Dự án Bình An Pearl được cấp phép xây dựng trên đất... chưa đền bù

29/09/2017 - 10:06

PNO - Trong khi người dân đang kiện quyết định hành chính của UBND TP.HCM liên quan đến lô đất, các cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho dự án thi công. Hậu quả, UBND TP thua kiện, người dân và chủ đầu tư xung đột.

Vụ việc xảy ra tại dự án Bình An Pearl (2 Trần Não, P.Bình An, Q.2, TP.HCM) do Công ty TNHH bất động sản SSG Bình An (SSG Bình An) làm chủ đầu tư.  

Thắng kiện ngoạn mục sau 32 năm gian nan đòi đất 

Trong đơn gửi đến Báo Phụ Nữ, bốn hộ dân: Trần Văn Hùng, Huỳnh Văn Ba, Trương Văn Liếp, Lê Thị Năm cùng ngụ ở P.Bình An, Q.2 phản ánh, từ khoảng năm 1970-1971, bốn hộ dân đã cùng khai hoang 11.000m2 đất ở P.An Phú và P.Bình An, Q.2. Năm 1975, họ được chính quyền địa phương giao phần đất trên cho sử dụng và cất nhà ở. Năm 1982, bốn hộ dân đồng loạt đăng ký quyền sử dụng đất (theo Chỉ thị 299 của Chính phủ). 

Các hộ dân tiếp tục sinh sống ổn định. Năm 1985, bất ngờ Xí nghiệp Khảo sát thiết kế và xây lắp (nay là Công ty cổ phần Xây lắp và vật tư xây dựng 4) đưa người đến chiếm nhà, đất với lý do khu đất đã được UBND TP giao cho công ty làm dự án công ích. Ngay lập tức, các hộ dân khiếu nại đến chính quyền địa phương, nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Họ tiếp tục khiếu nại đến UBND TP.HCM đề nghị Công ty Xây lắp và vật tư xây dựng 4 trả lại đất. 

Vụ việc kéo dài nhiều năm, các hộ dân vẫn chưa đòi được đất và “giật mình” khi biết Công ty Xây lắp và vật tư xây dựng 4 báo cáo không trung thực với UBND TP: “đã đến bù cho người dân”. Do đó, năm 2003, UBND TP.HCM ban hành các quyết định bác đơn khiếu nại của người dân với lý do các hộ dân đã được công ty đền bù xong. Cụ thể, ông Hùng được đền bù: 60.000 đồng/1.919m2 đất; ông Ba: 86.000 đồng/1.700m2 đất; ông Liếp: 690.000 đồng/3.500m2 đất; bà Năm: 100.000 đồng/2.500 m2 đất.

Du an Binh An Pearl duoc cap phep xay dung tren dat... chua den bu
Bảng công trình dự án bị người dân giật sập

Không đồng tình với quyết định giải quyết của UBND TP, các hộ dân đồng loạt gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng trung ương và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tố cáo Công ty Xây lắp và vật tư xây dựng 4 chiếm đoạt tài sản. 

Năm 2005, Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) vào cuộc. Sau nhiều năm kiểm tra, xác minh, Thanh tra Bộ TNMT kết luận, đất của người dân sử dụng trước đây là hợp pháp; chưa có đủ cơ sở cho thấy công ty đã đền bù cho người dân; đề nghị UBND TP kiểm tra lại vụ việc giải quyết cho người dân. Cùng thời điểm này, Công an TP.HCM có kết luận điều tra, khẳng định: “Không đủ cơ sở kết luận Công ty Xây lắp và vật tư xây dựng 4 đã giao tiền đền bù cho các hộ dân”. 

Thế nhưng sau đó, vụ việc vẫn không có nhiều biến chuyển. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại giải quyết thủ tục cho Công ty Xây lắp và vật tư xây dựng 4 chuyển nhượng khu đất cho SSG Bình An. Lập tức đơn vị này xin chuyển đổi quyền sử dụng đất để làm dự án nhà ở cao tầng.

Du an Binh An Pearl duoc cap phep xay dung tren dat... chua den bu
Người dân bức xúc phản đối khi biết dự án Bình An Pearl đã được cấp phép xây dựng

Cùng lúc này, các hộ dân quyết định khởi kiện UBND TP đến Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM. Kết quả, sau 32 năm khiếu nại, tòa sơ thẩm TAND TP.HCM nhận định việc UBND TP bác đơn khiếu nại của người dân là không có cơ sở và tuyên hủy quyết định của UBND TP. Không đồng ý, UBND TP kháng cáo, khoảng giữa năm 2017, tại ba phiên tòa xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM đều tuyên y án sơ thẩm. 

Điều đáng nói, dù bản án của tòa đã tuyên và có hiệu lực, nhưng lúc này, Sở Xây dựng TP.HCM vẫn cấp giấy phép xây dựng cho SSG Bình An để khởi công xây dựng chung cư Bình An Pearl. 

Cấp phép dự án trên đất đang khiếu kiện là không trái luật? 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khu đất liên quan đến vụ khiếu kiện đã đươc tòa án thụ lý và tuyên người dân thắng kiện, các cơ quan chức năng đều biết, nhưng vẫn xúc tiến việc cấp phép cho chủ đầu tư xây dựng dự án.

Cụ thể, TAND TP.HCM chính thức thụ lý vụ kiện khoảng giữa năm 2014 thì cuối năm 2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc cho dự án Bình An Pearl. Khoảng đầu năm 2016, tòa sơ thẩm TAND TP.HCM tuyên người dân thắng kiện thì cuối năm 2016, Sở TNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án. Khoảng giữa năm 2017, tòa phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên người dân thắng tiếp thì tháng 8/2017, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho dự án. 

Được biết, trước khi cấp giấy phép xây dựng cho SSG Bình An, cơ quan cấp phép đã tham vấn qua Sở Tư pháp. Sở Tư pháp TP vẫn kiến nghị vẫn cấp giấy phép xây dựng cho SSG Bình An. Đồng thời, Sở Tư pháp kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở TNMT nghiên cứu bản án phúc thẩm, tham mưu cho UBND TP có văn bản kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Trường hợp không có cơ sở đề nghị kháng nghị thì Sở TNMT tham mưu cho UBND TP thực hiện bản án. 

Tuy nhiên, theo các hộ dân, đến nay, gần nửa năm sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, UBND TP vẫn chưa thi hành bản án của tòa. Trong khi đó, việc cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư dự án Bình An Pearl sau khi bản án đã được tuyên khiến người dân và chủ đầu tư mâu thuẫn quyền lợi, xung đột gay gắt. 

Cách nay khoảng nửa tháng, sau khi được cấp giấy phép, SSG Bình An đã cho dựng hàng rào quây khu đất lại và dựng bản công trình lên, đưa máy móc vào thi công dự án. Lập tức, bốn hộ dân đã huy động người đến phản đối, giật sập bảng công trình, đòi đốt máy móc thiết bị. Rất may lực lượng công an có mặt kịp thời nên không xảy ra ẩu đã. Sau đó, các hộ dân tiếp tục nhiều lần kéo đến phản đối đòi chủ đầu tư trả đất khiến vụ việc thêm căng thẳng.

“Tại sao vụ việc đã được tòa tuyên án, các cơ quan chức năng vẫn cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư khiến vụ việc càng phức tạp hơn? Phải chăng họ muốn biến vụ việc đã rồi để “ép” chúng tôi?” - một hộ dân bức xúc.

Nhận định của tòa án là không đúng, không có cơ sở pháp luật

Nhận định của hai cấp TAND TP.HCM và TAND cấp cao tại TP.HCM là không có cơ sở pháp luật, chưa phản ánh đúng bản chất của vụ việc, các tình tiết khách quan có tại hồ sơ. 

Sở Tư pháp TP.HCM

Án đã tuyên, đất đã trả cho người dân thì không thể cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư

Theo quy định của Luật Đất đai, khi đất đai đang có tranh chấp, phải dừng giải quyết các thủ tục cấp giấy chủ quyền và các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, vụ việc này là  vụ kiện hành chính, không phải vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất của dự án và khu đất chính là đối tượng liên quan đến vụ kiện. Theo quy định, dự án chỉ được cấp giấy phép xây dựng khi hoàn tất các nghĩa vụ liên quan, trong đó có nghĩa vụ đền bù giải tỏa. Trong khi vụ việc trên đã được tòa tuyên hủy quyết định bác đơn khiếu nại của UBND TP. Có nghĩa, quyền sở hữu khu đất trên đã trả lại cho người dân thì không thể cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư. 

Luật sư Đoàn Việt Thắng (Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận)

Phan Trí - Ngọc Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI