Dự án bán xong, hạ tầng, tiện ích... biến mất

08/10/2017 - 08:08

PNO - Khoảng gần một năm sau khi dự án bán xong, bất ngờ Công ty Hương Sen đề nghị các tiểu thương thanh lý hợp đồng, trả sạp. Nhiều người chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, công ty đã ngưng toàn bộ hoạt động chợ.

Khi bán nền dự án, chủ đầu tư “vẽ” đầy đủ hạ tầng, tiện ích: chợ, đường kết nối... nhưng khi bán xong, họ ngang nhiên “lật kèo”, tháo dỡ hết, mặc khách hàng phản đối. Vụ việc xảy ra tại khu dân cư Hương Sen (P.An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). 

Bán xong, “lật kèo” 

Phản ánh đến báo Phụ Nữ, gần 100 khách hàng mua nền dự án khu dân cư Hương Sen do Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây dựng Hương Sen (Công ty Hương Sen) làm chủ đầu tư cho biết, năm 2015, họ được công ty giới thiệu dự án có đầy đủ hạ tầng, tiện ích như: điện, nước, chiếu sáng, cây xanh... 

Du an ban xong, ha tang, tien ich... bien mat
Chợ thực phẩm An Bình được chủ đầu tư vẽ ra khi bán cho dân

Đặc biệt, để tăng thêm giá trị dự án, Công ty Hương Sen sẽ xây dựng một ngôi chợ ở khu vực trung tâm với hơn 100 ki-ốt. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ xây dựng, kết nối một số con đường nội bộ của dự án với trục đường Lê Trọng Tấn (đường giao thông chính trong khu vực). 

Thấy hấp dẫn, nhiều khách hàng đặt mua. Không bao lâu sau, hạ tầng kỹ thuật, chợ, đường kết nối... được chủ đầu tư triển khai thực hiện rầm rộ đúng như cam kết. Chỉ sau đó vài tháng, các công trình được thực hiện xong. Một ngôi chợ hoành tráng được đặt tên chợ thực phẩm An Bình. Nền đất xung quanh chợ và hai bên đường nội bộ kết nối với đường chính có giá nhỉnh hơn các nền còn lại vẫn được khách hàng ưu tiên chọn mua. Đồng thời, nhiều khách hàng nhanh chóng ký hợp đồng với công ty, thuê sạp buôn bán.  

Tuy nhiên, khoảng gần một năm sau khi dự án bán xong, bất ngờ Công ty Hương Sen đề nghị các tiểu thương thanh lý hợp đồng, trả sạp. Nhiều người chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, công ty đã ngưng toàn bộ hoạt động chợ. Đồng thời, công ty dùng lưới sắt rào chắn xung quanh chợ. Chợ ngưng hoạt động khiến việc kinh doanh, buôn bán của các hộ mua nền đất xung quanh “chết yểu”. “Thấy vị trí thuận lợi, có điều kiện phát triển kinh doanh, tôi mới bỏ tiền mua nền đất ở đây dù giá bán khá cao. Nếu biết dự án không có chợ tôi mua làm gì” - khách hàng N. bức xúc.

Chưa dừng lại, trong lúc các khách hàng đang khiếu nại việc chợ đóng cửa vô cớ, bất ngờ một phần con đường nội bộ kết nối với đường chính trong khu vực bị rào chắn. Vài ngày sau, các xe cẩu được điều đến phá bỏ đoạn đường kết nối này. Những lô đất có vị trí “đắc địa” nhất dự án, nay giá trị giảm sút nghiêm trọng. Theo anh V. (khách hàng mua nền đất gần đoạn đường kết nối ra đường chính), trước đây, chủ đầu tư bán cho anh 30 triệu đồng/m2. Nhìn thấy viễn cảnh tươi sáng, hấp dẫn của dự án, anh vay mượn thêm gần 500 triệu đồng để đủ tiền mua. Từ khi đoạn đường bị phá bỏ, anh rao bán lỗ vẫn không ai đoái hoài. 

Thua kiện đối tác, mặc kệ khách hàng thiệt thòi? 

Nhiều khách hàng khiếu nại Công ty Hương Sen, đề nghị đơn vị này khôi phục chợ và con đường, đồng thời, kêu cứu đến UBND P.An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. Công ty Hương Sen cho rằng, việc phá bỏ con đường là bất khả kháng. Cư dân sinh sống ở đây có thể lưu thông trên các tuyến đường khác ra đường chính. 

Về việc đóng cửa chợ An Bình, Công ty Hương Sen giải thích, do việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, khiến các tiểu thương ở chợ An Bình kinh doanh không hiệu quả và số đông trả lại sạp vì không buôn bán được. Vì vậy, công ty phải chấm dứt hoạt động chợ để... giữ gìn trật tự công cộng, phòng ngừa tệ nạn xã hội. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc Công ty Hương Sen phải phá bỏ đoạn đường là do thua kiện đối tác của mình. Cụ thể, vào tháng 4/2017, do bất đồng trong quá trình hợp tác làm ăn, Công ty Hương Sen đã khởi kiện Công ty TNHH đầu tư Sài Gòn Việt Mỹ (Công ty Sài Gòn Việt Mỹ - trụ sở tại P.13, Q.4, TP.HCM) ra tòa.

Kết quả, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên buộc Công ty Hương Sen kết hợp Công ty Sài Gòn Việt Mỹ rào chắn và phá bỏ một phần đoạn đường kết nối ra đường chính. Bởi, phần đoạn đường này nằm trên phần đất của Công ty Sài Gòn Việt Mỹ. 

Trong khi đó, công trình chợ An Bình được UBND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương chấp thuận cho xây dựng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND thị xã Dĩ An chỉ đồng ý cho Công ty Hương Sen xây dựng chợ tạm, hoạt động trong vòng ba năm.  

Ngoài ra, theo hồ sơ chúng tôi có được, một phần diện tích xây dựng khu chợ trên thuộc sở hữu của Công ty Sài Gòn Việt Mỹ. Sau khi xây chợ xong với 126 ki-ốt, Công ty Hương Sen ký hợp đồng thu tiền cọc thuê sạp mỗi tiểu thương 13 triệu đồng. Sau đó Công ty Sài Gòn Việt Mỹ không đồng ý giao mặt bằng để hoàn thiện công trình nên Công ty Hương Sen phải trả lại toàn bộ tiền cọc cho tiểu thương là 1.638.000.000 đồng. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương, việc Công ty Hương Sen không được đối tác giao mặt bằng làm chợ và bị thua kiện phải phá bỏ con đường, trả lại đất cho đối tác là quan hệ dân sự giữa hai bên. Việc này không liên quan đến khách hàng.

Trong quá trình mua bán, Công ty Hương Sen đã ký kết hợp đồng với khách hàng, thể hiện mình là chủ đầu tư dự án. Có nghĩa là đơn vị này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về pháp lý dự án. Do đó, việc công ty không thực hiện cam kết với khách hàng khi mua bán, công ty phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, chợ An Bình chỉ được UBND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho xây chợ tạm, hoạt động trong vòng ba năm, nhưng khách hàng không được công ty tư vấn ngay từ đầu là có dấu hiệu gian dối trong mua bán. Nếu khách hàng có đủ bằng chứng cho thấy chủ đầu tư đã thực hiện không đúng như cam kết khi mua bán, không đúng như quy hoạch được duyệt, có thể khởi kiện chủ đầu tư đề nghị bồi thường thiệt hại. 

Phan Trí - Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI