Cần nhớ, trong tự nhiên, cơ chế tự chữa lành vận hành một cách rất tuyệt vời, những hệ động thực vật, các loài, các họ gen luôn tương tác, chuyển biến không ngừng và vẫn trọn vẹn mà chẳng cần bất cứ sự can thiệp nào của con người. Theo quy luật ấy, hệ sinh thái ở đó sẽ tự cân bằng lại tất cả.
Giữ lại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của tất cả các rừng quốc gia cũng như khu bảo tồn cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất đó: Để hệ sinh thái tự nhiên, ngôi nhà xanh, nguồn sống (dòng nước mát trong, không khí trong lành, phòng hộ chống thiên tai, nguồn dược liệu quý báu,…) của chúng ta và muôn loài anh em hoạt động và tự phục hồi theo quy luật của nó. Bất cứ tác động thiếu tôn trọng nào từ loài người đều có thể gây ảnh hưởng đến sự phục hồi, chữa lành và sức tái tạo đó.
|
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật |
Theo luật, đó là khu vực “bất khả xâm phạm”. Giờ đây, người ta bê tông hóa lõi rừng, ăn chơi nhảy múa, làm ồn, thiếu tôn trọng muôn loài trong đó, rõ ràng đã vi phạm vào quy luật tự nhiên, trái với những quy định của Chính phủ, với luật định hiện hành. Việc tạo áp lực đột biến và rất mạnh vào khu vực đó, cũng đồng nghĩa với việc đã làm thay đổi hoàn toàn về cấu trúc tự nhiên ở trong đó. Áp lực đa dạng sinh học rất rõ, thậm chí ở mức không thể nào phục hồi lại được.
Tôi thấy có một điều buồn cười và khó hiểu ở đây, chính nhà nước đưa ra quy định phân định ranh giới và quản lí các phân khu, điều đó đã được Quốc hội thông qua. Tại sao giờ phá đi, làm khác đi? Điều đó khác gì việc, ta đưa ra giới mà không giữ giới?
Giờ đây, tại phân khu nghiêm ngặt ở rừng thiêng Tam Đảo, người ta cho máy xúc, máy ủi vào san lấp, khác gì đâm một nhát dao chí mạng vào hệ sinh thái, vào cơ thể “Mẹ” ở đó?
Con người thông minh, có trí tuệ là con người biết tôn trọng thiên nhiên, biết trở về với nguồn cội – Mẹ rừng, Mẹ thiên nhiên và gìn giữ mái nhà xanh chung, biết để cho thiên nhiên trong ta và ngoài ta tự chữa lành.
Tương tự, một chính phủ thông minh, trí tuệ thì phải biết tôn trọng luật thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ ngôi nhà xanh đích thực.
Tất nhiên, hầu hết doanh nghiệp chỉ nhìn khía cạnh lợi ích kinh tế, điều đó không có gì lạ. Nhưng doanh nghiệp có tâm và tầm sẽ không bao giờ làm tổn hại: văn hoá, đời sống người dân địa phương, thiên nhiên và môi trường. Trong vai trò điều hành, những nhà quản lí cũng phải nhìn thấy khía cạnh môi trường, văn hóa, xã hội và tâm linh trước khi đặt bút bất cứ quyết định nào.
Bởi lẽ, một khi môi trường tự nhiên bị phá hủy, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm, đất đai sạt lở, hạn hán là những hậu quả theo ngay sau đó. Nạn nhân đầu tiên và trực tiếp không ai khác, chính là những người sống vùng “hạ lưu” của Tam Đảo II.
Nguyễn Huỳnh Thuật là người sáng lập nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên (SCT) và “Rừng Gọi Cát Tiên”. Anh cũng là người gửi bản kiến nghị đến Chủ tịch nước cảnh báo phương án xây dựng hai thủy điện 6 và 6A xóa sổ hằng trăm hécta rừng nguyên sinh, đe dọa hủy diệt hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên vào 8 năm trước. Hơn 4.000 chữ ký ủng hộ từ nhiều vùng miền, cả trong và ngoài nước, cùng sự phản biện từ các nhà khoa học của nhóm SCT và hậu thuẫn của công luận đã khiến Chính phủ ra văn bản dừng lại dự án này. |
Với nhiệm vụ bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái, nguồn gen sinh vật, đặc biệt là các loài đặc hữu và bảo vệ rừng đầu nguồn vùng đồng bằng trung du Bắc bộ và thủ đô Hà Nội - đặt ra từ những ngày đầu thành lập vào năm 1996, Vườn quốc gia Tam Đảo giống như bà mẹ chở che cho hàng triệu triệu đứa con bên dưới.
Bây giờ, mẹ bị thương, nguồn sữa đang bị ô nhiễm, đang cần chữa lành, lại không được chữa lành, những đứa con bên dưới chịu ảnh hưởng như thế nào, tôi không cần nói nhiều, chắc hẳn những ai có lương tri đều không thể không nhìn thấy hiện trạng trước mặt đó và những hệ luỵ nghiêm trọng về sau.
Năm 2007, tôi và rất nhiều nhà khoa học khác đã lên tiếng phản biện khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ NN-PTNT đồng ý cho Công ty Vietnam Parners LLC. (Hoa Kỳ) lập ý tưởng quy hoạch cũng như thuê chuyên gia Hoa Kỳ phác thảo ý tưởng quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái ở 300ha rừng (Dự án Tam Đảo II), trên tổng diện tích từ 500-600ha của khu Tam Đảo II.
Tiếng nói mạnh mẽ của dư luận khi đó đã buộc Chính phủ phải có công văn số 2213/VPCP-NN yêu cầu kiểm tra, ngăn chặn việc tác động làm thay đổi điều kiện tự nhiên của khu bảo vệ nghiêm ngặt VQG Tam Đảo và dự án Tam Đảo II lúc đó đã dừng lại và đưa ra khỏi quy hoạch.
Thế mà, chẳng hiểu vì sao, sau đó, dự án mang tên này đến nay vẫn được thực thi và dưới tên chủ đầu tư khác: Sun Group - Tập đoàn Mặt trời?
|
Bê tông hóa lõi rừng, dự án Tam Đảo II (khoanh tròn) đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ dư luận |
Rừng là sự sống, là lá phổi xanh, ngôi nhà xanh chung của chúng ta. Vì thế, câu chuyện dự án Tam Đảo II không đơn thuần là câu chuyện riêng của tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ NN-PTNT hay Bộ TN-MT, mà còn là câu chuyện chung của toàn xã hội. Trách nhiệm lên tiếng bảo vệ phức hợp rừng thiêng Tam Đảo nói riêng và các phức hợp rừng – di sản cả nước nói chung là trách nhiệm của toàn dân, toàn Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Quốc hội.
Dự án đã khởi công, một phần rừng bị triệt hạ, muôn thú ra đi… Tuy vậy, không bao giờ là quá muộn để dừng lại và thay đổi cho đúng và tốt hơn. Dù muộn còn hơn không, vấn đề hệ trọng này thiết nghĩ Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước cần có ý kiến chỉ đạo dừng lại, làm rõ và phải được công khai ĐTM, công khai phản biện và đưa ra Quốc hội để xem xét một cách thận trọng, thấu đáo.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật