COVID-19 làm khô nước mắt
Vườn hoa Tuấn Trang thuộc xóm Hạ, nằm bên Tỉnh lộ 29B chỉ còn vài chậu hồng tỉ muội lưa thưa hoa. Khắp vườn xác xơ, cuối vườn chất đầy gốc cây chết khô, đầu vườn là những cành hồng tỉ muội bị cắt bỏ. Giữa vườn, mẹ con bà Toàn, chị Trang ngồi bên những chậu đất chỏng chơ, bắt đầu ươm những cành tầm xuân mới.
Chị Trang cúi mặt, nói với bà Toàn: “Hai dãy tầm xuân hết 19 triệu đồng tiền cây giống. Vợ chồng con mới trả tiền tối qua”. Bà Toàn bới chậu đất nhão lẩm bẩm: “4.000 đồng/chiếc bầu nhựa, đất cũng mấy nghìn đồng/bầu, lại tiền phân gà, phân trâu, tiền thuốc sâu bọ…”.
Bà Toàn ngước nhìn tôi, ánh mắt buồn buồn: “Dân Mê Linh năm nay khổ lắm, khủng hoảng ấy. Muốn khóc mà có khóc được đâu”. Cũng gắn bó, sống chết với nghề trồng hoa như mọi hộ của thôn Hạ Lôi, gia đình bà Toàn có đôi vợ chồng già và vợ chồng trẻ là lao động chính trên 2 mẫu (7.200m2) đất.
|
Một góc vườn “làm lại từ đầu” của nhà chị Trang |
Nhà bà Toàn, chị Trang chuyên canh các loại hồng nội, ngoại, bán theo bầu, theo chậu. Hỏi COVID-19 gây thiệt hại nhiều không, bà Toàn nghẹn giọng: “Sau vụ hoa tết, nhà tôi đầu tư mấy trăm triệu đồng, đến giờ chưa thu được đồng nào. Những nhà trồng cây bán chậu thì cây chết, sâu bệnh; những nhà trồng hồng, trồng cúc cắt bông thì hoa nở đỏ, nở vàng ruộng mà không ai mua”.
Chị Nguyễn Thị Hương - nhà ở xóm Đường - đang lúi húi nhổ bỏ những cành tầm xuân chết khô. Vườn này chị mới trồng được ít ngày thì Hạ Lôi bị phong tỏa, cây không được tưới tắm, chăm sóc, chết gần hết. Chị Hương nói: “Hết cách ly, ra vườn nhìn hoa, muốn khóc mà không khóc được”.
Chị bảo, như tháng hè này, mọi năm, gia đình chị thu được 15 triệu đồng/tháng, nhưng năm nay chưa thu được đồng nào. Chưa kể, thời tiết ba tháng mùa xuân thuận lợi, lẽ ra mức thu còn cao hơn. Nhổ cây khô vứt bỏ, bầu đất được chị úp xuống tránh mưa to, xói mất đất. Phải đến tháng Tám, chị mới trồng đợt cây mới. Những tháng nóng này không ai chiết cành, ươm cây, vì làm là chết. Chị Hương thở dài: “Chi phí phục hồi lại vườn, phục hồi lại cây cho đến ngày thu hoạch thì vẫn chưa thể tính được”.
Đau nhất là hộ ông Hùng, bà Dung. Cả làng trồng hồng, trồng cúc, chỉ gia đình ông Hùng và vài nhà nữa trồng hoa loa kèn. Tháng Tám năm trước, ông đưa củ đi trồng, đầu tư tiền phân bón, thuốc trừ sâu khoảng 30 triệu đồng/sào (360m2), cả gia đình lụi cụi chăm sóc để đến tháng Ba, tháng Tư năm sau thu hoạch.
Mọi năm, với mỗi sào hoa loa kèn, vợ chồng ông có thể bán được khoảng 50 triệu đồng. Canh tác sáu sào, trừ chi phí, gia đình ông có thể thu về khoảng 100 triệu đồng mỗi vụ (cũng là mỗi năm). Nhưng năm nay, đợt thu hoạch loa kèn đúng thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, ông Hùng mang hoa gửi vào kho lạnh, hy vọng dăm ngày nữa vãn dịch, sẽ chở hoa đi bán. Gửi hoa được ba ngày thì Hạ Lôi phải cách ly. Hoa hỏng, tiền thuê kho lạnh vẫn phải trả.
Giữa cánh đồng chỉ còn lơ thơ cỏ, vợ chồng ông đào củ hoa, mang về gửi kho lạnh chờ đến tháng Tám trồng lại. “28 ngày không được chăm sóc, củ giống đào lên cũng chẳng ra gì” - ông Hùng xót xa.
|
28 ngày không được tưới nước, chăm sóc, những cây tầm xuân trong vườn nhà chị Hương chết gần hết |
Những ngày không quên
Trên ruộng nhà bà Nguyễn Thị Hiền (xóm Đường), những cây hồng có thân to cỡ ngón tay, cao quá đầu người. Càng đến gần, càng thấy xót: 10 bông nở thì cả 10 bông tật nguyền, không cháy đen cũng bị sâu gặm, nhện đốt.
Không cứu vãn được ruộng hoa, bà phải nhổ bỏ cả gốc. Đang nhổ thì có người thuê đi làm, nhìn ruộng hoa chán, gần bốn tháng nay lại không thu được đồng nào, bà Hiền bỏ dở, đi đóng bầu đất thuê để lấy 300.000 đồng/ngày công. Đứng trước vườn hoa của chủ, cả tôi và bà đều lặng đi. Những gốc hồng chỉ còn trơ trụi cành và cành, tiêu điều giống một bãi cây mọc hoang hơn là một vườn hồng ngoại nổi tiếng.
Bà Hiền có năm sào, nhưng ba cô con gái của bà thì thuê đến bảy mẫu đất bên xã Thanh Lâm để trồng hoa. “Hết cách ly, chúng nó sang Thanh Lâm, đứng nhìn vườn mà khóc mếu gọi điện về, bảo “mất hết rồi mẹ ạ”. Bà nói, COVID-19 đúng là thứ tai họa từ trên trời rơi xuống.
Hạ Lôi có hơn một vạn dân, mua bán hoa khắp ba làng bảy chợ, giao tiếp phức tạp hơn xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) rất nhiều, nên phải triệt để cách ly “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, mỗi gia đình được phát giấy để đi mua thực phẩm theo ngày chẵn, lẻ, không ai được đi đâu dù chỉ sang cổng nhà hàng xóm. “28 ngày, từ trong nhà đi ra sân, cùng lắm là đứng ngoài cổng ngóng. Đau đầu vì lo ruộng hoa, đau mỏi chân tay vì đang quen lao động mà phải ngồi nhà. Đúng là chỉ trong thời gian cách ly COVID-19, mới thấy quý những ngày được lao động bình thường, cô ạ” - bà Hiền nói.
|
Bà Thảo, bà Hiền đi đóng bầu đất thuê, kiếm 300.000 đồng/ngày để vực lại những vườn hồng ốm o, bệnh tật |
Cùng làm thuê với bà Hiền là bà Thảo, cũng người xóm Đường. Bà Thảo thật thà: “Trồng hồng, mỗi tháng phải phun thuốc bốn lần: phun để cây phát mầm, phun kích thích, sau là phun trừ nấm, phun trừ sâu hoặc nhện. Không phun đủ bốn kỳ là không bao giờ được thu. Hai vợ chồng già với đứa con đẻ cố trông cả vào ruộng hoa, nên tôi trốn đi phun thuốc lúc nửa đêm.
Vừa mới phun thì mấy chú công an ra tận ruộng “mời bà về cho chúng cháu, bà không nghe loa phát thanh à?”. Tôi ngại quá, cũng trả lời thật là tôi có biết, có nghe, nhưng nhìn ruộng hoa rụng trụi cả lá thế này, tôi xót quá. Các chú ấy bảo: “Bà phun nốt bình thuốc đi, chúng cháu chờ rồi đưa bà về. Chúng cháu linh động vì bà già rồi, chứ trẻ là chúng cháu phạt đấy”.
Rồi bà nói, vẻ ân hận: “Nghĩ cho cùng, các chú ấy làm chặt thế này cũng là vì dân. Đợt ấy, Hạ Lôi liên tục có các ca dương tính, người đi cách ly ùn ùn, có ngày đến bảy, tám xe đưa đi. Riêng Hạ Lôi nhà tôi, đến cả nghìn người đi cách ly ấy”.
Chị Trang, bà Toàn kể, nhà ông Nguyễn Văn Ba (80 tuổi), cùng lúc đi cách ly cả ba gia đình, lớn bé, già trẻ. Là do sáng hôm trước trời mưa, bệnh nhân thứ 259 sang chơi cả buổi, hôm sau chị này nhận thông báo dương tính, nhà ông Ba cũng đi theo. Bà Toàn nhớ rõ: “Trước khi đi cách ly, ông ấy mang gửi đàn gà, mấy con chim. Tôi còn trêu “nhà bác sướng nhé, ông bà, bố mẹ, con cháu được đi ăn cơm Nhà nước nuôi”.
Chị Trang vừa cười, vừa không giấu được sợ hãi: “Trước hôm phát hiện bệnh nhân thứ 260 (chị D.) dương tính, hàng xóm chạy sang trêu “D. ơi, mày bị COVID rồi”. Sát vách thân thiết, nên hai người còn đùa, chạy sang ôm nhau. Hôm sau, chị D. có kết quả dương tính thật, thế là cả nhà hàng xóm cũng phải khăn gói đi cách ly ngay. Đúng là không ai nói trước được gì với COVID. Hàng xóm nhà tôi, những người F1 đi cách ly cũng lo ngay ngáy ấy”.
Mải chuyện, chị Trang bị gai tầm xuân quệt vào tay. Vết xước như kéo chị về thực tại: “Nếu chăm sóc tốt thì may ra hai tháng nữa, hoa bắt đầu cho thu hoạch lại. Thiệt hại thì cũng thiệt hại rồi, giờ chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt, vực lại các ruộng hoa thôi, chứ làm thế nào khác được. Nhìn ra thế giới còn khủng khiếp hơn rất nhiều. COVID-19 là đại dịch cơ mà”.
Ngọc Minh Tâm