Dự án chống ngập của TP.HCM tiếp tục gặp khó với ADB

30/05/2018 - 11:55

PNO - yêu cầu của ADB đưa ra cũng giống như yêu cầu của WB trước đây. Do chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng của WB và khung pháp lý của Việt Nam khác nhau nên yêu cầu này không được đáp ứng.

Đoàn tư vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) muốn đánh giá một cách chu toàn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP.HCM (lưu vực Tham Lương - Bến Cát) trước khi quyết định tài trợ vốn cho dự án này. Đây là một trong những nội dung vừa được Hội đồng Thẩm định bồi thường TP.HCM báo cáo cho UBND TP.HCM để tìm hướng giải quyết.

Du an chong ngap cua TP.HCM tiep tuc gap kho voi ADB
Theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM, do dự án thoát nước lưu vực Tham Lương - Bến Cát chậm thực hiện nên khu vực Q.Gò Vập thường xuyên bị ngập - Ảnh: H.N.

Trước đó, do Ngân hàng Thế giới (WB) dừng tài trợ 400 triệu USD nên dự án trên bị gián đoạn, TP.HCM phải tìm nguồn vốn khác thay thế. ADB là đơn vị muốn hỗ trợ vốn cho TP.HCM thực hiện tiếp dự án, nhưng với yêu cầu đánh giá lại công tác giải phóng mặt bằng, ADB đang đẩy TP.HCM vào thế khó.

Nguồn tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM cho biết, yêu cầu của ADB đưa ra cũng giống như yêu cầu của WB trước đây. Do chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng của WB và khung pháp lý của Việt Nam khác nhau nên yêu cầu này không được đáp ứng. Vì nguyên nhân này mà WB dừng tài trợ 400 triệu USD cho TP.HCM.

Các tài liệu liên quan đến dự án trên trong giai đoạn trước đây thể hiện, theo kết quả khảo sát của đơn vị tư vấn (do WB yêu cầu), mức chi trả cho những hộ dân bị ảnh hưởng của dự án giữa khung giá của TP.HCM và chính sách của WB chênh lệch nhau 4 triệu USD. Theo đó, WB đề nghị UBND TP.HCM xem xét và tăng mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, cách tính dẫn đến sự chênh lệch 4 triệu USD nói trên không có căn cứ và cơ sở quy định theo pháp luật Việt Nam. 

Cụ thể, đơn vị tư vấn của WB chỉ so sánh giá đất theo phương án được duyệt từ năm 2004 với giá thị trường tại thời điểm 2014 nhưng không tính giá trị khác nhau của các loại đất (đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở cũng tính như đất ở) và cũng không tính trừ nghĩa vụ tài chính mà các trường hợp bị ảnh hưởng phải chi trả.

Theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM, dự án trên có hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (đã thực hiện) gồm nạo vét toàn tuyến kênh với chiều dài hơn 32.735m, bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 3.210 hộ dân. Giai đoạn 2 (chưa thực hiện) có các hạng mục xây cống điều tiết kết hợp âu thuyền (kinh phí hơn 750 tỷ đồng); nạo vét và xây 13,7km kè dọc kênh (1.600 tỷ đồng); xây hệ thống cống bao (900 tỷ đồng); xây mới và cải tạo hệ thống cống lớn (4.500 tỷ đồng); cải tạo các tuyến kênh nhánh như kênh Hy Vọng, Cầu Cụt, Chính Xiểng, rạch Bà Miên… (hơn 940 tỷ đồng).

Trong các hạng mục công trình nói trên, ADB dự tính tài trợ vốn cho hai hạng mục quan trọng là xây cống bao và cống thoát nước lớn với tổng giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng (tương đương 350 triệu USD). Tuy nhiên, do yêu cầu đánh giá lại công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên hiện việc tài trợ vốn vẫn còn trong giai đoạn đàm phán. 

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI