Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Tính toán kỹ để đúng hẹn, không lãng phí

13/11/2024 - 12:34

PNO - Đồng tình với chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhiều ĐBQH lưu ý, phải tính toán kỹ lưỡng để đạt cả hiệu năng, hiệu quả.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị tính toán để đảm bảo hiệu năng và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án - Ảnh: Media Quốc hội

Tính toán để không thành gánh nặng tài chính

Sáng 13/11, thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho hay đây là dự án mà Việt Nam đang rất cần và nên tiến hành. Đại đa số người dân đều ủng hộ chủ trương này của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, cử tri - trong đó có các chuyên gia, nhà quản lý, khoa học – còn băn khoăn, đó là: “làm thế nào giữa ý muốn và năng lực tổ chức thực hiện; hiệu năng và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án ra sao?”.

ĐBQH nêu: “Cũng là một dự án nơi khác làm 5 năm, mình làm 10 năm, 15 năm không xong. Người ta làm 10 đồng, mình làm 20 đồng, 30 đồng? Hàng loạt dự án trước đây vẫn còn đắp chiếu”.

Ông cho rằng, Tổng bí thư Tô Lâm đã chỉ ra “trúng huyệt”: chúng ta đang lãng phí bởi các dự án đầu tư mà trên tờ trình ban đầu rất hiệu quả nhưng tổ chức thực hiện sau đó lại trở thành gánh nặng tài chính. Hậu quả là có những khu đất vàng bỏ hoang.

Cử tri cũng băn khoăn về sự an toàn của dự án bởi càng công nghệ cao, tốc độ cao, độ an toàn càng đòi hỏi một cách nghiêm ngặt. Chỉ cần tắc trách về kỹ thuật nhỏ là đã có thể gây hậu quả lớn. “Con ốc của loại đường tốc độ 350 km/h cũng phải khác với 100km/h”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói.

Khẳng định chủ trương đầu tư là hợp lý, cần thiết, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu một số lưu ý khi triển khai “siêu dự án” này. Trước hết là về ngân sách và nợ công. ĐBQH đề nghị tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo ngân sách Nhà nước không phải “gánh” sau vài chục năm.

Dự án cũng cần đánh giá tác động ở các lĩnh vực kinh tế khác. Cụ thể như, chúng ta phải phát triển điện như thế nào để đáp ứng được đường cao tốc này. Các ngành giao thông khác sẽ bị tác động ra sao? Hiện, Việt Nam đang cần nguồn lực để đầu tư cho các dự án cầu đường, dân sinh, chip bán dẫn... Nếu dự án này tác động thế nào tới việc chi cho các chương trình đã thông qua.

Một vấn đề khác cần lưu ý là năng lực tổ chức, triển khai thực hiện.

Cùng với đó, cần quan tâm tới nguồn nhân lực, kỹ sư, công nhân, luật pháp: “Một công trình siêu lớn như thế đòi hỏi hàng loạt luật pháp kèm theo. Trách nhiệm nhân sự như thế nào, bảo hiểm ra sao, đặc biệt đội ngũ quản lý rất nghiêm ngặt”, ĐB Nghĩa nói.

Cần vận chuyển song song cả hành khách và hàng hóa

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy cân nhắc vận tải song song hành khách và hàng hóa, nhằm giảm chi phí logistic - Ảnh: Media Quốc hội

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết đã nhận được ý kiến đóng góp của Giáo sư Lã Ngọc Khuê (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) về dự án. Theo vị giáo sư này, trong vận hành dự án, cần chú trọng vận hành cả hàng hóa, không chỉ ưu tiên vận chuyển người. Việc kết hợp như vậy sẽ khai thác thêm được nguồn lực, tránh để bỏ trống ở nhiều tuyến dự kiến có ít hành khách tham gia.

Bày tỏ sự ủng hộ với dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TPHCM) cũng cho rằng, cần tính toán kỹ các yếu tố tác động tới dự án để loại trừ các hậu quả có thể xảy ra.

Bà gợi ý nên tính toán mở rộng tuyến đường so với dự kiến. Cụ thể, ở giai đoạn 1 có thể tính toán điểm đầu, cuối là TP Hà Nội và TPHCM, nhưng tới giai đoạn 2 phải tính tới kết nối với các tỉnh miền Tây, các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc.

Bà nhấn mạnh, phải xem đây là tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa chứ không chỉ là chở hành khách để giải quyết bài toán giảm chi phí logistic hiện nay: “Tôi mong ước, trái cây vừa hái ở miền tây, chiều đã được bán ở siêu thị Hà Nội”.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức (đoàn TPHCM) đánh giá, đây là dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sự, là khát vọng, niềm tự hào của dân tộc.

Để dự án triển khai hiệu quả, ĐBQH phân tích, Chính phủ phải tính toán để các 23 điểm ga được kết nối với các hệ thống giao thông khác. Ví dụ, khi xuống ga Thủ thiêm, người dân cần có các tuyến đường thuận tiện nhất để kết nối với miền Tây, không để xảy ra điểm nghẽn ở ga. Khi đó, theo ĐBQH, chắc chắn sẽ có chi phí phát sinh và phải xác định nguồn vốn này bố trí như thế nào.

Đồng quan điểm với ĐBQH Nghĩa và ĐBQH Thúy, ông Nguyễn Minh Đức kiến nghị vận chuyển song song hành khách và hàng hóa. Theo ông, cần đặt ra ít nhất 30% lượng vận chuyển của tàu dành hàng hóa. Từ đó sẽ góp phần giảm phát thải khí, giảm chi phí logistic.

Ông cũng nêu quan điểm, phải cân đối quy hoạch các loại hình vận chuyển khác khi triển khai dự án này. Với các tỉnh có dự án chạy qua, có nên mở rộng đường ra sân bay hay không? Quy hoạch cảng hàng không ra sao?

Về tổng mức đầu tư của dự án, ông lưu ý, cơ quan chức năng phải tính toán chi tiết từng hạng mục, vấn đề để tính toán sát nhất, không nảy sinh việc thiếu vốn, đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI