Dự án nghìn tỷ "đắp chiếu", có thể sẽ xử lý hình sự!

16/11/2016 - 09:35

PNO - Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV bắt đầu với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương. Các ĐBQH đã đặt thẳng các vấn đề: nếu dự án thép Cà Ná xảy ra hệ lụy, Bộ trưởng có từ chức?

Nợ câu hỏi về trách nhiệm

Lần đầu trả lời chất vấn trước QH nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tỏ ra khá tự tin. Ông trả lời nhanh các câu hỏi, có trích dẫn số liệu, văn bản chứng minh. Trả lời về năm dự án quy mô nghìn tỷ bị “đắp chiếu” như dự án xơ sợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình...

Bộ trưởng cho biết, các dự án này đều có những tồn đọng, thậm chí có những vi phạm trong quản lý. Các dự án trên đều có tổng mức đầu tư lớn, dù các bộ ngành đã can thiệp nhưng không mang lại hiệu quả. Hiệu quả kinh tế không còn, nếu vận hành thương mại thì doanh thu cũng không bù được chi phí.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết: “Có thể tính tới việc bán các dự án này, thậm chí tuyên bố phá sản nếu cần… Chúng tôi không loại trừ có sự cố tình làm sai. Nếu thanh tra phát hiện có việc cố tình làm sai thì có thể xem xét xử lý hình sự”.

Ghi nhận Bộ trưởng “trả lời trôi chảy” nhưng ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) vẫn không hài lòng vì Bộ trưởng “chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước cũng như của đội ngũ lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp”.

Du an nghin ty
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận: “Có thể khi trả lời, tôi bị cuốn theo mạch suy nghĩ nên không đáp ứng hết được yêu cầu của ĐB”, ông cho rằng, năm dự án lớn kéo dài qua nhiều thời kỳ nên việc đánh giá trách nhiệm của từng khâu cần có thời gian.

“Hiện cơ quan thanh tra đã vào cuộc và có báo cáo lên Chính phủ. Để xử lý triệt để, cần thêm thời gian. Tôi xin phép báo cáo về những dự án này vào các kỳ QH tiếp theo, sau khi đã hoàn tất xử lý” - Bộ trưởng hứa.

Dự án thép xảy ra hệ lụy, Bộ trưởng có từ chức?

Trả lời chất vấn trực tiếp của ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về việc “có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong bổ sung quy hoạch đối với dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận)”, nhất là sau bài học Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn ra nhiều số liệu về ngành thép trong nước và khẳng định: “Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá. Không hề có lợi ích nhóm ở đây”.

Điểm lại quá trình nghiên cứu dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng cho biết, cuối năm 2015, Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã xin chủ trương đầu tư và Bộ Công thương căn cứ yêu cầu phát triển, dựa trên các vấn đề thực tế để xem xét dự án. “Hiện mới chỉ điều chỉnh về quy hoạch, không phải dự án đầu tư đã được phê duyệt. Dự án đang được xem xét cẩn trọng, đầy đủ quy trình” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trấn an.

Tiếp theo, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) hỏi thẳng: “Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen từng hứa với Thủ tướng, nếu dự án không hiệu quả, sẽ chuyển toàn bộ tài sản của tập đoàn cho Chính phủ. Vậy Bộ trưởng có dám cam kết sẽ từ chức trước QH nếu dự án này có hệ lụy hay không?”.

Rất tiếc, vì hết thời gian nên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã không kịp trả lời câu hỏi “khó chịu” này của ĐB Nhưỡng. Theo yêu cầu của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng sẽ trả lời đầy đủ các câu hỏi bằng văn bản

Không cho phép Formosa tiếp tục gây hại

Chiều 15/11, phiên chất vấn tiếp tục với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà quanh trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động đỏ, nhất là sau sự cố môi trường biển tại miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) băn khoăn: “Cơ sở nào để đảm bảo việc Formosa sẽ không tiếp tục gây ô nhiễm trong tương lai?”.

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) tiếp lời: “Bộ trưởng cho biết, để đến mức “khả năng chịu đựng của môi trường đã tới hạn”, đâu là trách nhiệm của Bộ trong quản lý nhà nước? Làm thế nào để không xảy ra sự cố môi trường trong tương lai?”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Đã dồn hết sức để giải quyết sự cố môi trường biển tại miền Trung”. Riêng về Formosa, Bộ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bộ đã thành lập một ban giám sát, theo dõi 24/24 về khí thải, rác thải, chất thải rắn của Formosa. “Nước thải phải qua hồ xử lý sinh học và chúng tôi yêu cầu phải thả cá trong hồ này để đảm bảo nước thải ra môi trường an toàn” - Bộ trưởng nói.

Nhìn chung, phần trả lời của Bộ trưởng hơi dài dòng và lệch trọng tâm nên Chủ tịch QH phải nhiều lần nhắc Bộ trưởng cần trả lời rõ ràng và tập trung hơn.

Phương Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI