Mấy ngày qua, rộ lên chuyện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi phát công văn hỏa tốc cho huyện Bình Sơn và Lý Sơn, yêu cầu phải nhanh chóng dọn dẹp mặt bằng để Tập đoàn FLC đầu tư vào đó làm sân golf, khách sạn cao cấp. “Đinh” để dư luận bức xúc là công văn đó yêu cầu đình chỉ thi công, dời đồn biên phòng Bình Hải.
|
Bãi biển thuộc thôn An Cường xã Bình Hải, nơi sẽ giao cho FLC làm dự án |
Dời hay không là chuyện hạ hồi phân giải, bởi nó liên quan đến phòng thủ ven biển. Dư luận, nói rõ hơn là cánh báo chí, kẻ ủng hộ, người chống đối chuyện Tập đoàn FLC đầu tư vào đây, lăm le triển khai dự án kéo dài từ Gành Yến (xã Bình Hải) đến mũi Bình Châu thuộc huyện Bình Sơn, kéo ra tới đảo Bé (huyện Lý Sơn).
Thiên hạ trưng ra những tệ hại của tập đoàn này, từ bán chui cổ phiếu trên sàn chứng khoán bị phạt; đầu tư vô Quảng Bình kiểu trời ơi đất hỡi, khiến tỉnh đòi nợ đứt hơi mà chưa được một nửa; rồi ở Bình Định, dân vùng dự án Nhơn Lý thuộc TP.Quy Nhơn phải gánh gồng ra đi, nhường đất cho tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết. Giờ đến tỉnh Quảng Ngãi. Bên ủng hộ thì nói đó là nơi gió biển bám mặt, cát cháy, không đầu tư thì muôn đời không ngẩng mặt được.
Nếu quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn (giai đoạn 1) với tổng quy mô 1.243 héc-ta thuộc các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Bình (đảo Bé, huyện Lý Sơn) được triển khai thì hàng ngàn hộ dân phải ra đi.
Giới thạo tin cho hay, điểm đột phá là đồn biên phòng Bình Hải, nằm ở thôn An Cường, nơi có gành đá rất đẹp, không thua kém Nam Ô của TP.Đà Nẵng, mà đồn biên phòng Nam Ô cũng đã di dời mấy năm rồi, nhường đất cho Tập đoàn Trung Thủy.
Lấy được An Cường, mở màn là xây khách sạn, thiết lập chỗ ăn chơi, thu tiền, sướng phải biết! Người ta nhớ trận Vạn Tường (Bình Hải) năm 1965, khi Mỹ đổ quân vào Quảng Ngãi, mà quên một chi tiết, Mỹ đổ vào An Cường trước chứ không phải thôn Vạn Tường. Nếu thực hiện, FLC sẽ thâu tóm hết mười mấy cây số bờ biển. Khiếp!
Cũng cần nhắc lại thông tin, tỉnh Quảng Ngãi chừa lối đi cho dân xuống biển rất khiêm tốn, cứ 8km mới mở một lối. Tại xã Bình Hải, riêng thôn An Cường đã có 2.900 khẩu. Mười năm trước, đời sống bà con khó khăn, nhưng gần đây, họ bắt đầu ổn định nhờ bám biển. Tất nhiên, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi có đầy đủ lý do để quyết mở đường cho FLC đầu tư.
Nhưng câu hỏi gay gắt mấy chục năm qua ở các dải đất ven biển, không riêng chi miền Trung là: làm khách sạn, nhà nghỉ, sân golf, chiếm hết đất, đường đi ven biển, dân được gì? Sau khi nhường đất cho nhà đầu tư, họ có sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ không? Mất đất, mất việc làm chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu kiện, gây mất ổn định xã hội, đẩy bao nhiêu người lâm vào thống khổ, nhà nước cũng hết hơi giải quyết. Mới nhất là ở Nam Ô. Người ta lo ngại, với sự nhiệt tình “hỏa tốc” của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, dân rồi sẽ ra sao?
Bài toán việc làm, tái định cư cho dân khi doanh nghiệp vào lấy đất là chuyện nhức nhối và ê chề ở xứ mình. Lãnh đạo thì nói rất hay, nhưng nói rồi thì đi, chỉ có dân là ở lại. Đền bù giá rẻ, không chịu thì bị cưỡng chế; dân làm nghề biển thì phải lên rừng, dân ở rừng thì tha hương, vào Nam kiếm sống. Đền bù có cục bạc, chẳng biết làm chi, vào làm công nhân ở khách sạn 5 sao, sân golf thì muôn đời không được. Tiêu hết tiền, quay về bần cùng.
Mới đây, tôi về xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nơi sẽ bị giải tỏa để làm sòng bạc, khách sạn cao cấp, chủ tịch UBND xã là ông Nguyễn Văn Thống nói: “Trước mắt là có 400 hộ di dời. Họ sẽ sống ra răng, nói thiệt, tui cũng bó tay”. Từ đây ngó qua chưa đầy 1km là phía Hội An, nơi còn nóng hổi chuyện cồn bãi Cẩm Nam vào tay Tập đoàn Gami.
Dân đang sống yên bình thì phải bỏ hết, ra đi. Nhà đầu tư thì không cần biết số phận họ ra sao, miễn là lấy được đất. Vậy, chính quyền do dân đóng thuế nuôi có trách nhiệm gì? Có chế tài nào “cột” các vị, là sau 5 năm, 10 năm, nếu dân sống không ổn, các vị sẽ phải ra tòa không? Luật Đất đai có điều khoản thu hồi đất “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (điều 62).
Một cán bộ địa chính phân tích, chính từ “công cộng” này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Xây sân golf, khách sạn là phục vụ công cộng, mang lại lợi ích xã hội, nên cứ thế mà thu hồi đất, đồng nghĩa đẩy dân vào chỗ khốn đốn.
Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn có diện tích gần 4.000ha; giai đoạn 1 có tổng quy mô thực hiện 1.243ha thuộc các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Bình (đảo Bé, huyện Lý Sơn). Dự án gồm các hạng mục sân golf, khách sạn, trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng...
Trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc dời đồn biên phòng Bình Hải về phía tây tuyến đường Bắc - Nam Vạn Tường còn chờ ý kiến phía Bộ Quốc phòng, nhưng hiện tại, các đơn vị liên quan đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để khởi công vào ngày 19/5 tới theo tinh thần của tỉnh là “yêu cầu cả hệ thống chính trị quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn vướng mắc".
Theo sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, dự án trên của Tập đoàn FLC vẫn chưa được đánh giá tác động môi trường. Còn theo bà Đinh Thị Hồng Minh - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi - thì, tất cả các vấn đề như tiền giải phóng mặt bằng (dự kiến là 500 tỷ đồng cho FLC ứng để di dời, giải phóng mặt bằng), di dời đồn biên phòng, đất quốc phòng, vẫn chưa được đưa ra HĐND bàn thảo.
Liên quan đến việc này, nhiều người dân tại xã Bình Hải - nơi dự kiến sẽ phải di dời để Tập đoàn FLC triển khai dự án - cho hay, họ vẫn chưa nghe nói gì, chỉ biết thông tin qua báo chí và nếu có điều đó xảy ra, họ sẽ không đi.
|
Trung Việt