Làn sóng giày dép bền vững khởi nguồn vào đầu thập niên 2000. Dẫu không thể nhanh chóng tạo sức hút, số ít nhà sản xuất tiên phong lúc bấy giờ đã khơi gợi cảm hứng cho thế hệ tiếp nối. Ngày nay, trào lưu xanh hóa thị trường giày dép đi liền với một cuộc cách mạng trong thiết kế sản phẩm, khi yếu tố tiện dụng và thời trang đồng hành cùng thông điệp môi trường rõ nét.
|
Thiết kế giày Blueview phải trải qua quy trình thử nghiệm, kiểm định phức tạp nhằm đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn về môi trường Ảnh: Blueview |
Báo cáo tiêu dùng năm 2021 do Lyst - trang thương mại điện tử nổi tiếng quốc tế về lĩnh vực thời trang và phụ kiện có trụ sở tại Anh - công bố cho thấy doanh số bán ra của mặt hàng giày thể thao tự hủy sinh học đã tăng đến 348% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi lượng đơn đặt hàng giày dép từ chất liệu tái chế tăng 55%. Cũng theo nội dung báo cáo, cụm từ “giày da thuần thực vật” thu hút lượt tìm kiếm thuộc tốp đầu trên trang chủ Lyst.
Ý tưởng xanh hóa triệt để
Hàng loạt thương hiệu lớn đang tích cực đầu tư vào trào lưu bền vững, góp phần thúc đẩy hứng thú mua sắm của người tiêu dùng đương đại; tiêu biểu như những mẫu giày thân thiện môi trường hãng Nike, Crocs, Clarks… ra mắt gần đây. Tương tự, mùa hè năm ngoái, Adidas giới thiệu đến công chúng Stan Smith Mylo - thiết kế giày thể thao làm từ Mylo, chất liệu giả da độc đáo có nguồn gốc từ nấm.
Song song đó, với khá nhiều tên tuổi mới trong ngành giày dép, bền vững dần được xem như định hướng kinh doanh tất yếu. Blueview - thương hiệu giày thể thao của Mỹ do một giáo sư chuyên ngành sinh học phân tử sáng lập - thậm chí đã vận dụng triệt để khái niệm “bền vững hóa”. Khai thác công nghệ vật liệu tân tiến, những đôi giày Blueview có khả năng phân hủy hoàn toàn dưới lòng đất và cả trên biển.
|
Ra mắt cuối năm 2021, The Ghost là một trong những mẫu giày đầu tiên trên thị trường bán lẻ có thể phân hủy sinh học hoàn toàn Ảnh: ORBA |
Các sản phẩm của Blueview thoạt trông không khác thiết kế giày thể thao thông thường. Thế nhưng thay vì dùng nhựa tổng hợp, chất liệu đế giày Blueview (đã trải qua 6 năm nghiên cứu và phát triển) là một loại bọt xốp đặc biệt làm từ tảo biển. Thân trên giày, tạo hình bằng công nghệ đan 3D hiện đại, cũng sử dụng chất vải thuần thực vật. Khi không còn sử dụng, giày có thể tự phân hủy sinh học một cách an toàn ngoài tự nhiên.
Nhà khoa học Stephen Mayfield, người lên ý tưởng và sáng lập Blueview, hiện công tác tại Đại học California (bang California, Mỹ) chia sẻ: “Ban đầu, tôi theo đuổi dự án nghiên cứu biến tảo biển thành nhiên liệu xanh - một giải pháp thay thế cho xăng dầu hiện nay. Vậy nhưng, sau cùng tôi nhận ra, đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học không thể giúp tối ưu hóa lợi ích của tảo”.
Thay vì tiêu tốn nhiên liệu xanh vào một chiếc xe, Mayfield chọn cách tận dụng loại dầu quý giá chiết xuất từ tảo để tạo nên chất liệu may mặc đa dụng lẫn bền vững hơn. Cộng tác cùng Tom Cooke - một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh giày dép - ông quyết định xây dựng Blueview. “Thị trường giày dép đang hướng đến một tương lai bền vững hóa nhưng tôi nghĩ quá trình chuyển đổi tư duy vẫn diễn ra khá chậm” - Cooke nhận định.
Đều yêu thiên nhiên và quan tâm đến thực trạng rác thải hiện nay, bộ đôi đồng sáng lập Blueview đã cố gắng cải thiện liên tục trong công đoạn thiết kế để “mỗi chi tiết cấu thành chiếc giày đều có thể tự phân hủy hoàn toàn” - Cooke tiết lộ. Dẫu vấp phải không ít trở ngại khi phát triển sản phẩm, vị doanh nhân bày tỏ: “Blueview ra đời từ một mục tiêu cốt lõi: bảo vệ môi trường. Chúng tôi không muốn lợi dụng trào lưu bền vững chỉ nhằm quảng bá thương hiệu”.
Tương tự ở châu Úc, có cùng góc nhìn về khái niệm bền vững là Orba, một công ty khởi nghiệp đang sản xuất những đôi giày sinh thái không gây áp lực rác thải. Sản phẩm ấn tượng đầu tiên hãng ra mắt, The Ghost, là minh chứng sống động cho mô hình kinh doanh tuần hoàn vì môi trường. The Ghost có khả năng tự phân hủy sinh học 100%, đã được kiểm chứng bởi giới khoa học cũng như người tiêu dùng.
Gillian Boucher, Giám đốc sáng lập Orba - doanh nghiệp hiện đặt trụ sở tại New Zealand - cho biết: “Ước tính trên toàn cầu, hàng chục tỉ đôi giày được tạo ra thường niên bằng những loại vật liệu tổng hợp không thể phân hủy. Hằng năm, có hàng tỉ đôi giày bị vứt lại ở bãi rác. Với The Ghost, chúng tôi muốn theo đuổi một hướng đi khác trong ngành kinh doanh giày dép bằng việc khai thác chất liệu chọn lọc, thuần tự nhiên và không gây áp lực lên môi trường”.
|
Ảnh: Loci |
Thông điệp bền vững đúng nghĩa Orba theo đuổi thể hiện qua tiến trình cải tiến vật liệu linh hoạt. Không sử dụng cao su nguồn gốc hóa dầu, đế giày của hãng được làm từ một loại vật liệu tạo thành bởi trấu và dầu dừa. Với phần trên của sản phẩm, đội ngũ thiết kế dùng vải lanh, sợi cây gai dầu và tầm ma. Tất cả chất liệu, trong đó hầu hết thuần thực vật, đều có tiềm năng tự phân hủy và tái chế.
Sáng tạo đặc sắc từ rác
Nhiều doanh nghiệp trẻ chú trọng đổi mới giá trị sản phẩm theo định hướng bền vững không chỉ vì mục tiêu thu hút khách hàng mà còn nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Nếu Blueview và Orba mong muốn tận dụng tối đa công nghệ vật liệu sinh học để giảm sức ép rác thải, một số tên tuổi nổi bật khác đang chọn cách sáng tạo từ rác.
|
Blueview có thiết kế unisex, làm từ 100% sợi gai dầu và bạch đàn bằng công nghệ tạo hình 3D tân tiến - Ảnh: Blueview |
Trình làng cùng thời điểm với Orba là LAKAT - nhà sản xuất giày thể thao bền vững tiên phong tại Philippines. Cộng tác cùng nông dân bản xứ, công ty thu gom lá dứa nhằm biến chúng thành một loại sợi cotton độc đáo, thiết kế nên sản phẩm giày vải êm nhẹ và thân thiện môi trường. “Lá dứa lâu nay vẫn được xem như phế phẩm của các nông trại trồng dứa và thường bị vứt bỏ. Chúng tôi tin việc sản xuất giày dép từ lá dứa vừa giúp nông dân có thêm thu nhập, vừa tránh lãng phí nguyên vật liệu nông nghiệp” - 2 nhà sáng lập LAKAT, Michael và Banj Claparols, chia sẻ.
LOCI - một thương hiệu thuần xanh từ Bồ Đào Nha - lại chủ trương nâng tầm thiết kế giày bền vững theo phong cách trang nhã. Rác thải quanh vùng biển Địa Trung Hải được thu gom, xử lý để tạo ra phần thân trên của giày. Phần đế nhẹ, thoáng khí bên dưới làm từ nút bần, tre và ni lông tái chế. Tạo hình sản phẩm đảm bảo tiêu chí thoải mái tuyệt đối cho đôi chân, lẫn an toàn với môi trường. Đại diện phát ngôn của hãng tiết lộ: “Ngay cả với lỗ xâu dây giày, chúng tôi cũng chọn vật liệu tái chế. Đây là loại đồng thau có thể tái sử dụng nhiều lần mà không ảnh hưởng tới độ bền chung của giày”.
Được chăm chút cải tiến chất liệu, những sản phẩm giày bền vững đang không ngừng khẳng định chỗ đứng riêng trên thị trường. Sức sáng tạo bền bỉ song hành cùng thông điệp vì môi trường hứa hẹn sẽ tiếp tục là kim chỉ nam đối với nhiều doanh nghiệp ấp ủ tư duy đổi mới và bền vững.
Như Ý