Tháng 4/2012, UBND TP.HCM đã ký tắt với Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) để làm cơ sở pháp lý cho việc xây Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mới với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.130 tỷ đồng. Sáu năm trôi qua, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình hiện hữu vẫn “gồng mình” với tình trạng quá tải, còn dự án bệnh viện mới vẫn chỉ là một bãi đất hoang.
Thiếu từ phòng mổ đến chỗ gửi xe
Sáng 19/3, có mặt tại Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình (CTCH - Q.5, TP.HCM), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sự ngột ngạt, quá tải. Tại khoa Cấp cứu, dòng người đông nghẹt đứng chen chúc từ lề đường đến tận bên trong khu vực khám, chữa bệnh. Cứ mỗi lần có băng-ca bên ngoài kéo vào, dòng người phải đứng nép vào, thậm chí giẫm chân nhau.
|
Bệnh nhân ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình phải nằm ngoài hành lang do không đủ phòng |
Đưa tay quệt mồ hôi, chị Nguyễn Thị Sinh (quê Long An) lắc đầu: “Biết BV đông người, vợ chồng tôi đã chạy xe máy từ quê lên lúc 3g sáng. Chờ từ sáng đến trưa vẫn chưa được khám. Khám đã lâu, chờ mổ càng lâu hơn. Như trường hợp của tôi, sau khi xét nghiệm, phải chờ vài ngày mới được mổ. Có người bị hẹn đến cả tuần. Bệnh nhân đông quá, đành chịu”.
Nhiều bệnh nhân ở các tỉnh đến BV CTCH khám cho biết, do các phòng khám, phòng mổ đều quá tải nên họ bị hẹn lịch nhiều ngày, phải chấp nhận tốn tiền thuê trọ. Được biết, mỗi ngày, BV CTCH đón hàng ngàn bệnh nhân đến khám và điều trị. Bệnh nhân đổ về ngày một đông, trong khi diện tích BV vẫn như cũ nên luôn quá tải.
Xây mới Bệnh viện càng sớm, càng tốt
Mỗi ngày, BV CTCH đón khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị nên luôn quá tải; các phòng bệnh, phòng mổ, phòng khám đều xuống cấp, chật chội. Khi chưa có BV mới, bệnh nhân chờ khám lâu hơn, bệnh nhân nhập viện phải nằm hành lang, thời gian chờ mổ kéo dài; nạn móc túi, môi trường dơ bẩn cũng gây nhiều bức xúc. Nếu có BV mới, bệnh nhân sẽ có một không gian thoáng mát hơn trong khi chờ đợi để khám, để mổ; phòng ốc, giường nằm, phòng mổ sẽ sạch sẽ, vệ sinh.
Chúng tôi chỉ là đơn vị thụ hưởng nên không rõ vì sao dự án BV CTCH lại chậm triển khai. Hơn ai hết, Ban giám đốc BV CTCH luôn mong mỏi dự án xây mới BV sẽ thành hiện thực, càng sớm càng tốt. Khi có BV mới, người dân đến khám sẽ tin tưởng BV hơn, BV cũng dễ dàng phát triển chuyên môn, phát triển đào tạo chuyên ngành CTCH cho các tỉnh phía Nam.
Ông Phan Quang Trí - Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình
|
Một bác sĩ (xin giấu tên) đang công tác tại BV CTCH chia sẻ: “Đặc thù của BV này là có rất nhiều bệnh nhân bị cột sống, gãy chân tay... Đã vậy, lối đi trong BV lại nhỏ hẹp, người ngồi la liệt nên bệnh nhân đi lại rất khó khăn. Đất chật người đông nên phải chịu vậy. Nếu như có một khuôn viên rộng hơn, chúng tôi sẽ phục vụ bệnh nhân tốt hơn”.
Dù đã hơn 10 giờ trưa, nhưng các phòng khám bệnh ở đây vẫn đông nghẹt người. Mỗi phòng khám rộng chỉ hơn chục mét vuông nhưng phải gồng mình chứa hàng chục bệnh nhân, những người còn lại phải xếp hàng đợi ở hành lang.
Khu khám bệnh đã quá tải, ở các khu điều trị nội trú càng ngột ngạt hơn. Do không đủ chỗ, nhiều bệnh nhân buộc phải nằm giường tạm ngoài hành lang dưới tiết trời oi bức; người nhà bệnh nhân cũng phải trải chiếu, giăng võng nằm vạ vật ở hành lang.
Anh L.T.H. (quê Nghệ An) đang điều trị tại đây cho biết, đã phải nằm điều trị ở hành lang bốn ngày qua do không có phòng, không có giường. Nằm ở hành lang rất nóng, không có quạt, lại phải nằm cố định một chỗ nên nhiều người bị rộp da và nhiều người phải xin bác sĩ cho xuất viện “non”.
Không chỉ vậy, người dân đến BV CTCH còn thiếu chỗ gửi xe, buộc phải gửi xe ở bên ngoài, chấp nhận bị “chặt chém”. 9g ngày 19/3, chúng tôi đến bãi giữ xe BV CTCH, nhân viên ở đây thông báo đã hết chỗ. Vòng qua bên kia đường, vào một điểm gửi xe, chúng tôi bị “chém” 8.000 đồng/lượt. Thế nhưng, hàng chục người vẫn đứng xếp hàng để được gửi xe ở bãi này vì không còn chỗ gửi nào khác.
Mỏi mòn trên “khu giải tỏa”
Dự án BV CTCH (tại xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) với quy mô 500 giường bệnh trên diện tích 7.500m2 được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán quá tải của BV hiện hữu. Nhưng đến nay, dự án này vẫn chỉ là một bãi đất hoang.
Sáng 20/3, chúng tôi chạy xe dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh đến khu vực ấp 4B, xã Bình Hưng để tìm hiểu về dự án BV CTCH. Khi chúng tôi hỏi về khu đất sẽ xây dựng BV, người dân đều tỏ ra bất ngờ vì... chưa từng biết dự án này. Mãi đến gần trưa, chúng tôi mới được một người dân địa phương tên Võ Sen (53 tuổi) hướng dẫn đến “khu giải tỏa”.
Ông Sen ngao ngán: “Tôi có ông anh họ đang sống trong khu giải tỏa. Nói là giải tỏa nhưng vẫn còn người ở đó. Chuyện giải tỏa đã có gần chục năm nay rồi, nhưng người được đền bù, người mỏi mòn đợi. Giải tỏa nửa vời nên người dân sống trong đó khổ lắm”.
Theo hướng dẫn của ông Sen, chúng tôi tìm đến “khu giải tỏa” nằm cách giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng chừng một cây số. Băng theo con đường đất, đá lởm chởm, chúng tôi vào khu dân cư chỉ còn lưa thưa hộ dân. Hai bên đường, nhiều căn nhà bê tông bị đập nham nhở, có vài thanh niên thập thò bên trong với vẻ mặt lấm lét.
|
Đường vào “khu giải tỏa” ấp 4B, xã Bình Hưng |
Chúng tôi gõ cửa căn nhà nằm chỏng chơ trong “khu giải tỏa”, một người đàn bà ngoài 60 tuổi bước ra, đứng nép sau khung cửa sắt bắt chuyện với vẻ mặt đầy hoài nghi. Sau một lúc trò chuyện, biết chúng tôi đến tìm hiểu về dự án BV CTCH, bà mới dám kéo hé cửa ra đứng trò chuyện. Bà tự giới thiệu tên Sáu, sống ở “khu giải tỏa” hơn 20 năm. Gần 10 năm nay, khu đất bà Sáu đang sống bắt đầu quy hoạch, nhiều nhà dọn đi, gia đình bà và một số người khác chưa nhận được tiền nên vẫn phải bám lại.
Bà Dương Thị Mạc Lên (66 tuổi) mua đất giấy tay ở ấp 4B vào năm 2002, đến năm 2010 thì nhận được tin khu đất mình mua nằm trong diện giải tỏa. Đến nay, người chủ bán đất ở ngay bên cạnh đã nhận được tiền đền bù với mức giá 15 triệu đồng/m2, nhưng bà Lên vẫn chưa được đền bù. Hiện, căn nhà bà đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không được sửa chữa, xây mới, do nằm trong khu quy hoạch. Bà Lên cũng không rõ trường hợp “giấy tay” như bà có được bồi thường đúng giá hay không.
Chỉ vào chiếc bàn dựng lên bằng mấy viên gạch và tấm ván cũ, bà Lên cho biết: “Tất cả ở đây đều tạm bợ, vì không biết phải dọn đi lúc nào. Bây giờ địa phương giải tỏa, đền bù giá cả phù hợp, đủ để đi nơi mới sống, chúng tôi chấp nhận đi liền. Không ai muốn ở trong khu quy hoạch “treo” đâu. Cứ mời họp tới, họp lui nhưng chưa có gì cụ thể, chúng tôi làm sao đi được”.
Bà P.T.L. cho biết, chủ trương giải tỏa đất để xây BV CTCH có từ năm 2010; đến năm 2014, gia đình bà đã ký biên bản bàn giao đất để thực hiện dự án, nhưng chờ mãi đến nay, vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, nên vẫn phải ở lại. Sốt ruột, bà nhiều lần đến trụ sở ủy ban xã hỏi thăm, nhưng vẫn chưa có thông tin gì cụ thể.
Chây ì đền bù, giải tỏa
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án xây mới BV CTCH được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương vào năm 2010. Năm 2011, chủ đầu tư đã thiết kế dự án với tổng diện tích xây dựng khoảng 5.000m2, sau đó dự án tăng quy mô lên hơn 7.000m2.
Tháng 4/2012, UBND TP.HCM đã ký tắt với Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa hợp đồng BT để làm cơ sở pháp lý cho việc xây BV CTCH mới tại khu 6A, ấp 4B, xã Bình Hưng. BV CTCH mới dự kiến sẽ là một cao ốc 12 tầng nổi, một tầng hầm, có quy mô 500 giường bệnh, thời gian thi công dự kiến là 32 tháng tính từ thời điểm được bàn giao mặt bằng.
Thế nhưng, đến gần giữa năm 2014, UBND H.Bình Chánh mới duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án này. Đến nay, sau 6 năm khởi động, khu đất BV CTCH vẫn vướng khâu giải tỏa đền bù và chưa biết khi nào sẽ khởi công.
UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản gửi chủ đầu tư và UBND H.Bình Chánh, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, giải quyết các vướng mắc để sớm khởi công dự án. Trong đó, năm 2016, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung huy động mọi giải pháp để khởi công dự án trong tháng 12/2016, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018.
Tiếp đó, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo phải tìm phương án tháo gỡ vướng mắc để sớm khởi công dự án BV CTCH. Theo cập nhật của Sở Y tế TP.HCM về danh mục dự án đầu tư, dự kiến BV CTCH sẽ khởi công vào quý II/2017. Nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa thể khởi công do khâu đền bù, giải tỏa ì ạch.
Huyện Bình Chánh “treo” câu trả lời
Ngày 7/3, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã liên hệ với văn phòng UBND H.Bình Chánh để tìm hiểu thông tin về việc ì ạch giải tỏa, đền bù dự án BV CTCH. Tiếp chúng tôi, ông Phạm Nhật Trường - Chánh văn phòng UBND H.Bình Chánh - cho biết, sẽ trình lên Thường trực UBND huyện để giao cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh trả lời thông tin cho phóng viên sớm nhất có thể.
Nhiều ngày sau, khi chúng tôi liên lạc với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh, đại diện đơn vị này cho biết, đã tiếp nhận câu hỏi và trả lời xong thông tin, nhưng do chưa thấy “bút phê” của UBND H.Bình Chánh nên chưa thể gửi câu trả lời cho phóng viên.
Ngày 17/3, phóng viên liên hệ với ông Phạm Nhật Trường, ông này cho biết, đã đề nghị Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh gửi câu trả lời lên để UBND huyện xem xét trả lời. Đến chiều 22/3, UBND H.Bình Chánh vẫn chưa có câu trả lời liên quan đến vụ việc.
|
Sơn Vinh