Chính quyền khẳng định không thu hồi một tấc đất nào ngoài quy hoạch, đồng thời đã tổ chức hơn 30 buổi tiếp dân để nghe ý kiến, nhưng phải đến khi có kết luận của Chính phủ, những khiếu nại, tố cáo kéo dài hàng chục năm của dân mới phần nào được giải tỏa.
Chiều 6/8, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã chủ trì họp báo về tiến độ, kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại dự án Khu công nghệ cao (CNC), Q.9.
|
Dự án Khu công nghệ cao tại Q.9, TP.HCM |
Phần diện tích 40,997 ha nằm trong ranh quy hoạch
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2017 đến nay, UBND TP.HCM đã thực hiện xong 4/8 nội dung gồm tổ chức công khai quy hoạch Khu CNC; rà soát kiểm tra việc hoán đổi 1.111,5m2 đất công cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Tuấn; rà soát kêu gọi đầu tư và tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan.
Các nội dung còn lại, chính quyền TP.HCM sẽ phải hoàn thành trong năm nay, trong đó có vấn đề mà dư luận khá quan tâm, đó là phần diện tích 40,997 ha mà theo tố cáo, nằm ngoài ranh quy hoạch.
Ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND Q.9 - cho rằng, đây là diện tích thuộc 7 dự án thành phần dành cho các công trình phụ, đường giao thông, nhà ở chuyên gia… gắn với dự án Khu CNC. Người dân có sự nhầm lẫn với 7 dự án nằm ngoài ranh quy hoạch phục vụ cho công tác tái định cư.
Trước đó, liên quan đến 7 dự án phục vụ tái định cư này, Thông báo số 370/TB-VPCP 17/8/2017 của Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP.HCM rà soát đối với 5.668 căn hộ và nền đất có tính chất thương mại, có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xác định chênh lệch chi phí giữa dự án thương mại và dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất và thực hiện các biện pháp thu hồi khoản chênh lệch này vào ngân sách.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình cá nhân bị thu hồi đất thuộc phần diện tích 40,997ha được xác định nằm trong ranh quy hoạch, theo ông Hoan, UBND Q.9 sẽ thuê công ty thẩm định độc lập thẩm định đơn giá theo giá thị trường tại thời điểm tháng 4/2007.
Sắp tới, UBND TP.HCM sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh dự án bồi thường và UBND Q.9 sẽ xác định số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư bổ sung. Ngoài ra, do giá và chính sách được xác định vào tháng 4/2007 nhưng đến nay mới chi trả, nên đối với các trường hợp được chi trả bổ sung, sẽ được tính lãi suất trên số tiền bổ sung với thời gian tính lãi là từ ngày 18/4/2007 đến ngày 31/12/2015.
Từ ngày 1/1/2016 đến ngày ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung, các đối tượng sẽ được thanh toán thêm khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thẩm định và phê duyệt bản đồ vị trí xác định ranh 7 khu đất thuộc phần diện tích 40,997 ha. Trên cơ sở này, UBND Q.9 đã lập danh sách các hộ dân bị thu hồi đất thuộc phần diện tích 40,997 ha. Về nguyên tắc, UBND TP.HCM giữ nguyên chính sách bồi thường trước đây đối với 49 trường hợp khiếu kiện kéo dài theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả rà soát kỹ hồ sơ thu hồi đất, điều kiện hoàn cảnh và nguyện vọng của từng hộ dân, tổ công tác liên ngành đã trình UBND TP.HCM phê duyệt chính sách hỗ trợ đặc thù đối với 49 trường hợp theo hướng bán nền tái định cư cho các hộ dân theo giá bán tái định cư nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hộ dân.
UBND TP.HCM sẽ bố trí nền đất tái định cư tại khu đất 4.000m2 mặt tiền đường Lê Văn Việt, một số nền đất thuộc khu nhà ở Khang Điền thuộc P.Phước Long B và khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ (giai đoạn 2).
Kết luận của Chính phủ là căn cứ pháp lý cuối cùng?
Từ khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực UBND TP.HCM đã nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với công dân. Cấp quận đã tổ chức hơn 30 buổi tiếp từng hộ dân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đồng thời xin ý kiến của các hộ dân bị thu hồi đất về dự kiến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã tổ chức 3 buổi tiếp các hộ dân để công bố chính sách và tiếp tục lắng nghe ý kiến. Theo chính quyền, đa số hộ dân đã đồng ý với chính sách hoặc có ý kiến đề nghị bổ sung, nhưng vẫn còn trường hợp chưa đồng thuận với nội dung chính sách.
Trả lời báo chí liên quan đến việc tại sao dân không thừa nhận bản đồ quy hoạch, việc dân đòi thu hồi 3 quyết định của UBND TP.HCM là có cơ sở hay không, vì sao kết luận nói trong ranh nhưng dân nói việc thu hồi thêm là ngoài ranh quy hoạch, việc giải tỏa, bồi thường không có bản đồ hay không... ông Bảy thừa nhận, năm 2003, luật quy định phải có bản đồ khi thu hồi và bà con đã đặt ra; Thanh tra Chính phủ đã kết luận UBND TP.HCM có thiếu sót và cơ quan này đã nhận sai.
Năm 2008, được Chính phủ ủy quyền, UBND TP.HCM đã phê duyệt bản đồ quy hoạch Khu CNC, đã ban hành 3 quyết định thu hồi đất theo thẩm quyền nhưng kết luận thanh tra cho rằng, quyết định đầu tiên đúng, 2 quyết định sau chưa đúng.
Theo ông Hoan, dự án quy mô hơn 900 ha này phải thu hồi 3 lần, trong đó lần 1 thu hồi hơn 800 ha. Do Xa lộ Hà Nội thu hẹp lại quy mô ban đầu, nên UBND TP.HCM quyết định lấy dãy đất dài gần 5-6 ha của xa lộ làm Khu CNC. Đó là lý do vì sao có sự nhầm lẫn tên phường. “Sai phạm ở đây theo kết luận của thanh tra là chưa đúng về trình tự, thủ tục” - ông Hoan nói.
Về bản đồ quy hoạch, ông Hoan cho biết, Chủ tịch UBND TP.HCM đã 3 lần tiếp xúc người dân, đại bộ phận người dân ủng hộ chính sách, mong giải quyết sớm. “Người dân muốn ổn định, lo cho gia đình nhưng còn một số trường hợp không bàn chính sách mà bàn vấn đề pháp lý. Đến thời điểm này, còn bàn gì nữa. Nếu thu hồi 3 quyết định thì còn quyết định của Chính phủ…
Chính quyền thành phố thấy sai, phải sửa và chúng tôi sẽ làm theo kết luận của Thủ tướng. Tôi từng nói với báo chí, còn một bộ phận nhỏ không đồng hành cùng Nhà nước trong việc sửa sai. Pháp lý cuối cùng hiện nay chúng ta phải bám vào làm là quyết định của Thủ tướng Chính phủ” - ông Hoan xác định.
Ông giải thích thêm, 40,997 ha đã thu hồi là thực hiện trong ranh nhưng không đúng quy trình, thủ tục nên phải hỗ trợ dân và hỗ trợ tính từ năm 2007. Ông cũng cho hay, 49 trường hợp khiếu nại nhiều vấn đề, cả tố cáo việc triển khai chưa đến nơi đến chốn, để đất bỏ hoang… đã được Chính phủ kết luận. Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM có chính sách hỗ trợ đặc thù và không phải bình quân cho các trường hợp.
Khu CNC TP.HCM được thành lập ngày 24/10/2002, là một trong ba khu CNC quốc gia do Chính phủ thành lập. Công tác thu hồi đất để thực hiện dự án theo Luật Đất đai năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 1998, 2001 và Nghị định 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ. UBND Q.9 tổ chức thu hồi đất theo các quyết định thu hồi đất số 2666/QĐ-UB ngày 27/6/2002, số 2717/QĐ-UB ngày 18/7/2003 và số 2193/QĐ-UB ngày 19/5/2004 của UBND TP.HCM.
Dự án có quy mô 913,1633ha, trong đó, 801ha đất phải thu hồi, 112ha đất sông, rạch, thủy lợi, giao thông. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 3.113 hộ. Đến nay, UBND Q.9 đã kiểm kê đối với 3.113 hộ dân, đạt tỷ lệ 100%; ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ 3.113 hộ dân; tổ chức bố trí tái định cư cho 1.546 hộ dân với 1.513 nền và 211 căn hộ chung cư. Đã có 3.078 hộ bàn giao mặt bằng với diện tích 794,9453ha, đạt 99,24%, còn 35 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện dự án, diện tích chưa thu hồi là 6,0547 ha.
|
Quốc Ngọc