Dự án của Mỹ khiến Trung Quốc khó bề “thao túng” sông Mê Kông

17/12/2020 - 06:00

PNO - Dự án giám sát sông Mê Kông mới nhất - do Mỹ hậu thuẫn - được thiết lập nhằm theo dõi sát việc xây dựng các con đập của Trung Quốc.

Ngay sau tuyên bố sự “thao túng” dòng Mê Kông của Bắc Kinh là “thách thức cấp bách” đối với Đông Nam Á, ngày 14/12, Washington đã cho ra mắt công cụ trực tuyến mã nguồn mở Mekong Dam Monitor (MDM) giúp cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về mực nước tại hàng chục con đập dọc theo con sông chảy qua nhiều quốc gia trong khu vực, gồm Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Trung Quốc góp phần gây ra hạn hán trong khu vực

Công cụ MDM sẽ giám sát tình trạng sông Mê Kông bằng cách cập nhật hằng tuần thông tin viễn thám và hình ảnh vệ tinh về mực nước tại hồ chứa của 13 con đập trên dòng chính và 15 đập trên các phụ lưu có công suất phát điện trên 200MW. Trong số đó, có đến 11 đập của Trung Quốc ở thượng nguồn. Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp bản đồ, dữ liệu về nhiệt độ, lượng mưa, độ tuyết bao phủ và các chỉ số khác suốt chiều dài con sông lớn thứ mười hai thế giới.

Một đập thủy điện đang được xây dựng trên sông Mê Kông tại Lào - Ảnh: Shutterstock
Một đập thủy điện đang được xây dựng trên sông Mê Kông tại Lào - Ảnh: Shutterstock

Đây là sản phẩm thuộc Chương trình Đông Nam Á do Trung tâm Stimson (trụ sở tại Washington, Mỹ) phối hợp với Eyes On Earth Inc. - một công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn về nguồn nước sau nhiều thất vọng đối với sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin liên quan. Theo trang web của MDM, đây là công cụ “chống lại những tuyên bố không chính xác về tình trạng và hoạt động của các con đập, hồ chứa và dòng chảy trên lưu vực sông Mê Kông” với “sự giám sát liên tục, minh bạch và dựa trên các cơ sở bằng chứng rõ ràng”.

Trước đây, Bắc Kinh chỉ công khai thông tin về lũ. Tuy nhiên, theo Brian Eyler - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Stimson và các chương trình năng lượng nước bền vững - website mà Trung Quốc hứa hẹn chỉ cung cấp thông tin cập nhật không thường xuyên từ một con đập của họ ở gần biên giới Thái Lan. “Trang web mới của họ cho biết mực nước sông từ một máy đo nằm ngay bên dưới con đập. Thế nhưng, dữ liệu mực nước sông và dữ liệu hoạt động của con đập này là hai chỉ số hoàn toàn khác nhau” - ông Eyler nói.

Trong khi đó, các thông tin cần thiết hơn như cách thức vận hành của 11 con đập ở thượng nguồn sông Mê Kông, bao gồm số liệu về tình trạng các hồ chứa và dòng nước, vẫn bị Trung Quốc giữ kín như “hộp đen”. Đó là chưa kể, liệu nền tảng chia sẻ thông tin của Trung Quốc có đưa ra các dự báo đáng tin cậy và những cảnh báo sớm về lũ lụt, hạn hán như đã được tuyên bố khi ra mắt hay không. Theo ông Eyler, dường như hệ thống này vẫn chưa được sử dụng.

Mê Kông cạn dòng ngay cả trong mùa mưa

Với hơn 60 triệu cư dân sống dọc theo hai bên bờ Lan Thương - Mê Kông, nhiều năm qua, các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn đã bị cho là gây tổn thương môi trường, ảnh hưởng sinh kế của người dân khu vực hạ lưu và gây ra lũ lụt, hạn hán. Bắc Kinh luôn bác bỏ các cáo buộc này, nhưng Công ty Eyes On Earth đã công bố những phát hiện từ nghiên cứu do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho thấy, các con đập của Trung Quốc đã ngăn chặn một lượng lớn nước sông Mê Kông ngay cả khi mực nước ở thượng nguồn cao hơn mức trung bình. Bắc Kinh lại cho rằng, lượng mưa thấp hồi năm ngoái đã khiến mực nước sông thấp hơn bình thường.

Thủy điện Jinghong - con đập ở vị trí cực nam thuộc 11 đập trên sông chính sông Lan Thương-Mekong - ở Trung Quốc. Ảnh: International Rivers
Thủy điện Jinghong - con đập ở vị trí cực nam thuộc 11 đập trên sông chính sông Lan Thương-Mekong - ở Trung Quốc. Ảnh: International Rivers

Alan Basist - người đứng đầu dự án MDM - cho biết kế hoạch của họ là nhằm “cộng tác với nhiều tổ chức khác nhau” như Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) - một tổ chức liên chính phủ đặt trụ sở tại Lào - để cùng quản lý các nguồn nước chung của các quốc gia liên quan như Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. “Bên cạnh cung cấp dữ liệu thông qua MDM, việc hỗ trợ các hoạt động đã có và đang diễn ra là trọng tâm của dự án” - ông Basist nói và cho biết thêm, MDM dựa trên ban cố vấn với các thành viên là các nhà thủy văn học, chuyên gia viễn thám. Mục tiêu xa hơn của dự án là xây dựng hệ thống giám sát, giáo dục cộng đồng địa phương và các bên liên quan về cách sử dụng công cụ, cũng như đào tạo kỹ thuật viên nhằm duy trì trong tương lai.

Theo ông Basist, dữ liệu được thu thập sẽ thúc đẩy sự minh bạch chứ không cạnh tranh với các hoạt động của MRC hoặc Diễn đàn Hợp tác Lan Thương - Mê Kông do Trung Quốc dẫn đầu. MDM có “những cam kết hiệu quả” với MRC và đã liên hệ với chính phủ của năm nước vùng sông Mê Kông, tương tự với Trung tâm Nguồn nước Lan Thương - Mê Kông của Trung Quốc. Những cuộc tham vấn như vậy đã cung cấp cho dự án những phản hồi mang tính xây dựng nhưng họ không nhận được phản hồi từ Diễn đàn Hợp tác Lan Thương - Mê Kông của Bắc Kinh. 

Nam Anh (theo The Diplomat, SCMP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI