Đột quỵ vì... đường

21/05/2018 - 06:00

PNO - Mới đây, bà Lê Thanh N.- cựu phóng viên của một tờ báo lớn đã bị đột quỵ và tử vong khi mới 60 tuổi.

Bác sĩ xác định nguyên nhân đột quỵ là do căn bệnh đái tháo đường mà bà đã mắc gần chục năm. Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), đến năm 2017, trên toàn thế giới có khoảng 425 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là căn bệnh dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận…

Theo bác sĩ Trần Minh Triết - khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược: so với người bình thường, người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ gấp 2-4 lần và đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Dot quy vi... duong
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và kiểm soát đường huyết chặt chẽ là cách phòng bệnh đột quỵ do đái tháo đường hiệu quả

“Đi” trong lúc ngủ

Dự đám tang của bà N. ở nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) vào tháng 2/2018, mọi người xót xa khi nhìn di ảnh người phụ nữ trẻ trung với nụ cười tươi tắn. Chị Nguyễn Ngọc Trâm - con gái đầu của bà N. - kể: “Má em mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) gần chục năm nay, má uống thuốc, ăn uống kiêng khem rất kỹ nên sức khỏe ổn định.

Mấy hôm trước má em than mệt, đau đầu nên đi bệnh viện (BV) khám thì bác sĩ (BS) nói đường huyết tăng cao, lên 245 nên cho thuốc uống và dặn má em nghỉ ngơi. Bình thường má em dậy khá sớm, nhưng hôm đó gần 9g má vẫn chưa dậy - em tưởng má đọc sách hay viết bài khuya cần ngủ bù, nên không gọi dậy. Hơn nữa, ba em đi làm lúc 6g thì má vẫn ngủ. Nhưng đến 9g15, em gọi má ăn sáng không thấy trả lời, lay dậy thì má vẫn nằm im, gia đình vội chở má vào BV cấp cứu thì BS nói bà đã tử vong trước khi đến BV. Nguyên nhân được chẩn đoán là đột quỵ do ĐTĐ”.

Có những trường hợp may mắn phát hiện sớm và thoát cửa tử một cách ngoạn mục như anh Ngô Thanh N. ở Q.10, TP.HCM. Điều đáng nói là anh bị đột quỵ vì ĐTĐ khi mới 42 tuổi. Anh kể: “Cách đây ba năm, tôi phát hiện mình mắc bệnh ĐTĐ. Trong năm đầu tiên, tôi tái khám thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị của BS. Nhưng do chủ quan, đồng thời khi tự kiểm tra đường huyết thấy chỉ số ổn định nên tôi không đi tái khám mà lấy toa thuốc cũ mua uống”.

Đầu tháng Ba, khi vừa ngủ dậy anh cảm thấy mình bị yếu nửa người bên phải và miệng méo, nói đớ nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại BV Đại học Y Dược (ĐHYD). Các BS chẩn đoán anh bị đột quỵ kèm tăng huyết áp, mỡ máu cao, dù đường huyết vẫn trong giới hạn bình thường. Anh N. thoát chết trong gang tấc, nhưng phải chịu di chứng yếu liệt nửa người.

Phòng ngừa đột quỵ từ đái tháo đường

BS Trần Minh Triết nhấn mạnh: “ĐTĐ là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Nguy cơ này sẽ tăng nhiều hơn ở người bệnh ĐTĐ khi kèm theo các yếu tố lớn tuổi, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh tim, rối loạn lipid máu hay có tiền sử đã từng bị đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não trước đó”. 

Nguyên nhân làm bệnh nhân ĐTĐ dễ bị đột quỵ vì: đường huyết tăng cao ở người bệnh ĐTĐ sẽ làm tăng lắng đọng cholesterol tại thành mạch, từ đó làm gia tăng các mảng xơ vữa tại thành mạch, giảm khả năng đàn hồi của mạch máu.

Mặt khác, bị đường huyết cao thời gian dài dẫn đến mạch máu có thể bị viêm, lâu ngày làm chít hẹp lòng mạch, gây bít tắc mạch máu, làm ngưng trệ tuần hoàn. Khi mạch máu não bị tắc sẽ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu não. Một khi bị đột quỵ thì khả năng tử vong rất cao, nếu may mắn thoát cửa tử thì cũng dễ vướng nguy cơ bị di chứng yếu liệt, tàn phế. 

Bệnh nhân ĐTĐ và người nhà cần nhận biết các dấu hiệu sớm của đột quỵ như: đột ngột nói khó, méo miệng, yếu liệt, tê nửa người, lơ mơ, nhìn không rõ… và nhanh chóng đưa người bệnh cấp cứu kịp thời tại các trung tâm đột quỵ hoặc BV gần nhất. 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là “trị từ gốc”- nghĩa là cần phải điều trị, kiểm soát đường huyết một cách chặt chẽ. Trong đó, tuyệt đối không được ngưng điều trị hay tự điều trị bằng toa thuốc cũ hoặc thuốc không rõ nguồn gốc. Như bà Trần Ngọc Đ., 54 tuổi, ở Long An, mới đây được người nhà phát hiện và đưa đến BV ĐHYD trong tình trạng nói đớ, méo miệng và yếu nửa người bên trái. BS chẩn đoán bà bị đột quỵ vì ĐTĐ.

Người nhà của bà Đ. kể, bà bị ĐTĐ và tăng huyết áp đã hơn 5 năm. Trước đó, bà đến BV địa phương điều trị, uống thuốc mỗi ngày nên đã kiểm soát được bệnh. Tuy nhiên, do công việc bận rộn và thấy khỏe, bà không tái khám, uống thuốc điều độ nên tình trạng bệnh ngày càng nặng mà không biết và dẫn đến đột quỵ. Nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên sức khỏe bà Đ. đã ổn định và được xuất viện.

BS Trần Minh Triết lưu ý: “Để phòng ngừa và giảm những nguy cơ đột quỵ cũng như các biến chứng của ĐTĐ, người bệnh nên tái khám định kỳ để các BS chuyên khoa thăm khám toàn diện, điều trị kịp thời tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI