PNO - Đầu tháng 12/2020, điểm Trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý ở thôn 9, xã Vụ Bổn, H.Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đón nhận một công trình nho nhỏ: có nước sạch để dùng - một dự án của Quỹ Khuyến học Đèn Đom Đóm mang hạnh phúc to cho cô trò ở điểm trường. Cô giáo Trần Thị Thúy - Phó hiệu trưởng nhà trường không giấu được xúc động “Ao ước đầu tiên đã trở thành hiện thực”.
Điểm Trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý ở thôn 9 vốn mượn tạm nhà văn hóa của thôn, là nơi dạy và học của hơn 50 học sinh, cô giáo. Cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng khó khăn lớn nhất là không có nước để dùng. Vài ngày một lần, cô Thúy thuê xe công nông chở vài bồn nước mang về điểm trường. Mùa nước cạn, các cô giáo chia nhau vào nhà dân xin nước. Khó khăn trong sinh hoạt của cô trò tại điểm trường cũng là đời sống khó khăn chung của người dân trong thôn. Cô Thúy kể, phần lớn người dân đều di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc. Nhiều hộ không có đất sản xuất; mà nếu có, đất cũng không thể đem lại hoa màu do cằn cỗi, bạc màu. Người dân buộc phải bỏ sức nhiều hơn để canh tác ngô, sắn, bươn bả sống qua ngày.
Trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý nằm trong địa bàn dân cư hết sức khó khăn. Nhiều hộ không có đất sản xuất; mà nếu có, đất cũng không thể đem lại hoa màu do cằn cỗi, bạc màu
Cha mẹ dành thời gian trên rẫy, trẻ em phải ở nhà một mình, tự nấu ăn, đến giờ… nhớ ra thì ôm vở đi học. Cũng từ đời sống oằn nặng gánh mưu sinh của bậc sinh thành, và sự bơ vơ loay hoay của trẻ con đó, mà tấm ảnh bốn đứa trẻ người Mông ăn ve sầu với cơm nguội của anh La Văn Giang, Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn làm “dậy sóng” dân mạng. Thổn thức trước một đời sống cho cảm giác dường như đứng yên, ngoài cuộc với dòng chảy của phát triển, hội nhập, cộng đồng mạng phát đi lời kêu gọi san sẻ, nhiều nhà báo tìm đến để phản ánh chân thực, sâu hơn nữa đời sống của người dân, đặc biệt bao đứa trẻ đang rất cần sự giúp đỡ thay đổi, kéo xích những cách biệt.
Cha mẹ dành thời gian trên rẫy, trẻ em phải ở nhà một mình, tự nấu ăn, đến giờ… nhớ ra thì ôm vở đi học. Ảnh: P.V
Từ những dòng tin kêu gọi đó, Quỹ Khuyến học Đèn Đom Đóm - một chương trình vì xã hội, cộng đồng, đầy dấu ấn với thông điệp “Sẻ chia hạnh phúc” của thương hiệu quen thuộc Sữa Cô Gái Hà Lan (thuộc Tập đoàn FrieslandCampina), đã tìm đến. Ông Trần Quốc Huân - Nhà sáng lập Quỹ khuyến học Đèn Đom Đóm trải lòng, ban đầu, Quỹ mong muốn xây cho các em một ngôi trường Đom Đóm. Như hàng chục trường Đèn Đom Đóm hiện diện trên khắp các vùng miền khó khăn của cả nước mà Cô Gái Hà Lan đã xây dựng được trong thời gian qua; ngôi trường trong ước muốn đó của ông Huân chẳng những giải quyết chuyện “cơ ngơi tri thức” cho trẻ em xã Vụ Bổn, mà việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non của Chính phủ, sẽ giúp các em có thêm nguồn kinh phí để cải thiện bữa ăn.
“Nhưng ngôi trường mong ước đó, chúng tôi xin hẹn lại dịp khác” - ông Huân cho biết. Năm 2020, thế giới và Việt Nam nói riêng, đã chứng kiến sự tác động tiêu cực của dịch COVID-19. TP.HCM có độ mở kinh tế lớn, số doanh nghiệp chiếm 1/3 doanh nghiệp cả nước cũng nằm chung trong cuộc lao đao này. Kinh tế sa sút, doanh nghiệp chật vật trong cuộc cầm cự chờ các gói hỗ trợ. Quỹ khuyến học Đèn Đom Đóm theo đó mất đi nguồn tài trợ của một số đơn vị. Không kinh phí xây trường, quỹ đành chuyển hướng chia sẻ khó khăn với trẻ em thôn 9, xã Vụ Bổn bằng một công trình nho nhỏ, vừa sức trong sự khó khăn chung, nhưng cũng phần nào cấp bách giải quyết khó khăn cho cô trò ở điểm trường thuộc thôn: hệ thống cung cấp nước sạch cho các em tại điểm trường được thực hiện nhanh chóng.
Đại diện trường nhận bàn giao công trình nước sạch từ Quỹ khuyến học Đèn Đom Đóm. Ảnh: P.V
Cô Thúy chia sẻ, hồi đầu, hay tin trường nhận được tài trợ một hệ thống cung cấp nước sạch từ Quỹ khuyến học, niềm vui nơi cô vẫn chưa trọn do mang máng nỗi lo hệ thống khoan gặp đá, và phải khoan thật sâu mới mong chạm mạch nước, mùa cạn cũng có nước để dùng. May thay, dự án thuận lợi, suôn sẻ; ngoài một chút trục trặc phải đi xa để… mua dầu “tiếp tế” cho dàn máy khoan. Cô Thúy hân hoan: “Giờ thì nước… mênh mông. Bọn trẻ vào lớp, ra chơi, tan học đều thích thú nhờ các cô đưa ra dàn vòi rửa tay, lau mặt; các cô cũng không còn vất vả đi xin nước trong dân vệ sinh cho các trò”.
Gần 70km từ thành phố Buôn Mê Thuột, bươn theo Quốc lộ 19 và đi qua một số công trường cao su, cà phê, dăm con đường đất quanh co sẽ nhìn thấy điểm trường với một dự án nước sạch. Dự án “Hệ thống cung cấp nước sạch” này không lớn, nhưng chắc chắn không dừng ở giá trị “hiện vật”, một lời giải cho bài toán khó khăn mà Quỹ Khuyến học Đèn Đom Đóm đã dành tặng cho điểm Trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý ở thôn 9. Bởi, bài học về giữ gìn vệ sinh, lòng tốt, cái chìa tay đều là vốn kiến thức đầu tiên mà mỗi người cần có trong hành trang cuộc sống. Đó cũng là thông điệp xuyên suốt của Quỹ Khuyến học Đèn Đom Đóm gửi trao cho các em, trong sự nỗ lực hoạt động không ngừng nghỉ vì cộng đồng và tương lai đất nước của quỹ.
Trong 150 năm phát triển và chắt lọc tinh hoa của ngành công nghiệp sữa lâu đời tại Hà Lan, Cô Gái Hà Lan luôn mang đến những sản phẩm dinh dưỡng tốt nhất cùng nhiều chương trình đóng góp cho cộng đồng. Từ năm 2002 đến nay, chương trình Khuyến học Đèn Đom Đóm đã xây dựng 23 ngôi trường với đầy đủ trang thiết bị tiêu chuẩn hỗ trợ cho việc học tập của hàng ngàn em nhỏ, từ bậc mầm non đến tiểu học. Bằng việc trao học bổng và xây dựng trường học, chương trình đã hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, mang đến thay đổi tươi sáng cho cuộc sống của nhiều thế hệ trẻ em vùng sâu vùng xa. Đồng thời chương trình cũng trở thành phong trào xã hội nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Gần hai thập niên trôi qua, ánh sáng của Đèn Đom Đóm và Sữa Cô Gái Hà Lan vẫn đang và sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần hiếu học cho các em học sinh, đóng góp không ngừng cho sự nghiệp phát triển giáo dục và chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng tại Việt Nam.