Đốt trường sau 1000 like: 'Đây là một lời kêu cứu!'

18/10/2016 - 06:58

PNO - Bài viết dưới đây là chia sẻ của chuyên gia nghiên cứu giáo dục trẻ em Catherine Yến Phạm (TP HCM) liên quan đến câu chuyện "đốt trường sau 1000 like".

Mấy hôm nay xôn xao vụ học sinh đốt trường nếu đủ 1000 likes. Chuyên gia cũng lên tiếng, thậm chí còn đòi bắt bớ các em và phạt những người like.

Tôi lặng lẽ theo dõi đến hôm nay...

Thưa mọi người! Ai đã từng đi qua tuổi học trò đều hiểu được một điều, bên cạnh cái việc luôn bị bắt học đủ thứ cái mình không thích trên đời thì cả tuổi thơ ngoài bạn bè ra ta biết nói chuyện cùng ai?

Cha mẹ, thầy cô là người cho ta lời khuyên tuy nhiên, đa phần chẳng ai lắng nghe cả. Lắng nghe và thấu hiểu, khuyến khích trẻ chia sẻ và cùng trẻ phân tích, hướng dẫn trẻ tự giải quyết vấn đề là những từ ngữ hình như không có trong từ điển dạy con của người Việt.

Trong cái từ điển dạy con của chúng ta chỉ có những từ sau: Dạy bảo, uốn nắn, răn đe, thưởng phạt, khuyên răn... Những từ ngữ đó có khi thực hành tốt, có khi không tốt. Tại sao?

Dot truong sau 1000 like: 'Day la mot loi keu cuu!'
Chuyên gia nghiên cứu giáo dục trẻ em Catherine Yến Phạm (TP HCM).

Vì chúng ta chỉ biết yêu cầu mà không biết lắng nghe. Chỉ biết răn đe mà không biết hỏi han. Chỉ biết chê bai hoặc khen đến tận mây xanh mà không biết hỏi quá trình để con thành công hay thất bại là gì. Nói chung, ta không có giao tiếp mà chỉ là khuyên bảo răn dạy một chiều. Thậm chí là răn đe.

Vậy là các em không biết nói chuyện với ai. Không chia sẻ được với ai. Càng bị răn dạy thậm chí la mắng các em chỉ biết càng thu mình lại để chui vào vỏ ốc của mình và sau đó là phản kháng một cách yếu ớt hoặc ấp ủ một nguồn năng lượng để phản kháng lại mạnh hơn.

Đáng buồn thay, nhà trường và gia đình cũng như tất cả người lớn đều làm như thế? Ai là người hiểu cho các em?

Chúng ta sống trong văn hoá của răn đe, của áp đặt, của ích kỷ, của người trên đạp người dưới. Chúng ta không sống trong văn hoá lắng nghe và được lắng nghe. Không sống trong văn hoá được thể hiện chính mình.

Được lắng nghe thôi chưa đủ. Còn phải được thể hiện chính mình một cách trọn vẹn và được hướng dẫn để thể hiện ngày càng hướng thiện và tốt đẹp hơn!

Người lớn chúng ta đã không nghe các em mà còn áp đặt các em theo quy chuẩn của mình. Khi nghe các em thể hiện. Khi tôi dạy các em viết văn sáng tạo, các em thể hiện mình thấy dễ thương, mỗi em một vẻ. Còn trong nhà trường các em lại bị bắt viết Thánh Gióng theo 1 khuôn như nhau.

Ngoại khóa, tôi dành hẳn một buổi để nghe các em khóc. Ai sẽ là người nghe em khóc?

Chúng ta dạy em rằng những thứ em quan tâm thật vớ vẩn. Những câu chuyện của em là tưởng tượng ba xàm ba láp. Chỉ có những thứ chúng ta chỉ dạy là có giá trị. Chúng ta quên rằng trẻ em mất một cái sticker thì cũng đau y như mình mất 1000 đô la vậy. Vậy mà khi bạn mất 1000 đô la nói với người khác thì người ấy bảo: Ôi dào, thì có gì đâu! Thậm chí chửi bạn bất cẩn, nếu không thì sửng cồ lên: Sao thế, sao sao lại mất. Lại mất à? Sao ngu thế?...

Vậy là không chỉ không được lắng nghe mà còn bị coi thường. Trẻ em bị chúng ta bắt lỗi, khi nói chuyện ra thì bị coi nhẹ ý kiến, luôn luôn "được" răn đe, thế thì đâu ra lòng tự trọng? Hay càng ngày càng tự ái, người Việt thiếu tự trọng mà thừa tự ái là thế!

Thiếu tự trọng, không biết giá trị mình ở đâu mà lại thừa tự ái nên sống ảo. Chỉ cần người ta khen mình, tin mình, thì đốt trường mình cũng làm. Đây là một lời kêu cứu!

Lời kêu cứu thống thiết. Ai đó hiểu tôi? Ai đó nghe tôi? Ai đó cho tôi biết mình còn giá trị? Vậy là lỗi tại ai? Lắng nghe một đứa trẻ bằng lòng bao dung, khó đến thế sao?

Sơ lược các bước sau:

Bước 1. Tâm an - nếu tâm không an thì không thể bao dung được. Con có thể nói nhăng nói cuội. Không sao cả. Bình tĩnh để nghe.

Bước 2. Lắng nghe với thái độ không phán xét.

Bước 3. Đặt câu hỏi: Vì sao, như thế nào, nếu...thì với con!

Bước 4. Hướng dẫn con tự ra quyết định phù hợp.

Bước 5. Hướng dẫn con thực hiện.

Nếu không làm được hết, thì ít nhất xin ngừng phán xét và... tìm mọi cách dạy dỗ cho bằng được, để làm tốt 1 việc đầu tiên: Lắng nghe con mình!

Catherine Yến Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI