“Dự án cháy chợ” – tiểu thuyết ra đời từ “khủng hoảng” của tác giả 9X trong đại dịch

09/05/2023 - 07:57

PNO - Ngày 7/5, tác giả trẻ Trần Đạt Bạch Dương chính thức ra mắt quyển sách “Dự án cháy chợ” (NXB Văn học hợp tác BestBooks phát hành). Tác giả 9X gây bất ngờ khi “chào sân” giới văn chương bằng một tiểu thuyết về thân phận những con người “dưới đáy xã hội”.

Tác giả sinh năm 1996 tại Gia Lai đang làm việc trong lĩnh vực Digital Marketing này với văn chương gần như là 2 đường thẳng song song, cho tới khi đại dịch COVID-19 ập đến vào năm 2020. Trong cơn khủng hoảng chung, anh buộc phải “hạ bút” vì “chữ cứ nổi trong đầu”. Anh đã dành cho Báo Phụ nữ TPHCM một cuộc trò chuyện về cú "rẽ ngang" thú vị của mình.

Trần Đạt Bạch Dương
Tác giả Trần Đạt Bạch Dương chọn thể loại tiểu thuyết và đề tài về gia đình, thân phận con người để khởi đầu sự nghiệp văn chương.

* Phóng viên: Hành trình đến với văn chương của anh như thế nào, khi trước đó chưa từng nghĩ sẽ làm việc liên quan đến viết lách?

- Trần Đạt Bạch Dương: Như mọi người trải qua đại dịch COVID-19, khoảng thời gian giãn cách xã hội, tôi không gặp ai và bắt đầu suy nghĩ nhiều thứ về mình, về cuộc sống. Trước đó, tôi làm việc ở lĩnh vực tổ chức sự kiện, mà dịch đến thì ngành này cũng ngừng trước tiên. Vậy là thất nghiệp, cảm thấy bất an, có chút trầm cảm. Nhưng khi giãn cách xã hội cũng là mình được có nhiều không gian và thời gian cho bản thân – một khoảng thời gian quý báu để dừng lại, không bị kéo đi bởi guồng máy công việc nữa. Thế là tôi suy ngẫm một mình và đọc rất nhiều sách, nhất là triết lý hiện sinh, thần học và cả Kinh thánh. Và tôi bắt đầu viết, các ý tưởng cứ đến dồn dập, chữ cứ nổi trong đầu bắt mình phải viết ra.

Viết được một nửa thì tôi thấy cũng khá ổn, và cũng suy nghĩ liệu mình có thể trở thành một tác giả hay không. Sau đó, khoảng tháng 3/2021 thì tôi viết tác phẩm thứ 2 là “Dự án cháy chợ” này, viết trong 5 tháng và đến nay chính thức ra mắt. Còn tác phẩm trước đó thì vẫn ở dạng bản thảo vì tôi không tự tin lắm, tới tác phẩm thứ 2 tôi mới cảm thấy mình viết tốt, có đủ tự tin để theo đuổi văn chương.

Khu chợ nhất định phải bị cháy, các nhân vật đều đã đồng ý và “Dự Án Cháy Chợ” ra đời. Đến cuối cùng, khi mọi thứ của khu chợ đã trở thành tro bụi, liệu họ có trở nên tốt hơn hay đạt được mục đích của mình?... Tác phẩm gợi ý kết thúc mở cho độc giả.
Khu chợ nhất định phải bị cháy, các nhân vật đều đã đồng ý và “Dự án cháy chợ” ra đời. Đến cuối cùng, khi mọi thứ của khu chợ đã trở thành tro bụi, liệu họ có trở nên tốt hơn hay đạt được mục đích của mình?... Tác phẩm gợi ý kết thúc mở cho độc giả.

* Anh có ý định xuất bản tác phẩm đầu tay kia không?

- Đó là một dự án không phát triển được, vì khi đọc lại tôi cũng không biết mình viết cái gì, tôi viết trong một cơn mơ hồ tới 150.000 chữ. Cũng từng suy nghĩ sẽ cải thiện, viết lại theo một cách khác, nhưng khi bắt đầu vào thì thấy mọi thứ đã đóng lại hoàn toàn, không thể mở ra câu chuyện được. Nhưng tôi vẫn giữ nó lại ở đó như một kỷ niệm; như một bài học cho bản thân, để khi đọc lại, mình biết đã sai sót điều gì để phục vụ cho những tác phẩm sau này.

* Tại sao anh lại chọn thể loại tiểu thuyết và một câu chuyện khá gai góc về thân phận con người mưu sinh trong một khu chợ tự phát để khởi đầu sự nghiệp văn chương của mình – điều rất hiếm ở một tác giả trẻ?

- Khi viết là tôi biết mình sẽ viết tiểu thuyết vì tản văn hay truyện ngắn không đủ dung lượng để chuyển tải những gì mình cần viết. Như trên đã chia sẻ, tôi viết là nhu cầu tự thân, viết những gì mình muốn nói, chứ không lựa chọn viết để được nhiều người biết đến.

Tôi có những thông điệp muốn chia sẻ và chủ động lựa chọn những bối cảnh, ngóc ngách nào đó cho phù hợp nhất để chuyển tải thông điệp của mình. Vì thế, tôi chọn quận 8 với những ngôi nhà tạm bợ dọc bờ kênh, những phận người cắm cọc hướng ra sông cho một chỗ trú chân. Bối cảnh đó phù hợp cho các nhân vật của tôi, là những con người dưới đáy xã hội, nhưng luôn có niềm hy vọng, luôn biết chia sẻ, cảm thông cho nhau.

Rất nhiều bạn bè - những người
Rất nhiều bạn bè - những người đã động viên, hỗ trợ Trần Đạt Bạch Dương trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh - đã đến ủng hộ tác phẩm đầu tay của anh.

* Có một hình mẫu cụ thể nào để anh xây dựng nhân vật không?

- Thực ra không có hình tượng thực sự nào hết. Tôi cho là đã gặp họ trong một giấc mơ. Chúng ta thường nói “ngày nghĩ, đêm mơ”, đó là những người chúng ta đã gặp và quan sát đâu đó trong cuộc đời và đi vào giấc mơ của mình hồi nào không hay.

* Nghe nói là anh đã chuẩn bị cho tác phẩm thứ 2, cũng vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài về những phận người nhỏ bé này?

- Tác phẩm thứ 2 của tôi là một đề tài khác, nhưng cũng khá thử thách. Tôi muốn viết về đề tài chiến tranh và tình yêu, nỗi đau chia cắt trong chiến tranh. Là một người trẻ, nhiều khi tôi quên mất giá trị cha ông để lại, quên những chiến đấu gian khổ để có ngày hôm nay. Nhiều bạn trẻ cũng vậy, và tôi mong muốn truyền tải lại những giá trị của quá khứ đó qua trang viết của mình.

* Nhưng hiện tại anh đã trở lại với công việc cũ của mình, liệu sẽ còn thời gian cho văn chương?

- Tôi viết theo cảm xúc, cũng không ép mình nhất định phải viết. Nhưng tôi đã lựa chọn được đề tài cho tác phẩm tiếp theo và hiện đang có cảm xúc!

* Chúc anh thành công với chặng đường mới của mình!

Đông A (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI