Dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên ở Q.2: Tòa sửa bản án, vi phạm tố tụng

29/12/2017 - 14:11

PNO - Qua một bản án đã tuyên mới đây, TAND Q.2 (TP.HCM) bộc lộ hàng loạt vi phạm pháp lý nghiêm trọng.

Gửi đơn kêu cứu đến Báo Phụ Nữ, công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Tân Việt An (Q.2, TP.HCM) cho biết, cách đây 7 năm, đơn vị này ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/HTDT/TVA-ĐM ngày 21/6/2010 với công ty CP Đức Mạnh (TP.Đà Nẵng) để cùng góp vốn xây dựng hai lô chung cư C1 và C2 trên diện tích gần 5.000m2 thuộc Dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên tại P.Bình An, Q.2, TP.HCM.

Du an khu nha o can bo cong nhan vien o Q.2: Toa sua ban an, vi pham to tung
Dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên tại P.Bình An, Q.2, TP.HCM

Vi phạm hợp đồng, vẫn thắng kiện

Hai bên đồng ý giá trị của khu đất hơn 206 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Tân Việt An góp hơn 41,3 tỷ đồng để được sở hữu 20% giá trị khu đất. Công ty Đức Mạnh thanh toán cho Công ty Tân Việt An số tiền hơn 165 tỷ đồng để được sở hữu 80%.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện hợp đồng và triển khai dự án, công ty Đức Mạnh đã liên tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Cụ thể, ngoài vi phạm tiến độ thanh toán của lần 1 và lần 2, công ty cũng không thanh toán số tiền 20 tỷ đồng còn lại của kỳ thanh toán thứ 3 và số tiền còn lại theo thỏa thuận. Nhiều lần hứa hẹn thời hạn thanh toán nhưng đến nay công ty Đức Mạnh không thực hiện.

Bên cạnh đó, công ty Đức Mạnh thể hiện sự không trung thực trong các giao dịch với đối tác. Mặc dù cam kết không cầm cố quyền phát sinh từ dự án, nhưng thực tế công ty Đức Mạnh đã dùng quyền tài sản này để thế chấp, vay vốn ngân hàng. Đồng thời, không đưa số tiền này vào thực hiện dự án mà sử dụng vào mục đích khác.

Du an khu nha o can bo cong nhan vien o Q.2: Toa sua ban an, vi pham to tung
Công văn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến vụ việc. Ảnh: Quốc Ngọc

Đến tháng 8/2014, trong khi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng hợp tác đầu tư, công ty Đức Mạnh không những đã tự ý hủy ngang thỏa thuận, mà còn kiện đối tác ra tòa. Họ yêu cầu chấm dứt hợp đồng trái luật và buộc công ty Tân Việt An bồi thường “thiệt hại” bao gồm trả lại số tiền 115 tỷ đồng góp vốn và phạt bồi thường gấp đôi số tiền mà công ty Tân Việt An đã nhận, tổng cộng là 230 tỷ đồng. Sau đó, ngày 28/7 vừa qua, họ còn có đơn bổ sung đề nghị tòa buộc công ty Tân Việt An bồi thường theo lãi suất 9%/năm trên số tiền 115 tỷ đồng.

Tại bản án kinh doanh thương mại số 14/2017/KDTM-ST ngày 18/9/2017, TAND Q.2 đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đó là cho chấm dứt hợp đồng hợp tác 01/HTDT/TVA-ĐM giữa hai công ty. Buộc công ty Tân Việt An phải thanh toán cho Công ty Đức Mạnh số tiền hơn 177 tỷ đồng (gốc và phạt lãi suất). Tòa cũng đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm công ty Tân Việt An chuyển dịch quyền tài sản đang tranh chấp là hai lô chung cư C1, C2” (?).

Trao đổi với chúng tôi ngày 28/12, luật sư Nguyễn Thiện Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, kết luận mà TAND Q.2 đã tuyên vừa mâu thuẫn với chính phần nhận định trong bản án về các vi phạm của công ty Đức Mạnh, vừa trái với các quy định của pháp luật.

Tòa vi phạm hàng loạt quy định pháp luật

Theo luật sư, chính hội đồng xét xử đã nhận định trong bản án, rằng: công ty Đức Mạnh liên tiếp vi phạm các tiến độ thanh toán. Điều này được chính Đức Mạnh xác nhận tại phiên tòa. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của phía Đức Mạnh làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ của Tân Việt An trong việc thương lượng bồi thường giải tỏa.

Mặt khác, Đức Mạnh dù đã cam kết không thế chấp quyền phát sinh từ dự án với Tân Việt An nhưng thực tế đã sử dụng quyền đối với hai lô C1 và C2 thế chấp bảo đảm khoản vay tại MB Đà Nẵng... thể hiện Đức Mạnh không trung thực trong giao dịch với Tân Việt An. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án này.

“Việc TAND Q.2 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty Đức Mạnh buộc công ty Tân Việt An phải trả lại số tiền 115 tỷ đồng và lãi suất 9% là trái với Điều 11.2 của hợp đồng hợp tác đầu tư và Khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại và Khoản 4 Điều 426 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và mâu thuẫn với chính phần nhận định trong bản án của mình”, ông Đức nói.

Chính vì thế, ngày 11/10, Viện KSND TP.HCM đã có Quyết định số 916/QĐKNPT-VKS-KDTM kháng nghị phúc thẩm đối với bản án số 14 của TAND Q.2.

Quyết định kháng nghị nêu rõ, TAND Q.2 chỉ tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn công ty Đức Mạnh, mà không tuyên chấp nhận hay không chấp nhận các yêu cầu phản tố của bị đơn công ty Tân Việt An là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Du an khu nha o can bo cong nhan vien o Q.2: Toa sua ban an, vi pham to tung
Công văn của Viện KSND Tối cao. Ảnh: Quốc Ngọc

Tiếp đến, ngày 13/11, Viện KSND tối cao cũng đã có Văn bản số 4599/VKSTC-V12 gửi Chánh án TAND TP.HCM chỉ rõ quyết định nói trên của TAND Q.2 là trái quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 266 Bộ Luật Tố tụng dân sự.

Ngoài ra, Viện KSND tối cao cho rằng, công ty Đức Mạnh cam kết không thế chấp quyền tài sản phát sinh từ dự án, nhưng đã sử dụng thế chấp vay ngân hàng đối với hai lô chung cư C1 và C2 là trái quy định tại Điều 6 Bộ Luật Dân sự 2005.

Việc công ty Tân Việt An đã có nhiều đơn yêu cầu thành lập hội đồng định giá đất để xác định phần vốn góp của các bên trên thực tế nhưng không được tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là cũng vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 104 Bộ Luật Tố tụng dân sự.

Liên quan đến vụ việc, Ủy Ban kiểm tra Trung ương cũng đã có Văn bản số 2095-CV/UBKTTW đã chuyển đơn đến Chánh án TAND TP.HCM yêu cầu xem xét, chỉ đạo giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Nội dung văn bản cũng nêu rõ những sai lầm của tòa sơ thẩm.

Mặt khác, TAND Q.2 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản đối với 2 lô chung cư C1, C2  trong khi diện tích trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không tiến hành lập hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản tranh chấp là tiếp tục vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 136 Bộ Luật tố tụng dân sự.

Chưa hết, theo luật sư Đức, việc ngày 3/11, TAND Q.2 ban hành Quyết định số 80/2017/QĐ-SCBSBA về việc sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm do trước đó chưa tuyên về yêu cầu phản tố của công ty Tân Việt An - một lỗi vi phạm đặc biệt đã bị Viện KSND thành phố kháng nghị - là trái với quy định tại Khoản 1 Điều 268 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI