hiện từ năm 2013 trước thực tế thiếu trầm trọng BS, đặc biệt là BS có tay nghề tại khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Dự án hướng tới mục tiêu giữ lại BS giỏi ở tuyến dưới, giảm bớt quá tải BV và người dân yên tâm hơn trong quá trình khám chữa bệnh… Tuy nhiên, không ít chuyên gia băn khoăn về quy định thời hạn tình nguyện của các BS tham gia dự án.

Thời gian công tác tối thiểu đối với BS nam là ba năm và BS nữ là hai năm, dường như là quá ngắn để có thể đạt được mục tiêu mà Bộ Y tế kỳ vọng. Hình dung sau quãng thời gian nhất định để có thể thích nghi môi trường làm việc và văn hóa vùng miền, các BS vừa kịp “làm quen” đã đến thời hạn “rút quân”, tiếp tục để lại một “khoảng trống” tại các cơ sở y tế này.

Du an Thi diem dua bac si tre tinh nguyen ve vung kho khan: Them nghia vu de tuong xung voi quyen loi
 

Tại cuộc họp báo của Bộ Y tế về lễ bàn giao BS trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn, chiều ngày 22/6, ông Phạm Văn Tác thừa nhận, đây cũng là vấn đề mà nhiều giám đốc Sở Y tế đang chất vấn Bộ Y tế, bởi: “Nếu so sánh thì quyền lợi - nghĩa vụ chưa tương đồng nhau”.

Ông Tác cho biết, Bộ Y tế sẽ cân nhắc lại vấn đề này, tuy nhiên sẽ không thay đổi với các khóa học đã tuyển sinh, đào tạo. “Nếu có thay đổi thì sẽ từ khóa thứ VI, thứ VII trở đi. Cũng có nhiều người chất vấn câu hỏi này và chúng tôi cũng phải suy nghĩ. Nói vậy, có nghĩa quyền lợi và nghĩa vụ cũng phải tương đồng với nhau, trách nhiệm của các BS trẻ cũng phải rõ ràng, đã tình nguyện rồi, phải cống hiến thực sự để đem lại niềm tin cho người bệnh”.

Du an Thi diem dua bac si tre tinh nguyen ve vung kho khan: Them nghia vu de tuong xung voi quyen loi
 

Đại diện Bộ Y tế cho biết, hết sức quan ngại về việc, sau thời hạn quy định, khi BS tình nguyện về thì ai có thể lấp vào chỗ trống. Do đó, dự án sẽ hướng tới việc tìm BS tại địa phương đủ tiêu chí để đưa đi đào tạo, sau đó trở về làm việc.

Nhiều người lo ngại, với chương trình đào tạo đặc biệt, ngay khi tham gia vào dự án, các BS đã được đảm bảo “đầu ra”, được tuyển dụng là viên chức của các đơn vị y tế, trong đó có nhiều BV lớn như BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương… hết thời hạn đi “bộ đội”, liệu có bao nhiêu BS ở lại làm việc ở khu vực còn trăm ngàn khó khăn? 

Sẽ có 300 bác sĩ tham gia dự án

Dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” đã có bốn khóa đào tạo với 54 học viên.

Khóa V dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2017 cho 24 học viên. Như vậy tổng số học viên đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa là 78 BS. T

hời gian tới, dự án sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát thực trạng, nhu cầu BS tại các huyện nghèo; tiếp tục đào tạo chuyên khoa I cho ít nhất 300 BS tham gia dự án.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI