Dự án nhà ở xã hội cho thuê có hơn 1000 căn, nhưng chỉ có 100 người đăng ký

26/09/2023 - 16:32

PNO - Ngày 26/9, Hội đồng nhân dân TPHCM đã có buổi giám sát về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức.

Tại buổi giám sát, đoàn đã đi thực tế dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân thuê tại phường Thành Mỹ Lợi, TP Thủ Đức của Công ty CP Thu Thiem Gruop. Dự án có khoảng 1.040 căn hộ nhà ở xã hội, dự kiến khối A, D sẽ nghiệm thu đưa vào sử dụng vào quý 4/2023 và khối B, C sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng quý 4/2024. Tuy nhiên, đến nay dự án chỉ mới có 100 hộ dân đăng ký nhu cầu trên tổng số 1.040 căn hộ. 

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Lệ đi giám sát dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê trên địa bàn TP Thủ Đức.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Lệ dẫn đầu đoàn giám sát dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê trên địa bàn TP Thủ Đức.

Ông Trần Việt Cường - Giám đốc Công ty Thu Thiem Group chia sẻ, theo quy định đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội phải đảm bảo ba điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập. Nhưng để xác nhận theo đúng quy định của Thông tư 09 gây rất nhiều khó khăn cho UBND cấp phường, xã. Người dân phản ánh UBND phường, xã không đồng ý xác nhận “Tình trạng nhà ở hiện tại của hộ gia đình đúng như nội dung của người đề nghị” vì họ không quản lý nhà ở của đối tượng ngoài địa bàn của địa phương. Do đó, hiện lượng khách hàng được phê duyệt rất thấp qua 3 đợt trình hồ sơ cho Sở Xây dựng. 

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê chỉ mới có 100 người đăng ký trên tổng 1.040 căn hộ.
Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê chỉ mới có 100 người đăng ký trên tổng số 1.040 căn hộ.

Ngoài ra, đối tượng khách hàng tại dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê còn cần chứng minh đang làm việc ổn định tại các doanh nghiệp có trụ sở tại KCN-KCX trên địa bàn TP Thủ Đức, nhưng rất khó xác định nhu cầu thuê ổn định lâu dài tại dự án.

“Do đó, Công ty kiến nghị cho phép mở rộng đa dạng các nhóm đối tượng tại dự án theo 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở được quy định tại Luật Nhà ở 2014 vì nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân rất lớn” – ông Cường kiến nghị. 

Bà Nguyễn Thị Đoan Trang - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Thủ Đức cho biết: "Nguyên nhân chính khiến dự án ít người đăng ký là do nhu cầu của người dân là muốn sở hữu vĩnh viễn, còn dự án này dành cho công nhân thuê". 

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng nói: "Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê nêu trên được duyệt từ năm 2009, theo quy hoạch 1/500 khu vực này dành quỹ đất để bố trí nhà ở công nhân, chức năng đất ở đây là đất thương mại dịch vụ, không phải đất ở. Nếu chuyển sang nhà ở xã hội là phải điều chỉnh toàn bộ hệ thống dự án. Muốn mở rộng đối tượng, TP Thủ Đức phải điều chỉnh 1/500, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ pháp lý sử dụng đất của dự án". 

Cũng theo ông Khiết, vấn đề này Sở đã họp với TP Thủ Đức, trong quy hoạch điều chỉnh tổng thể dự kiến, TP Thủ Đức dự kiến sẽ điều chỉnh toàn bộ cơ cấu sử dụng đất, chức năng công cộng... 

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM yêu cầu, TP Thủ Đức tìm cách giải quyết, khắc phục vấn đề này để tránh lãng phí, thiệt thòi cho nhà đầu tư. Muốn mở rộng đối tượng thì phải rà soát xem pháp luật cho phép không, kể cả Nghị quyết 98. Đề nghị các Sở, ngành, UBND TP Thủ Đức nghiên cứu, rà soát cơ sở pháp lý để chuyển đổi cho phù hợp.

Chưa có chế tài chủ đầu tư chậm thực hiện dự án

Theo UBND TP Thủ Đức, giai đoạn 2016 đến nay, TP Thủ Đức đã đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội, với 5.960 căn hộ; đang thực hiện đầu tư xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội với 1.490 căn hộ và 1 dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê với 1.040 căn hộ; đang làm thủ tục đầu tư 22 dự án nhà ở xã hội, 1 nhà lưu trú công nhân và 1 nhà ở chuyên gia. Bên cạnh đó, hiện đang có 14 dự án được quy hoạch nhà ở xã hội nhưng chưa hoàn tất thủ tục pháp lý.

Đáng nói, theo ông Nguyễn Kỳ Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, hiện TP Thủ Đức đang tồn tại một số dự án chưa hoàn tất việc bồi thường đến 100% diện tích giao đất thực hiện quy hoạch. Dự án chủ yếu bồi thường phần đất ở để doanh nghiệp kinh doanh phần nhà ở thương mại, còn diện tích đất dành cho nhà ở xã hội thì chậm. Theo các quy định hiện hành, thẩm quyền xử lý các dự án chậm triển khai thuộc Sở, ngành, nhưng thực tế cũng chưa có quy định về hình thức, biện pháp chế tài сụ thể đối với các chủ đầu tư chậm triển khai. 

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM chỉ đạo: "Các dự án nhà ở xã hội đang triển khai chậm, hoặc chưa triển khai liên quan đến pháp lý, thủ tục đất đai, giao thuê đất, miễn tiền sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa bàn giao quỹ đất và thực hiện nghĩa vụ 20% nhà ở xã hội; chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng; chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu… Trách nhiệm này vừa thuộc chủ đầu tư vừa thuộc UBND TPHCM, Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP, các sở ngành và UBND TP Thủ Đức trong công tác phối hợp, quản lý, chỉ đạo, điều hành, xử lý và tháo gỡ vướng mắc. Đề nghị UBND TP Thủ Đức chỉ đạo cập nhật, bổ sung đầy đủ thông tin các dự án, rà soát và đề xuất giải pháp cụ thể đối với các dự án vướng mắc. Đề nghị các sở, ngành khẩn trương trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, tham mưu cho UBND TP để tháo gỡ".

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI