Việc phương án giải tỏa, đền bù không thống nhất làm dấy lên nỗi lo dự án xây cầu vượt “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị chậm tiến độ.
|
Khu vực đường Nguyễn Kiệm chưa giải tỏa được do vướng cơ chế đền bù |
Chỉ bồi thường 30-40% giá đất
Phản ánh với báo Phụ Nữ, ông Trương Hoàng Lê (số 16, đường Nguyễn Kiệm, P.3, Q. Gò Vấp) cho biết, gia đình ông mua căn nhà số 16 năm 1989. Khi mới mua, trên mảnh đất này đã có sẵn một căn hộ cấp 4 tường gạch, mái tôn, tổng diện tích sử dụng 64m2. Đến năm 1995, ông xây thêm gác lửng phía sau và sử dụng đến nay, không phát sinh bất kỳ tranh chấp nào.
Tuy nhiên, căn nhà hiện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Năm 2017, ông Lê nghe thông tin căn nhà của mình nằm trong diện giải tỏa để xây cầu vượt; nhưng xem cụ thể phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Lê phát hiện trường hợp của ông và 49 hộ dân khác không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chỉ được bồi thường ở mức 40% so với đơn giá đất.
“Tôi bị giải tỏa 21,50m2, tính theo đơn giá đất hiện tại khoảng 84,5 triệu đồng/m2, lẽ ra tôi phải được bồi thường khoảng 1,81 tỷ đồng. Tuy nhiên, ban bồi thường chỉ tính tỷ lệ bồi thường 40% nên tôi chỉ nhận được khoảng 727 triệu đồng. Lý do thì cũng không được cơ quan có thẩm quyền giải thích rõ ràng” - ông Lê bức xúc.
Tương tự, ông Đào Tuấn Anh mua căn nhà số 22, đường Nguyễn Kiệm từ năm 1992, sau đó có cải tạo thêm phần gác. Từ năm 1995 đến 2017, ông Tuấn Anh vẫn đóng thuế đất đầy đủ cho phần đất mình sở hữu. Nhà của ông bị giải tỏa 24,70m2, chỉ được bồi thường khoảng 835 triệu đồng (bằng 40% so với đơn giá đất) thay vì phải là 2,08 tỷ đồng.
Ông Tuấn Anh khẳng định: “Tôi ở căn nhà này đã gần 30 năm, nghĩa vụ thuế luôn hoàn thành, giấy tờ đầy đủ. Theo quy định của pháp luật, tôi hoàn toàn đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng địa phương đã không cấp, nay lại áp giá bồi thường quá thấp làm sao tôi chấp nhận?”.
Nỗi lo chậm tiến độ dự án
Theo tài liệu chúng tôi có được, 50 hộ dân đang sinh sống trên đường Nguyễn Kiệm nằm trong diện giải tỏa, đền bù để xây cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn. Hầu hết các hộ này đều chỉ được bồi thường 30-40% so với đơn giá đất; bồi thường, hỗ trợ cấu trúc xây dựng chỉ 30-70%. Do mức giá bồi thường quá thấp nên hầu hết các hộ dân đều không đồng ý với phương án giải tỏa, đền bù do Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng Q. Gò Vấp đưa ra.
Q. Gò Vấp đã mời số hộ dân nói trên ngồi lại cùng tìm giải pháp hợp lý, nhưng nhiều tháng trôi qua, các bên vẫn chưa thống nhất được giá đền bù. Trong đơn khiếu nại gửi báo Phụ Nữ, có 25 hộ dân ký tên không chấp nhận tỷ lệ đền bù 40% và kiến nghị phải được bồi thường đúng 100% giá đất ở.
“Chúng tôi đồng tình với chủ trương giải tỏa của Nhà nước nhưng Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng Q. Gò Vấp áp mức bồi thường như vậy là không thể chấp nhận được. Mấy tháng qua, địa phương cứ mời lẻ tẻ chúng tôi lên làm việc nhưng vẫn chưa thống nhất được gì. Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao chỉ áp dụng tỷ lệ bồi thường từ 30-40% giá đất, địa phương giải thích không thấu tình đạt lý” - chị H. một người dân trong diện giải tỏa, đền bù cho biết.
|
Ông Trương Hoàng Lê bức xúc vì giá đền bù đất quá thấp |
Sáng 8/11, xem xét thực tế tại khu vực này, chúng tôi ghi nhận kế hoạch giải tỏa vẫn còn nằm “trên giấy”. Nhiều người dân khẳng định, sẽ không chấp nhận di dời nếu cơ quan chức năng vẫn áp dụng mức giá trên. Một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (chủ đầu tư) cho biết, đơn vị mình chỉ phụ trách lĩnh vực đầu tư, việc giải tỏa, đền bù là do Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng Q. Gò Vấp phụ trách thực hiện.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng có đại diện tham gia các buổi họp với người dân và địa phương; nắm được vấn đề người dân không đồng ý với mức đền bù. Nếu kéo dài không thỏa thuận được, e rằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng”, cán bộ này quan ngại.
Ngày 17/11, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng Q. Gò Vấp cho biết, năm 1989, UBND P.3 (Q. Gò Vấp) có hợp đồng với người dân làm ki-ốt bán hàng trên đường Nguyễn Kiệm. Lâu dần, các hộ này lấn chiếm ra phía hàng rào công viên Gia Định, lấn chiếm cả lộ giới đường Nguyễn Kiệm nên không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Căn cứ điểm B, khoản 2, điều 21 quy định ban hành kèm theo quyết định số 23/2015/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ngày 15/5/2013 thì “trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vào mục đích đất ở trước ngày 15/10/1993 thì được hỗ trợ về đất bằng 40% đơn giá đất ở để tính bồi thường”. Theo quy định trên, giá bồi thường cho người dân mà chúng tôi áp dụng là hợp lý” - ông Hùng nói. Dự kiến trong tuần tới, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục đối thoại với người dân về vấn đề này.
Người dân phải được bồi thường 100% giá đất
Căn cứ quy định tại điều 100, Luật Đất đai năm 2013, các hộ dân trong diện giải tỏa, đền bù mà báo Phụ Nữ đề cập có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, theo quy định tại điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3, điều 100 của Luật Đất đai và điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại điều 101 và điều 102 của Luật Đất đai, các điều 20, 22, 23, 25, 27 và 28 của Nghị định số 43 thì được bồi thường về đất”.
Đối chiếu các quy định trên, 50 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng để xây cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn nói trên hoàn toàn đủ điều kiện để được bồi thường như trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo tôi, đất của các hộ dân đã có từ lâu, ổn định, có nhà trên đất nên phải bồi thường 100% giá đất cho họ mới hợp tình, hợp lý. Bồi thường 40% giá đất là không có căn cứ pháp lý.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM)
|
Sơn Vinh