Dự án Metro TP. HCM đội vốn khủng: Ai chịu trách nhiệm?

22/11/2015 - 14:53

PNO - Các bộ cho rằng cần làm rõ trách nhiệm tăng vốn và đưa những yêu cầu nếu TP.HCM muốn được nhận thêm vốn vay.

Ngày 22/11, tờ Tuổi trẻ thông tin, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời Văn phòng Chính phủ về việc TP. HCM xin đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư dự án đường sắt Metro Bến Thành – Tham Lương lên 2,074 tỷ USD (đội vốn 51%). Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị làm rõ trách nhiệm tăng vốn này.

UBND TP. HCM đề xuất Chính phủ tiếp tục cho phép đầu tư theo cơ chế tài chính: Chính ngân sách trung ương cấp phát vốn ODA xây dựng kết cấu hạ tầng dự án và chi phí khác (tư vấn, dự phòng); chủ đầu tư vay lại phần chi mua sắm thiết bị; ngân sách địa phương chi trả công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và các nhu cầu đối ứng khác (nếu có).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng tình phương án này mà đề xuất cơ chế tài chính ngân sách nhà nước cho UBND TP.HCM vay lại toàn bộ phần vốn tăng thêm cho dự án theo điều kiện vốn vay nước ngoài.

Du an Metro TP. HCM doi von khung: Ai chiu trach nhiem?
Đường sắt Metro sẽ chậm tiến độ 4 năm so với dự kiến.

Để áp dụng cơ chế tài chính như trên, UBND TP.HCM cần tách riêng giá trị dự kiến ban đầu của các gói thầu được áp dụng cơ chế cấp phát một phần, cho vay lại một phần theo nội dung đầu tư như đã được phê duyệt ban đầu và giá trị điều chỉnh tăng áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ.

Trong khi đó, vào ngày 16/11 phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về đề xuất của UBND TP. HCM. Theo ý kiến của cơ quan này, tuyến đường sắt Metro Bến Thành – Tham Lương đắt bất thường.

Từ báo cáo của UBND TP. HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, dự án đường sắt Metro cao hơn khoảng 1,9 lần so với các nước trên thế giới được quy đổi theo giờ giá năm 2012 như Pháp, Italy, Hàn Quốc, Chile...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, do Dự án không có các tài liệu chi tiết liên quan đến tổng mức đầu tư, nên chưa đủ cơ sở để nhận xét cụ thể về sự cần thiết cũng như nội dung điều chỉnh.

“Để làm rõ hiệu quả đầu tư của Dự án sau khi điều chỉnh và báo cáo Quốc hội, với tổng mức đầu tư tăng 51% và suất đầu tư cao gấp 1,9 lần so với các nước trên thế giới và khu vực, việc điều chỉnh Dự án cần phải thẩm định kỹ về các nội dung và lý do điều chỉnh”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Còn phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, hồ sơ mà UBND TP. HCM gửi Chính phủ là chưa đầy đủ, chưa làm rõ được việc tối ưu hóa giải pháp cũng như nâng cao hiệu quả Dự án.

“Đề nghị UBND TP.HCM chịu trách nhiệm về tính chính xác của dự toán điều chỉnh dẫn đến điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư”, ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) nêu ý kiến.

Ngoài ra, việc thi công tuyến đường sắt Metro sẽ chậm tiến độ 4 năm so với dự kiến (ban đầu khẳng định năm 2018 sẽ hoàn thành). Việc thi công chậm tiến độ cũng là một nguyên nhân lớn khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông ở TP. HCM gia tăng trong thời gian qua.

Việt Hưng (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI