“Chủ xị” là những bà mẹ, ông bố “bỉm sữa”
Đây là dự án phi lợi nhuận, từ ý tưởng của Nguyệt Ca - cô giáo dạy tiếng Anh ở Hà Nội, cũng là ca sĩ có tiếng trong cộng đồng người yêu nhạc Trịnh. Vũ Chung - nhân viên ngân hàng mê dịch thuật, bạn thân của Nguyệt Ca - đã dịch các ca khúc thiếu nhi nổi tiếng như Cho con (nhạc Phạm Trọng Cầu, thơ Tuấn Dũng) và Cánh én tuổi thơ (nhạc sĩ Phạm Tuyên) sang tiếng Anh. Từ năm 2018 đến 2020, Nguyệt Ca đem hai ca khúc này đi biểu diễn giao lưu ở một số trường học, hội thảo về giáo dục và được hưởng ứng nồng nhiệt.
Cuối năm 2020, Nguyệt Ca thu âm ca khúc song ngữ đầu tiên - Cho con - làm quà tặng sinh nhật con trai, không ngờ nhận được phản hồi tích cực của bạn bè trên mạng. Khi ca khúc thứ hai Cánh én tuổi thơ ra mắt được rất nhiều người truyền tay nhau, hai người quyết định biến nó thành một dự án dài hơi và đặt tên là BSK.
Sau đó, Đinh Thu Hồng (giáo viên tiểu học đang ở bang Georgia, Mỹ, tác giả hai cuốn sách bestseller của Nhã Nam Học kiểu Mỹ tại nhà và Học STEM kiểu Mỹ tại nhà) cũng gia nhập nhóm. Mới đây, Nguyễn Thoại Tú Chi - một bà mẹ bỉm sữa, làm công việc thiết kế tự do đang sinh sống ở TP.HCM - cũng xin gia nhập dự án, đảm nhận toàn bộ phần đồ họa và video từ ca khúc thứ năm trở đi.
|
Những gương mặt “chủ xị” của dự án BSK (từ trái qua phải, trên xuống dưới: Nguyệt Ca, Vũ Chung, Đinh Thu Hồng, Nguyễn Thoại Tú Chi) |
Đến nay, BSK đã cho ra mắt năm ca khúc gồm Cánh én tuổi thơ, Cho con, Chỉ có một trên đời (nhạc sĩ Trương Quang Lục), Trái đất này là của chúng mình (Trương Quang Lục), Tuổi đời mênh mông (Trịnh Công Sơn).
Các ca khúc được làm mới bằng cách phối khí theo lối acoustic qua tiếng đàn guitar tươi vui, mộc mạc của TCP Band và giọng hát Nguyệt Ca. Ngoài lời Việt, các ca khúc có thêm phần lời tiếng Anh, do Vũ Chung và Đinh Thu Hồng chuyển ngữ.
Dự án BSK dựa vào các ngày lễ hoặc dịp đặc biệt trong năm để ra mắt như một món quà dành cho các em nhỏ. Chẳng hạn, Cánh én tuổi thơ ra đúng mùng Một tết âm lịch vừa qua, Chỉ có một trên đời (Ngày của mẹ 9/5), Trái đất này là của chúng mình (Quốc tế thiếu nhi 1/6, Ngày môi trường thế giới 5/6). Nhóm đang thực hiện thêm ca khúc Đi học (phát hành vào ngày khai trường sắp tới 5/9), Chiếc đèn ông sao (tết Trung thu 21/9), Bụi phấn (20/11), Ngày tết quê em (tết Nguyên đán 2022)…
Nguyệt Ca cho biết, yếu tố quan trọng nhất khi chọn ca khúc là bài đó có chuyển ngữ được không. Có những bài rất hay, nhưng dịch được một nửa đành phải dừng vì khó quá, hoặc có những đoạn không thể chuyển ngữ, nhất là những ca khúc có yếu tố văn hóa, vùng miền… Như bài Bà còng đi chợ trời mưa, hoặc những bài dân ca Nam bộ cũng rất khó để chuyển ngữ.
