edf40wrjww2tblPage:Content
Cấp cứu, đột quỵ cũng phải chuyển
Anh N.T.B. (32 tuổi, ngụ Q.5) bức xúc cho biết: ngày 26/8/2014, mẹ anh đang múc nước tưới cây thì bị ngã quỵ và được đưa vào Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ (BS) nghi bà bị đột quỵ nên chỉ định chụp CT. Dù là BV tuyến cuối nhưng BV Nguyễn Trãi lại chuyển bà sang BV Nguyễn Tri Phương để chụp CT. Anh B. thắc mắc tại sao bệnh nguy hiểm đến tính mạng, bệnh nhân (BN) lại bị chuyển tới chuyển lui thì BS BV Nguyễn Trãi cho biết, BV này có hai máy CT nhưng đã bị hư.
Vài ngày sau, trong lúc đá banh, anh B. bị chấn thương khớp gối trái. Sau khi đến BV Q.2 cấp cứu, anh được BS chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI). Anh xin chuyển đến chụp MRI ở BV Nguyễn Trãi (gần nhà). BV này cũng không có máy chụp MRI, buộc anh tiếp tục qua BV 30/4 chụp MRI với giá 2,8 triệu đồng.
Ngày 28/8, phóng viên tìm đến BV Nguyễn Trãi tìm hiểu sự việc thì một y tá - nơi tiếp nhận giấy tờ ở khu chụp CT cho biết: “BV Nguyễn Trãi không có máy MRI, riêng máy CT đã bị hư hết rồi. BN muốn chụp thì qua BV Nhân dân 115, BV Vạn Hạnh…”.
Phòng chụp CT ở BV Trưng Vương đóng cửa vì máy hư
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại BV Nhân dân 115 có bốn máy CT thì bị hư hai máy, trong khi nhu cầu chụp cho BN mỗi ngày của BV này lên đến 150 ca. Riêng Khoa Bệnh lý mạch máu não của BV, mỗi ngày có 30 BN nhập viện đều phải chụp CT để chẩn đoán bệnh cũng phải “gửi” sang Khoa Ung bướu để… chụp ké.
Tương tự, tại BV Trưng Vương, chị L.T.L. (38 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) đang chờ chụp CT do nghi khớp háng bên trái bị hoại tử, than thở: “BV bị hư máy CT sáu lát cắt nhưng không dán thông báo khiến BN chờ đợi mỏi mòn. Thấy chờ lâu, chúng tôi hỏi y tá, BS nhưng ai cũng bảo đợi. Một số người mệt mỏi bỏ đi đâu không biết; tôi thấy lâu quá nên đi lòng vòng mới nghe một BS khác nói máy CT sáu lát cắt mới bị hư và BN muốn chụp phải đến khu chụp CT 128 lát cắt gần Khoa Bệnh lý mạch máu não”.
Tại BV Ung bướu TP có duy nhất một máy CT cũng bị hư. Ông N.M.C. (64 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) cho biết, ông bị ung thư vòm họng, đã điều trị tại BV Ung bướu được hai năm. Ngày 22/8/2014, ông C. đến BV Ung bướu chụp CT để khám định kỳ. Thế nhưng, BS đã ghi giấy chuyển viện theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) cho ông sang Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic (viết tắt là Trung tâm Medic) chụp CT. “Tôi làm bên quân đội đã nghỉ hưu nên được hưởng BHYT diện 100%, không phải đóng tiền khi khám chữa bệnh. Thế nhưng, khi chụp CT tại Trung tâm Medic, tôi phải đóng tiền chênh lệch; trong khi trung tâm này cũng tiếp nhận BN BHYT”.
Cần sớm đấu thầu tập trung
Trả lời Báo Phụ Nữ, BS Võ Văn Tiến, Giám đốc BV Nguyễn Trãi giải thích: BV có hai máy CT nhưng một máy hư bo (linh kiện của máy) và một máy hư bóng đèn. BV đã sử dụng vượt quá thời hạn. Do đó, một ngày BV chuyển khoảng 20 BN, chủ yếu là BN bị tai biến, qua một số BV như: Nguyễn Tri Phương, Hòa Hảo, 30/4… để chụp CT.
Cần sớm đấu thầu tập trung để các bệnh viện có máy CT
BV đã mời đơn vị sửa máy đến khảo sát, đánh giá; tuy nhiên chi phí thay bo cũng khoảng một tỷ đồng, thay bóng đèn phải hơn 200 triệu đồng. Muốn mua những linh kiện thay thế phải thực hiện theo quy định của Sở Y tế. Nếu thay linh kiện có giá một tỷ đồng phải chờ đấu thầu tập trung, còn linh kiện với chi phí 200 triệu đồng phải có bảng báo giá, làm thủ tục hồ sơ báo lên Sở giải quyết. BV đã làm công văn báo cáo lên Sở, xin mua máy MRI”.
Đại diện BV Nhân dân 115 cho biết, ngay khi hai máy CT bị hư, BV sử dụng một máy CT còn lại và một máy PET-CT của Khoa Ung bướu để chụp. Do đó thời gian BN chờ đợi sẽ dài hơn. Nếu muốn sửa chữa, thay thế thiết bị phải báo lên Sở Y tế. Nếu máy bị hư linh kiện với chi phí thấp thì sẽ chờ Sở cho ý kiến giải quyết, còn nếu giá trị linh kiện trên 500 triệu đồng phải thông qua Sở đấu thầu tập trung.
Theo BS Hoàng Văn Minh, Giám đốc BV Ung bướu, máy CT của BV bị hư bo mạch nên không hoạt động được. Với những trường hợp buộc phải chụp CT thì BV cho BN qua BV Nhân dân Gia Định, Trung tâm Medic… Máy CT vẫn còn đang trong thời gian bảo trì nên vài ngày nữa, công ty cung cấp sẽ nhập khẩu linh kiện về sửa chữa.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM giải thích: nếu máy CT của một BV bị hư mà BV đó được phép chuyển BN sang các BV khác có máy CT thì BHXH vẫn thanh toán BHYT cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu BV công lập chuyển qua các cơ sở tư nhân thì BHXH chỉ thanh toán theo BHYT, phần chênh lệch ở cơ sở tư nhân người bệnh tự đóng, dù thẻ BHYT đó thuộc diện hưởng 100% (không phải chi trả khi khám chữa bệnh). Nguyên nhân, các cơ sở tư nhân phải tự trang bị máy móc, trả lương cho nhân viên (gọi tắt là phí dịch vụ y tế) mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, BV công muốn chuyển BN sang các cơ sở này phải giải thích cho người bệnh hiểu rõ.
Trước tình hình trên, Sở Y tế cần nhanh chóng tổ chức đấu thầu tập trung để BV có máy sử dụng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, kế hoạch đấu thầu tập trung vật tư, thiết bị máy móc đã được Sở Y tế đề ra từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn còn là... kế hoạch. Một số BV dự định sẽ đề xuất Sở thực hiện xã hội hóa đầu tư máy móc, việc thu phí hoàn toàn bằng giá với giá BHYT quy định.
Một BS dẫn giải: “Nếu máy CT có giá từ hai-bốn tỷ đồng, chi phí một lần chụp khoảng một triệu đồng, một ngày BV chụp cho vài chục đến cả trăm BN thì sớm hoàn vốn và có lãi. Nếu để cho cơ sở tư nhân đặt máy theo diện xã hội hóa, chắc chắn họ sẽ mạnh dạn tham gia".
Văn Thanh