Đột tử do quá tin vào ứng dụng đo huyết áp, nhịp tim trên điện thoại

09/05/2019 - 06:00

PNO - Tin vào ứng dụng đo huyết áp, nhịp tim trên điện thoại di động, máy tập chạy bộ, nhiều người rơi vào tình huống nguy hiểm, thậm chí đột tử.

Trước đây, việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà khá phổ biến trong các hộ gia đình, nhất là gia đình có người lớn tuổi. 3 năm trở lại đây, người trẻ cũng đã ý thức hơn trong việc theo dõi nhịp tim, huyết áp của mình bằng các phần mềm đo nhịp tim, huyết áp trên điện thoại. 

Tuy nhiên, quá tin tưởng vào những ứng dụng này cùng với tìm hiểu về các hướng dẫn về “khoảng huyết áp, nhịp tim an toàn” trên mạng, nhiều người đã rơi vào tình huống nguy hiểm, thậm chí đột tử.

Dot tu do qua tin vao ung dung do huyet ap, nhip tim tren dien thoai
Nhiều người đã phải vào bệnh viện cấp cứu do quá tin vào ứng dụng đo huyết áp, nhịp tim trên điện thoại.

Ngày 14/4, anh P.T.N. (34 tuổi, nhà ở quận 2, TP.HCM) được đưa vào Bệnh viện Quận 2 TP.HCM cấp cứu khi đã tái tím, lả người, ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, các bác sĩ mau chóng hồi sức, sốc điện, dùng thuốc kích vận mạch. Sau khoảng 30 phút, tim anh N. đập trở lại nhưng phải được chuyển lên tuyến trên để thông động mạch vành do nhồi máu cơ tim.

Khi bác sĩ khai thác bệnh sử, người nhà anh N. cho hay, từ sau tai biến mạch máu não cách đây 2 năm, anh N. đã bỏ bia, rượu và cả thuốc lá. Anh chăm tập thể dục, có lối sống tích cực hơn. Cả nhà cũng không nghĩ anh N. đột quỵ do anh thường xuyên kiểm tra huyết áp, tim mạch bằng ứng dụng điện thoại lúc nào chỉ số nhận được cũng ổn định.

Bác sĩ cho biết: “Khi hỏi kỹ mới hay càng ngày anh N. càng lạm dụng, ỷ lại vào ứng dụng đo này. Ngay cả khi tập thể dục, nhiều lần bệnh nhân thấy mệt mỏi, bủn rủn tay chân định đi đến bệnh viện, nhưng khi đo nhịp tim trên ứng dụng điện thoại, anh thấy chỉ số vẫn còn trong giới hạn cho phép thì lại ở nhà. Cứ như thế trong thời gian dài, anh không tầm soát bệnh rồi bị nhồi máu cơ tim suýt mất mạng”.

Dot tu do qua tin vao ung dung do huyet ap, nhip tim tren dien thoai
Kể cả người trẻ cũng xem các ứng dụng sức khỏe trên điện thoại là "bác sĩ".

Không may mắn như anh N., ông T.V.T. (56 tuổi, nhà ở tỉnh Đồng Nai) tử vong do suy tim ngay trên đường đi đến bệnh viện cấp cứu. Vốn có bệnh sử về cao huyết áp, ông T. luôn đến bệnh viện mỗi khi thấy mệt mỏi, khó thở, nhưng từ khi nghe bạn của ông chỉ dẫn đo huyết áp bằng ứng dụng điện thoại. Ông nhờ cháu tải ứng dụng về, thấy tiện lợi khi đặt ngón tay là cho ra tất cả chỉ số như mạch, nhịp tim, huyết áp ngay khi ông thường đau nhói ở ngực, người thân làm bác sĩ khuyên đi bệnh viện, ông vẫn nhất định khám bệnh bằng… điện thoại. 

Theo bác sĩ chuyên về tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết: “Cả hai trường hợp đều là sai lầm chết người bởi để kết luận một người có bệnh lý hay không, ngoài chỉ số nhịp tim, huyết áp cần kết hợp nhiều yếu tố như thói quen sinh hoạt, chế độ ăn, công việc, bệnh nền trước đó,… đều phải do bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán.

Tất cả các ứng dụng đo tim mạch, huyết áp của điện thoại và cả những thiết bị y tế như máy đo huyết áp tại nhà, đồng hồ theo dõi sức khỏe trên máy tập thể dục, máy thử tiểu đường,… đều mang tính chất tham khảo. Nếu người dân quá tin vào các thiết bị điện tử, tự kết luận sức khỏe của mình theo con số cho phép trên đó sẽ rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tử vong”.

Dot tu do qua tin vao ung dung do huyet ap, nhip tim tren dien thoai
Nhiều người bị suy tim, độ quỵ được cấp cứu kịp, nhưng có những ca không kịp đưa đến bệnh viện đã tử vong

ThS.BS Lê Hồng Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Quận 2 TP.HCM – nói thêm, những chỉ số trên ứng dụng điện thoại, máy tập thể dục, máy đo huyết áp sẽ cho ra kết quả đúng, nhưng quan trọng là thời gian đo, đo thường, đo gắng sức, vị trí đo, hay số lần đo, tư thế đo… mới đánh giá được bệnh. 

Người đo huyết áp tại nhà nên đo vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy. Tránh đo khi vừa leo cầu thang, tập thể dục, đi bộ, vừa mới ăn no hay quá đói, quá mệt huyết áp khi đó có thể cao hoặc thấp hơn con số  thực. Ứng dụng đo huyết áp, nhịp tim trên điện thoại dù tải miễn phí hay mua đắt đến đâu cũng chỉ nên sử dụng để tham khảo, đo đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ứng dụng điện thoại, có 2 loại máy đo huyết áp tại nhà phổ biến là huyết áp kế điện tử và huyết áp kế dùng tay.  Khi đo, người bệnh cần tuân thủ nghiêm chỉ theo bác sĩ. Điều quan trọng nhất, người bệnh không nên quá phụ thuộc vào chỉ số huyết áp tự đo được mà không tái khám hay bỏ dở điều trị vì dễ dẫn đến tai biến oan.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI