Hàng ngàn tỷ đồng phơi nắng mưa
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, hiện cả sáu cống kiểm soát triều ở sáu lưu vực kênh rạch trên toàn thành phố đều cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt cửa van, âu thuyền, buồng bơm nhưng khu vực công trường thi công các cửa cống này phần lớn đều nằm im, hàng ngàn tấn sắt, thép, xi măng phơi mưa nắng suốt gần hai năm qua.
Tại cống Bến Nghé nằm trên kênh Bến Nghé (quận 1 và quận 4), dãy kè bằng thép chắn ngang kênh đã gỉ sét, ố màu. Tệ hơn, nguyên khối công trình đồ sộ chắn ngang dòng kênh trong thời gian dài đã chặn đứng dòng chảy và cản trở việc tiêu thoát nước qua khu vực này, khiến đất cát hai bên bờ bồi lắng, tù đọng rác rến, lục bình kéo dài hàng chục mét như một bãi rác trên mặt nước, thỉnh thoảng bốc lên mùi khó chịu do nước trong kênh không chảy ra sông Sài Gòn được.
|
Cống Bến Nghé (quận 1 và quận 4) biến một đoạn kênh Bến Nghé thành nơi tù đọng lục bình, rác - Ảnh: P.T. |
Dù chưa được đưa vào sử dụng nhưng cống Bến Nghé trông như một công trình lâu năm, xuống cấp, đối lập với các công trình xung quanh: trụ sở Ngân hàng Nhà nước, cầu Mống, bảo tàng Hồ Chí Minh, cột cờ Thủ Ngữ... Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dọc tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé dự kiến hoạt động trong năm 2018 nhưng do công trình cống ngăn triều Bến Nghé chưa vận hành nên phải chờ.
Tương tự, cống ngăn triều Tân Thuận nằm trên kênh Tẻ (quận 4 và quận 7) đã được lắp cửa van nặng 230 tấn rồi để đó, còn hạng mục nhà điều hành thì đang thi công dang dở. Cống được kỳ vọng ngăn triều từ sông Sài Gòn vào kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, giúp giảm ngập cho các quận 4, 7 và 8 - là “rốn ngập” của TPHCM. Tuy vậy, cũng như ở cống Bến Nghé, tại đây, các phần trụ, cột xây bằng thép đều đã han gỉ; đất, rác, lục bình tù đọng xung quanh khu vực công trình. Đây là tuyến đường thủy có lưu lượng tàu bè chở hàng hóa qua lại khá đông nhưng thời gian qua, phần công trình xây dựng đã choán gần hết lòng kênh, chỉ chừa lại khoảng trống gần 15m nên giao thông thủy bị hạn chế hơn trước nhiều. Theo phản ánh của người dân, một số trụ nhỏ nằm rải rác trên kênh, chỉ nhô lên vài chục cm so với mặt nước rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại, nhất là vào ban đêm.
Cống ngăn triều Mương Chuối ở sông Mương Chuối (huyện Nhà Bè) có quy mô lớn nhất trong sáu cống của dự án, dài hơn 200m với bốn cửa van ngăn triều nặng từ 230-320 tấn đã được lắp đặt xong. Tuy nhiên, do chưa được vận hành, lại hiếm khi có người điều tiết lưu thông nên phương tiện thủy qua đây vào ban đêm có thể bị tai nạn nếu không quan sát kỹ.
Các cống ngăn triều còn lại gồm cống Cây Khô nằm trên rạch Cây Khô (huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè), cống Phú Xuân nằm trên rạch Đĩa (huyện Nhà Bè), cống Phú Định nằm trên kênh Đôi (quận 8) đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt các cửa van ngăn triều nặng hàng trăm tấn nhưng đều trong tình trạng bỏ không.
Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM nhiều lần nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu thường xuyên kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn giao thông cho tàu thuyền chạy qua các công trình xây cống ngăn triều của dự án. Theo báo cáo tiến độ của chủ đầu tư, đến nay, tổng khối lượng hoàn thành đạt hơn 92% nhưng việc để đình trệ, hoang hóa khiến dự án chưa thể đưa vào vận hành nên không giúp ích gì cho việc chống ngập mà còn cản trở việc tiêu thoát nước, ảnh hưởng lưu thông đường thủy và gây nhếch nhác cho bộ mặt đô thị.
Chờ dự án hoàn thành, giải quyết tình trạng “ọc ngược nước”
Theo ông Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu - TPHCM đang bị tình trạng “ọc ngược nước” từ kênh rạch vào nội đô khi triều dâng cao. Thực tế, nhiều khu vực thấp trũng ở bờ hữu sông Sài Gòn như các quận 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh thường xuyên ngập nặng dù trời không mưa. Thời gian qua, mực nước sông ở phía nam TPHCM ngày càng dâng cao dưới tác động của nhiều yếu tố, trong đó có nước biển dâng, áp lực dân số và quá trình đô thị hóa. Mực nước sông dâng cao càng làm giảm khả năng tiêu thoát nước của các quận, huyện phía nam và khu trung tâm dọc theo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Do đó, việc hoàn thành sớm dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng sẽ góp phần đáng kể vào việc kiểm soát ngập trên một khu vực rộng lớn của thành phố.
|
Lượng tàu, thuyền lưu thông trên kênh Tẻ bị hạn chế do cống Tân Thuận thu hẹp đáng kể mặt kênh - Ảnh: P.T. |
Giáo sư Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường - cho rằng dự án ngăn triều là điển hình của tình trạng lãng phí nghiêm trọng khi dân khốn khổ vì ngập nước, còn công trình chống ngập thì bỏ không: “Hàng loạt hạng mục trị giá hàng ngàn tỷ đồng đã hoàn thành nhưng bỏ hoang trong thời gian dài chẳng khác nào một đống sắt vụn. Thời gian qua, nhà thầu cũng lùm xùm với việc điều chỉnh thiết kế vật liệu cửa van ngăn triều từ thép không gỉ của Nhật sang thép Trung Quốc. Điều này rất đáng lo ngại về độ bền của vật liệu trước tình trạng ăn mòn điện kim xảy ra trong môi trường kênh, rạch đang bị xâm nhập mặn như hiện nay. Chưa kể, việc xây dựng công trình trong lòng kênh trên nền đất yếu sau một thời gian dài dễ gây biến dạng công trình do đất lún không đều”. Theo ông, cần thành lập hội đồng độc lập để thẩm định, đánh giá lại chất lượng của dự án để có phương án phù hợp.
Ông Trần Như Quốc Bảo - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM - cho biết hiện nay, dự án còn một số vướng mắc liên quan đến vấn đề thủ tục và tái cấp vốn. Thời gian qua, UBND TPHCM đã chỉ đạo các ban, ngành tập trung giải quyết vấn đề thủ tục liên quan đến các bộ, ngành Trung ương và Ngân hàng Nhà nước để sớm hoàn thành dự án. Hiện UBND thành phố đang điều chỉnh phụ lục hợp đồng dự án, trong đó rà soát, đề xuất một số quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư để trong năm nay, hoàn thành các hạng mục ở công trường và sẽ hoàn thiện các thủ tục quyết toán trong năm 2023. Ông cho rằng, dù tiến độ bị kéo dài nhưng đến nay, chất lượng công trình không bị ảnh hưởng nhiều, tổng vốn đầu tư chưa bị đội lên so với phê duyệt ban đầu.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (còn gọi là dự án ngăn triều chống ngập) có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, nhằm kiểm soát ngập do triều trên tổng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân ở bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự án được khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng liên tục phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai... Vào tháng 4/2021, Chính phủ đã có nghị quyết về việc tiếp tục triển khai dự án, nhưng đến nay, sau gần một năm, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”. |
Phương Thanh