Dự án đã cấp phép xây dựng vẫn điều chỉnh quy hoạch: Sở Xây dựng đang bảo vệ quyền lợi cho ai?

14/12/2019 - 08:42

PNO - Gần đây, Báo Phụ Nữ TP.HCM liên tục nhận phản ánh của người dân về việc dự án chung cư bị “biến tấu” sau khi họ nhận nhà. Được biết, do cơ quan chức năng vô tư chiều lòng chủ đầu tư, bất chấp quyền lợi khách hàng.

Mua nhà một đằng, nhận nhà một nẻo

Nhà sinh hoạt cộng đồng teo tóp, sân tập thể thao biến mất, diện tích sở hữu chung bị cắt xén... là những gì đang xảy ra tại dự án chung cư Xi Grand Court (256-258 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM), khiến hàng trăm cư dân ở đây vô cùng bức xúc. 

Theo các cư dân, khoảng đầu năm 2017, họ ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Sơn Thuận (Công ty Phú Sơn Thuận) mua căn hộ dự án ở đây. Khi mua, dự án được quảng cáo có tiện ích vượt trội. Ngoài khu căn hộ để ở, khu vực tầng 7 của dự án là khu sân vườn, dịch vụ công viên, phố đi bộ biệt lập, hồ bơi... Đặc biệt, tại tầng 1 của dự án, có đến ba nhà sinh hoạt cộng đồng, sân bóng rổ, sân tennis rộng hơn 1.800m2...

Du an da cap phep xay dung van dieu chinh quy hoach: So Xay dung dang bao ve quyen loi cho ai?
Chung cư Xi Grand Court chưa lấy ý kiến khách hàng đã được Sở Xây dựng TP.HCM cho điều chỉnh dự án.

Thế nhưng, khi cư dân nhận nhà vào ở thì một số tiện ích đã “không cánh mà bay”, số còn lại cũng teo tóp. Tầng 7 của chung cư trở thành nơi để chủ đầu tư cho thuê kinh doanh dịch vụ bida, quán cà phê, văn phòng. Tại tầng 1, mọc lên một quán cả phê, chỉ có một nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng rất chật hẹp. 

Bức xúc, các cư dân phản ánh nhưng Công ty Phú Sơn Thuận vẫn không chịu tháo dỡ. Đến khi cư dân làm dữ thì chủ đầu tư “ngửa bài”: dự án đã được cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh thay đổi các tiện ích trên, nên công ty kiên quyết không tháo dỡ. 

Du an da cap phep xay dung van dieu chinh quy hoach: So Xay dung dang bao ve quyen loi cho ai?
Cư dân phản ánh dự án chung cư Xi Grand Court chưa lấy ý kiến cư dân đã điều chỉnh thiết kế.

Hàng trăm cư dân sinh sống tại chung cư Phúc Yên 1 (P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng gửi đơn phản ánh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc họ ký hợp đồng với Công ty cổ phần Địa ốc và Đầu tư Phúc Yên (Công ty Phúc Yên) mua căn hộ dự án. Ban đầu, dự án được giới thiệu có sảnh, hành lang, cầu thang, ram dốc, gen kỹ thuật, diện tích cột, tường căn hộ là 11.156,5m2; hai hầm giữ xe máy (B1) và ô tô (B2) có diện tích 4.759,8m2; nhà giữ trẻ 150m2; phòng sinh hoạt cộng đồng 120m2; nhà quản lý 42m2. 

Du an da cap phep xay dung van dieu chinh quy hoach: So Xay dung dang bao ve quyen loi cho ai?
Chiều lòng chủ đầu tư, Sở Xây dựng TP.HCM vô tư "nhào nặn" tan nát chung cư Phúc Yên 1.

Năm 2009, cư dân nhận căn hộ vào ở, mọi thứ vẫn được chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết. Thế nhưng, được một thời gian, đến khoảng tháng 10/2017, chủ đầu tư bất ngờ đòi cư dân thuê lại bãi giữ xe với giá 65 triệu đồng/tháng. Cư dân không chịu vì cho rằng, căn cứ theo quyết định phê duyệt quy hoạch trước đây, phần diện tích bãi giữ xe này là sở hữu chung của cư dân. Đến khoảng giữa năm 2019, chủ đầu tư gửi thông báo cho cư dân truy thu tiền giữ xe từ ngày 1/4/2017 đến 30/4/2019 là 1.625.000.000 đồng. Chủ đầu tư cũng thẳng thừng tuyên bố, trong quá trình cư dân sinh sống, dự án đã được cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch. 

Du an da cap phep xay dung van dieu chinh quy hoach: So Xay dung dang bao ve quyen loi cho ai?
Bãi giữ xe của cư dân bị teo tóp vì Sở Xây dựng TP.HCM cắt xén diện tích sở hữu chung giao cho chủ đầu tư khi dự án đã bán ra thị trường.

Tương tự, chung cư Thảo Điền Pearl (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) do Công ty cổ phần Địa ốc và Xây dựng S.S.G2 làm chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng các cư dân vẫn mòn mỏi chờ giấy chủ quyền. Họ khiếu nại, chủ đầu tư liên tục hứa hẹn. Cư dân tìm hiểu vụ việc thì phát hiện dự án chưa thể ra giấy chủ quyền vì chủ đầu tư đã “biến tấu” hàng ngàn mét vuông chung cư không đúng như công năng sử dụng được duyệt ban đầu. Các cư dân phản đối thì chủ đầu tư cho rằng, đã được các cơ quan chức năng cho phép.

Chiều lòng chủ đầu tư, bất chấp quyền lợi khách hàng 

Nguy cơ phá nát quy hoạch

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng - chuyên gia bất động sản - việc điều chỉnh thiết kế dự án bằng cách nâng tầng, chẻ nhỏ căn hộ, cơi nới, điều chỉnh công năng sử dụng... sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch chẳng khác nào tiếp tay cho xây dựng trái phép.

Việc điều chỉnh quy hoạch, công năng sử dụng tại các chung cư không chỉ gây tổn hại quyền lợi khách hàng do tăng mật độ dân số, giảm tiện ích, bàn giao nhà trễ, chậm cấp giấy chủ quyền... mà còn có nguy cơ phá nát quy hoạch.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều dự án hiện nay được vẽ rất đẹp, rất nhiều tiện ích nhưng sau một thời gian, khi bán hết hàng, chủ đầu tư lập tức xin điều chỉnh cắt giảm các tiện ích, tăng số lượng căn hộ và sở hữu riêng của mình lên. Thậm chí, nhiều dự án đã đưa dân vào ở, vẫn được điều chỉnh. Đáng nói, những việc này gây thiệt hại nghiêm trọng cho quyền lợi khách hàng nhưng các cơ quan chức năng vẫn chiều lòng các chủ đầu tư. Phần lớn việc duyệt cho điều chỉnh này do Sở Xây dựng TP.HCM thực hiện. 

Cụ thể, chung cư Xi Grand Court đã có ít nhất ba lần điều chỉnh dự án để ra hình hài “biến dạng” như hiện nay. Trong đó, lần thứ nhất năm 2010, lần thứ hai năm 2014 và lần thứ ba là năm 2018, khi cư dân đã vào ở. Còn tại chung cư Phúc Yên, đã có ít nhất bốn lần dự án được Sở Xây dựng TP.HCM duyệt cho điều chỉnh. 

Trong đó, lần điều chỉnh đầu tiên năm 2010, lần thứ hai năm 2013, lần thứ ba năm 2014, lần thứ tư năm 2016. Kết quả, sau những lần điều chỉnh này, Sở Xây dựng TP.HCM đã làm lợi cho chủ đầu tư hai dự án trên hàng chục ngàn mét vuông và hàng chục căn hộ. Riêng tại dự án Thảo Điền Pearl, Sở Xây dựng TP.HCM đã giúp làm lợi cho chủ đầu tư gần 3.000m2 tầng hầm. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc điều chỉnh xây dựng hiện nay được thực hiện quá dễ dãi. Phần lớn các sở, ngành, quận, huyện tự lấy ý kiến với nhau, còn đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là người dân lại bị bỏ qua. Chẳng hạn, đối với việc điều chỉnh tại dự án chung cư Xi Grand Court, khi chủ đầu tư nộp hồ sơ, Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị chủ đầu tư lấy ý kiến khách hàng và tự chịu trách nhiệm về việc khiếu nại sau này; sau đó, chủ đầu tư báo dự án có tổng cộng 224 khách hàng đã mua căn hộ và tất cả đều đồng ý cho điều chỉnh dự án. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, các cư dân được cho là đã ký tên đồng ý cho chủ đầu tư điều chỉnh dự án khẳng định, họ chưa bao giờ được lấy ý kiến, nên không có chuyện đồng ý. 

Khi khách hàng khiếu nại, ông Trần Hùng Anh - Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM - cho rằng, quyết định điều chỉnh cho dự án có nêu “chủ đầu tư đã lấy ý kiến các cư dân”. Do đó, nếu cư dân cho rằng mình chưa được lấy ý kiến thì cung cấp hợp đồng mua bán căn hộ trước thời điểm ban hành quyết định để Sở Xây dựng xem xét. Tuy nhiên, theo các cư dân, họ đã cung cấp đầy đủ giấy tờ cho Sở Xây dựng nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn như cũ. 

Điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đang bị lạm dụng

Việc chủ đầu tư thay đổi thiết kế, công năng sử dụng của dự án sẽ làm thay đổi cơ cấu căn hộ. Vì vậy, chủ đầu tư có nghĩa vụ phải lấy ý kiến khách hàng. Theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng ban hành năm 2013, các dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ phải được sự đồng ý của 100% khách hàng.

Thực tế, có nhiều dự án không thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến khách hàng nhưng các cơ quan chức năng vẫn ưu ái cho thực hiện. Đến khoảng cuối năm 2014, thông tư này hết hiệu lực thì việc điều chỉnh dự án càng bị lạm dụng hơn. Cơ quan chức năng vẫn đề nghị chủ đầu tư phải lấy ý kiến khách hàng nhưng quy định này chỉ “cho có”, không ai hậu kiểm, mặc chủ đầu tư muốn làm gì thì làm. 

Hiện nay, việc điều chỉnh này còn có dấu hiệu là “lá bài hộ mệnh” cho những dự án xây trái phép tìm đường hợp thức hóa. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định rõ ràng để ngăn chặn tình trạng này và bảo vệ quyền lợi người dân. 

Luật sư Nguyễn Trường (đoàn Luật sư TP.HCM)

Phan Trí - Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI