|
Điện thoại "iPhone 14" được làm khá chi tiết |
Tháng Bảy âm lịch tôi hay nhớ về ông bà Ba ở cạnh nhà, lúc tôi còn rất nhỏ. Ông làm nghề thầy tụng, mặc áo dài nâu đi tụng khắp nơi, mỗi khi có ai đến thỉnh. Bà Ba chuyên bán giấy tiền vàng bạc và hàng mã (quần áo cô hồn). Tôi hay qua nhà chơi giúp bà ngoáy trầu để bà rảnh tay cắt quần áo và in giấy tiền. Vừa làm, bà vừa kể nhiều chuyện trong đó có chuyện Mục Liên Thanh Đề với 18 tầng địa ngục.
Hồi đó bà không nói “dương sao, âm vậy” nên tôi không hỏi bà sao áo cô hồn nhỏ xíu hay vàng bạc, hàng mã không giống với tiền ba mẹ cho tôi mua bánh chút nào.
Thời gian trôi đi, ông bà Ba đã thành người thiên cổ. Nhiều năm trước, tháng Bảy tôi cũng phải cúng 16 theo tập quán của những người đi trước với suy nghĩ: “Ừ thôi, để anh em yên tâm làm việc, tốn kém chút đỉnh không đáng kể”. Tôi chỉ yêu cầu không quá đáng, tức là không rải nhiều gạo muối, bánh men và nhất là không được đốt nhiều vàng mã. Được một cái là ở chỗ tôi không có lệ đốt hàng mã như xe cộ, nhà lầu, iPhone…
Nhiều người cũng biết, thời xưa ở Trung Hoa, vua chúa, quan lại khi chết đi thì có nhiều người như tỳ, thiếp, tôi tớ phải chết theo (gọi là tùy táng) để tiếp tục hầu hạ người chết. Người ta cũng chôn theo vàng, ngọc để tiêu xài. Dần dần về sau người ta đốt hàng mã để thay người thật, vật thật.
Phật giáo không có pháp môn như vậy. Có dịp đọc một số sách Phật học cơ bản, được hầu chuyện với các sư thầy tôi hiểu trải qua nhiều năm, những hình thức cúng kiếng, thậm chí mê tín đã len lỏi vào đạo Phật. Chẳng phải có câu “Phật cao nhất xích, ma cao nhất trượng” đó sao.
Từ đó, có thể nói đốt vàng mã, hàng mã không phải là pháp môn chánh đạo nhất là trong mùa Vu lan - thời gian theo truyền thống Phật giáo là mùa báo hiếu, mùa xá tội vong nhân. Đa số người ta đốt vàng mã, hàng mã với tâm lý “có cúng có thiêng, có kiêng có lành”. Thấy người ta đốt cúng, mình không đốt, vong hồn người thân thua kém, sẽ không yên. Rồi sợ người thân bên kia thế giới nghèo túng, thua kém hơn. Và theo sau là những câu chuyện có lợi cho nhà sản xuất, như nằm chiêm bao thấy hồn về xin này, xin nọ mà không cúng sẽ bị quấy phá...
Những thân nhân cúng lễ mùa Vu lan, theo một cách nào đó chẳng phải muốn linh hồn những người quá cố, thân nhân của mình cũng như những vong hồn khác tìm về nương dựa cửa Phật hay sao? Nhưng khi Phật dạy buông bỏ tham, sân, si thì những hình hài gợi nhớ những vướng bận trên cõi trần đó liệu có giúp gì được cho những linh hồn trên đường tìm về Phật đạo. Vậy mà nhiều người đốt xe, nhà lầu, biệt thự, điện thoại thông minh... Nhà sản xuất thì đua nhau sáng tạo: iPhone 14 trần gian chưa có chứ địa phủ đã phủ sóng, khách mua xe hơi còn được kèm Giấy chứng nhận đăng ký ô tô... Ôi, đỉnh cao sáng tạo. Mà giá mấy món này đâu rẻ, toàn bạc trăm đến bạc triệu.
Phật pháp dạy, cứu giúp người nghèo khó mới là tích đức để hồi hướng cho người đã mất. Đốt hàng mã chưa bao giờ được công nhận là hình thức lễ cúng của Phật giáo. Không biết bên kia thế giới người thân của họ có nhận được không, có xài được không, nhưng người bán thì tiền thật bỏ đầy túi. Và, tiền thật trong túi ai đó đang tự tay họ mang đi "đốt" cũng là thật.
Nguyễn Huỳnh Đạt