Ca khúc Cho con:
Những bài hát được chọn có ngôn ngữ đại chúng, dễ chuyển, người nước ngoài nghe cũng hiểu được. “Có những bài không còn phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại như “Đây cầm đèn sao sao chiếu vô Nam. Đây ánh hòa bình đuổi xua loài xâm lăng” trong ca khúc Chiếc đèn ông sao, chúng tôi phải xin phép nhạc sĩ Phạm Tuyên được dịch thoáng đi”, người hát chính của nhóm dí dỏm.
Từ tháng 7/2021, sau khi phát hành ca khúc Tuổi đời mênh mông, nhóm quyết định phát triển song song thêm một dự án khác, dành cho các bạn trẻ tên là “Nhạc Trịnh Công Sơn song ngữ Việt - Anh” (Vie-En Trịnh).
Làn gió ngược dòng
Thời dịch bệnh, công chúng (đặc biệt là công chúng nhỏ tuổi) “khát” các chương trình nghệ thuật vừa có tính giải trí vừa có tính giáo dục, sự ra đời của BSK như một “làn gió mát mùa hè”. Vừa chơi vừa học là phương châm của những bà mẹ, ông bố khởi sinh dự án này. Họ làm dự án trước hết cho “đám trẻ nhà mình”, sau nữa là những đứa trẻ đã quên mất kho tàng âm nhạc thiếu nhi Việt Nam - vốn có nhiều ca khúc rất hay.
“Ngay từ lúc con còn nhỏ, tôi đã tìm các bản thu âm bài hát thiếu nhi hay nhưng không dễ. Trong khi đó, các game show, chương trình truyền hình lại đậm tính giải trí và thị trường quá; hoặc ở các màn trình diễn, các em học thanh nhạc sớm, bị gò vào những lối hát mô phạm, nghe không ra sự hồn nhiên của trẻ em. Chúng ta thiếu những bài hát hay, mới mẻ cho các em”, Nguyệt Ca nhớ lại.
Giờ đây, đa số trẻ em đều được học tiếng Anh từ nhỏ. Phần tiếng Anh đi kèm phần tiếng Việt ở các ca khúc giúp trẻ dễ yêu thích bài hát đó hơn. Có một điều bất ngờ thú vị là những phản hồi tích cực từ những ông bố, bà mẹ ở xa Tổ quốc. Họ đang rất băn khoăn việc làm sao để giữ gìn tiếng Việt cho con, họ không biết truyền lại văn hóa Việt Nam như thế nào. BSK trở thành cầu nối, một kênh hữu ích để học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Ca khúc Cánh én tuổi thơ:
Theo Nguyệt Ca, học tiếng Anh qua bài hát không mới, nhưng đa số trẻ em Việt hiện đang được học/nghe chủ yếu là những ca khúc thiếu nhi nước ngoài. Chị hay nói vui, các bé bây giờ thuộc Baby Shark nhiều hơn là Cả nhà thương nhau. Các em xem YouTube suốt ngày, nghe và học thuộc những ca khúc thịnh hành của người lớn nhưng lại không biết/ thuộc những ca khúc dành cho lứa tuổi mình.
Bên cạnh việc làm mới những ca khúc cũ để các em nhỏ ngày nay yêu thích và cảm thấy gần gũi, ta đang thiếu những sáng tác mới dành cho các em. “Cũng có người này người kia viết nhưng nổi lên như một hiện tượng, trẻ con cả nước đều biết và hát theo thì chưa”. Nguyệt Ca nói, kho tàng âm nhạc thiếu nhi Việt Nam rất phong phú, nhưng để tiếp nối dòng chảy đó không phải là việc dễ dàng. Đó là trách nhiệm của người lớn chúng ta.
Cốc Vũ