Đốt rơm rạ làm Hà Nội ô nhiễm nặng

12/06/2021 - 10:30

PNO - Tổng cục Môi trường ngày 11/6 có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình ô nhiễm môi trường không khí đô thị và đốt rơm rạ một số tỉnh miền Bắc, gồm TP.. Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên.

Theo đó, trong thời gian từ ngày 1-7/6/2021, chất lượng không khí tại một số khu vực có xu hướng suy giảm, đặc biệt xảy ra vào ban đêm.

Theo Tổng cục Môi trường, một trong những nguyên nhân chính là hiện tương đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến trong giai đoạn thu hoạch.

Tại các khu vực nông thôn, sau khi gặt lúa, rơm rạ thường được bỏ lại trên đồng ruộng và sẽ đốt vào buổi tối, vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18g và đạt giá trị cực đại từ 21g đến 1g sáng hôm sau.

Khu vực nội thành Hà Nội, hoạt động đốt rơm rạ không diễn ra trực tiếp, tuy nhiên trong những ngày gần đây, hàm lượng bụi mịn PM2.5 cũng tăng cao vào buổi tối.

Hoạt động đốt rợm rạ khiến TP. Hà Nội ô nhiễm nặng, nhất là ban đêm
Hoạt động đốt rợm rạ khiến TP. Hà Nội ô nhiễm nặng, nhất là ban đêm

Một số khu vực diễn ra hoạt động đốt rơm trực tiếp như tỉnh Bắc Ninh, hàm lượng bụi mịn rất cao.

Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí AQI cho thấy, tại một số trạm đo chỉ số AQI đã ở ngưỡng rất xấu.

Ngoài việc đốt rơm rạ là nguyên nhân phát sinh ô nhiễm, thì các yếu tố khí tượng cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí vào ban đêm.

Cường độ bức xạ cao gây ra các phản ứng quang hóa giữa các chất ô nhiễm sơ cấp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.

Tuy nhiên, tại TP. Hà Nội, không khí bị ô nhiễm nặng do điều kiện thời tiết chỉ là yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ yếu do nguồn phát thải như đốt rơm rạ, rác thải; sử dụng than tổ ong; hoạt động của phương tiện giao thông… Trong đó, bụi mịn từ hoạt động giao thông và xây dựng là “thủ phạm” chính.

Bản đồ về tỷ lệ đốt rơm rạ vụ mùa 2020 tại TP. Hà Nội
Bản đồ về tỷ lệ đốt rơm rạ vụ mùa 2020 tại TP. Hà Nội

Theo Tổng cục Môi trường, trong những ngày tới, mùa vụ vẫn chưa kết thúc, hoạt động đốt rơm rạ tự phát còn tiếp tục xảy ra nếu không có sự tuyên truyền, quản lý, giám sát của chính quyền địa phương. Tình trạng ô nhiễm không khí có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Người dân cần tiếp tục theo dõi thông tin công bố về chỉ số ô nhiễm không khí AQI để có các biện pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là hạn chế các hoạt động ngoài trời vào buổi tối.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI