Đột quỵ vì… ngủ ngáy

14/12/2020 - 06:57

PNO - Có một bệnh lý ít được mọi người quan tâm là hội chứng ngưng thở khi ngủ.

 

Một bệnh nhân được đo đa ký giấc ngủ để biết có bị ngưng thở khi ngủ hay không
Một bệnh nhân được đo đa ký giấc ngủ để biết có bị ngưng thở khi ngủ hay không

Có một bệnh lý ít được mọi người quan tâm là hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là bệnh diễn tiến thầm lặng, dưới vỏ bọc lành tính nên dễ bị bỏ qua. Nhưng khi bệnh nặng, làm thiếu ô-xy máu thì biến chứng có thể xảy đến bất cứ lúc nào, kể cả đột quỵ…

Từ chối điều trị, trở lại bệnh viện  thì đã… nguy

Bác sĩ Vũ Trần Thiên Quân, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đã khám và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân bị hội chứng ngưng thở khi ngủ (NTKN). Trong đó, nhiều bệnh nhân cho rằng đây là chuyện bình thường nên từ chối điều trị, nhưng khi quay lại thì đã bị đột quỵ.

Bệnh nhân Lê Ngọc M. (53 tuổi, ở Q.Tân Phú) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám vì triệu chứng ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày và kém tập trung. Bác sĩ Quân nghi ngờ ông M. bị hội chứng NTKN nên chỉ định cho đo đa ký giấc ngủ. Kết quả ghi nhận sau một đêm ông M. ngủ trong phòng đo đa ký giấc ngủ tại bệnh viện là: ông bị ngưng thở hơn 60 lần/giờ và bị thiếu ô-xy máu. Ông M. được chỉ định phẫu thuật nhưng đã từ chối. Bác sĩ cho ông dùng máy thở tại nhà khi ngủ, để đường thở không đóng lại nhưng ông cũng không đồng ý. Dù bác sĩ cảnh báo ông bị NTKN nặng, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, trong đó có đột quỵ. 

Gần sáu tháng sau, khi ngủ dậy một lúc, ông M. cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu. Ông chưa kịp hiểu chuyện gì thì sau đó lưỡi đớ, không nói chuyện được, miệng méo và tay chân yếu đi, không thể cử động. Ông được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu, may mắn thoát khỏi cơn nguy kịch, nhưng chịu di chứng liệt nửa người. 

Còn mới đây, ông Nguyễn Văn H. (61 tuổi, ở Q.8) vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám với triệu chứng tăng huyết áp. Ông H. cho biết ngoài tăng huyết áp, mình còn buồn ngủ ban ngày và không tập trung lâu vào việc gì được. Vợ ông H. còn kể: “Chồng tôi ngủ ngáy như sấm, đang ngáy thì tự dưng ngưng lại, rồi thở phì ra. Một đêm, ổng làm vậy không biết bao lần, tôi cứ tưởng tắt thở”. Bác sĩ nghi ngờ ông H. bị NTKN nên cho ông đo đa ký giấc ngủ. Kết quả, ông H. bị NTKN mức độ rất nặng và thiếu ô-xy máu. Nhưng kết quả có vào chiều Chủ nhật thì hôm sau, ông H. đã bị đột quỵ. Không chỉ có ở người lớn, mà hội chứng NTKN còn xuất hiện ở trẻ em, nhất là những trẻ bị viêm VA, amidan… 

Ngáy to, béo phì, buồn ngủ ngày, kém tập trung: coi chừng đột quỵ

Theo bác sĩ Vũ Trần Thiên Quân, hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện khi đã nặng, do nhận thức của bệnh nhân về căn bệnh vừa thiếu vừa sai. Ngay cả khi được chẩn đoán bị NTKN thì hơn 70% từ chối hoặc bỏ dở điều trị. Vì vậy, không ít trường hợp bị biến chứng nặng là đột quỵ. Ngoài ra, còn tình trạng khá phổ biến là nhiều bệnh nhân không biết mình bị NTKN. Đến khi bệnh nhân bị đột quỵ, vào bệnh viện, bác sĩ chỉ định đo đa ký giấc ngủ thì phát hiện bị NTKN rất nặng. 

Bác sĩ Vũ Trần Thiên Quân phân tích: ngưng thở khi ngủ gây giảm ô-xy máu và tăng khí CO2 ở máu. Tình trạng này sẽ hoạt hóa thần kinh giao cảm gây co mạch, tăng nhịp tim dẫn đến tăng huyết áp, khó kiểm soát huyết áp, suy tim sung huyết, loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh lý mạch máu não và biến chứng đột quỵ, gây tử vong. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân có bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch… bị NTKN hoặc bị NTKN càng nặng thì nguy cơ biến chứng tăng cao. 

Đây là bệnh diễn tiến thầm lặng, dưới vỏ bọc lành tính nên dễ bị bệnh nhân bỏ qua. Nhưng khi bị NTKN nặng, làm thiếu ô-xy máu thì biến chứng có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Do vậy, khi ngủ ngáy mà kèm các dấu hiệu: béo phì, ngáy to, đang ngáy ngưng lại rồi thở phì, hay buồn ngủ ban ngày, khó chịu, đau đầu, kém tập trung thì nên đi khám để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. 

Bốn phương pháp điều trị hiệu quả

Tuy NTKN là bệnh lý có biến chứng nguy hiểm, thế nhưng việc điều trị hiện nay rất hiệu quả. Bác sĩ Quân cho biết có bốn phương pháp điều trị tại Việt Nam là: giảm cân, đeo dụng cụ nâng hàm, phẫu thuật, sử dụng máy thở (có mặt nạ nhỏ gắn vào mũi, hoặc miệng, sử dụng vào lúc ngủ). 

Thùy Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trần minh phước 15-12-2020 11:07:33

    Xin chào ! Mình hiện có triệu chứng ngủ ngáy to hay ngưng , và ban ngày hay buồn ngủ , thế cái này cần đi khám ở đâu cho chính xác, và liệu trình điều tri như thế nào. Xin cảm ơn!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI