PNO - Đã quá hạn 3 năm, song chủ đầu tư vẫn không triển khai dự án. Hơn 1.000ha đất bị bỏ hoang trong khi người dân không có đất làm ăn, phát triển kinh tế.
Hơn 9g sáng, trong căn nhà dựng tạm bằng tôn của chị Phan Thị Hoàn - xóm Tân Sơn, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - đã ngột ngạt vì nắng. Chị bảo, trời nóng, đêm ngủ thường không được yên giấc, vợ chồng chị nhiều lần tính xây lại căn nhà cho cao ráo tươm tất. Nhưng không được, xã không cho xây nhà kiên cố, chỉ cho dựng nhà tạm. Đành chịu. Chỉ thương mấy đứa nhỏ. Đêm nào nóng quá thì vợ chồng con cái kéo nhau ra ngoài sân nằm cho mát.
Đất vườn rộng mênh mông, nhưng người dân xóm Tân Sơn (xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chưa thể mạnh dạn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn
5 năm trước, chị Hoàn mua lại mảnh đất hơn 1ha với giá 260 triệu đồng ở xóm Tân Sơn để vừa ở vừa trồng keo, chăn nuôi, phát triển sản xuất. Đất chưa có sổ đỏ, nhưng chủ trước đã khai hoang, sinh sống ổn định từ lâu, nên vợ chồng chị đánh liều mua, vì chừng đó tiền thì không thể mua được mảnh đất rộng vừa để ở vừa canh tác ở nơi khác.
Cũng tại xóm Tân Sơn, anh Phan Văn Huyền cho biết, khu vực này trước đây vốn hoang vu, không có người sinh sống. Năm 1991, gia đình anh cùng nhiều gia đình khác đến khai hoang trồng ngô, khoai, sắn… phát triển kinh tế. Rồi dân đến ngày một đông, thành khu dân cư đông đúc. Đến năm 2003, một tập đoàn về khảo sát làm dự án nuôi bò, nhưng sau khi thống nhất giá cả đền bù với dân thì không thấy trở lại thực hiện dự án nữa. Người dân nhiều lần đề nghị cấp sổ đỏ để ổn định cuộc sống, nhưng mãi vẫn chưa được. Đất vườn mênh mông, song bà con không thể cất nhà, xây chuồng trại để phát triển chăn nuôi, vì vướng quy hoạch dự án. Đất đai cũng vì thế mà bị bỏ hoang nhiều năm qua.
10 năm sau, năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch dự án Trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng nhằm tạo việc làm cho người dân trong khu vực và góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn, ổn định sản xuất nông, lâm nghiệp. Dự án được quy hoạch hơn 1.220ha (73,89ha đất nông nghiệp, 1.100ha đất lâm nghiệp và 38,67ha đất thổ cư) ở xã Tân Thành và Tiến Thành, huyện Yên Thành, do Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện là 36 tháng. Nhưng đến nay đã 10 năm, dự án vẫn chưa thực hiện một công đoạn nào.
Ông Phạm Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Tân Thành - cho biết, xã này có hơn 70 hộ dân nằm trong quy hoạch dự án. Trong đó, 34 hộ thuộc diện di dân làm kinh tế mới theo chủ trương khuyến khích của huyện đang chịu rất nhiều khó khăn, thiệt thòi. “Vì vướng quy hoạch dự án nên đến nay những hộ dân này vẫn chưa làm được sổ đỏ, cũng không được xây dựng nhà cửa. Nhiều gia đình 3-4 đứa con phải chui rúc trong căn nhà tạm có mấy chục mét vuông, khổ lắm. Trong khi, chính quyền xã thì cứ phải đi kiểm tra việc xây dựng nhà cửa, chuồng trại” - ông Chính nói.
Đề nghị thu hồi dự án
Từng được kỳ vọng sẽ giúp người dân có thêm việc làm ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng thực tế dự án đang làm khổ dân. Để tránh lãng phí tài nguyên đất, UBND xã Tân Thành đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thúc Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào sớm triển khai dự án, trường hợp không triển khai thì phải “khai tử” để dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Với quỹ đất rộng, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn, nhưng hiện dân không được làm.
Nhiều nhà cửa ở xóm Tân Sơn xuống cấp, hư hỏng nặng
Theo ông Phạm Văn Chính, trước khi có dự án Trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng, vùng đất này từng có nhiều tập đoàn về khảo sát để làm dự án trồng cao su, nuôi bò. Riêng với dự án nuôi bò, chính quyền xã đã cắt cử người hỗ trợ chủ đầu tư khảo sát, vận động người dân trong công tác giải phóng mặt bằng hàng tháng trời. Nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được.
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành - cho biết, sau khi được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án, tháng 6/2013, UBND huyện Yên Thành đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến hành kiểm đếm để bồi thường. Nhưng doanh nghiệp không có tiền nên tất cả dừng lại cho đến nay. Năm 2018, dự án được gia hạn tiến độ, chậm nhất đến ngày 30/6/2019 phải hoàn thiện thủ tục giao đất; tiến hành xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch các khu vực cây trồng và tiến hành trồng mới trước ngày 30/12/2020.
“Huyện hối thúc nhiều lần. Mấy tháng trước, công ty nói sẽ làm, nhưng đến nay vẫn không thấy gì. Huyện cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét làm các thủ tục thu hồi dự án, để cơ hội đó cho các doanh nghiệp khác có tiềm năng vào đầu tư, tránh gây lãng phí nguồn lực đất đai” - ông Dương cho hay.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.