Đột phá để xứng tầm thành phố biển đảo đầu tiên

08/01/2021 - 06:52

PNO - Ngày 7/1, UBND tỉnh Kiên Giang đã phát hành công văn hỏa tốc về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự của TP. Phú Quốc - thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Trước đó, ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 thành lập TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và các phường thuộc thành phố này.

Sớm ổn định đời sống của người dân

TP. Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng về địa lý và dân số 180.000 người của huyện Phú Quốc, gồm 2 phường và 7 xã.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang, TP. Phú Quốc khẩn trương xây dựng kế hoạch sắp xếp, tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự khi Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội có hiệu lực.

Xâm hại rừng, xây dựng trái phép… là những thực trạng “nóng” ở Phú Quốc thời gian qua
Xâm hại rừng, xây dựng trái phép… là những thực trạng “nóng” ở Phú Quốc thời gian qua

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị ở TP. Phú Quốc phải khẩn trương rà soát, đánh giá, phân loại để tiếp tục bố trí, sử dụng những cán bộ, công chức đủ năng lực chuyên môn; tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho những người chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, những người còn thiếu các tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện tinh giản biên chế theo quy định…

Chính quyền địa phương cần kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự của các cơ quan, đơn vị trực thuộc phù hợp với loại hình đơn vị hành chính mới (thành phố trực thuộc tỉnh) theo quy định, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và sớm ổn định đời sống nhân dân.  

TP. Phú Quốc phải sắp xếp, bố trí lại một số chức danh trong các phường được thành lập cho phù hợp với chức năng đơn vị hành chính thuộc khu vực nội thị. 

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và huyện Phú Quốc phải hoàn thành việc thay đổi con dấu và hoạt động với tên gọi mới. Chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm giải quyết kịp thời các yêu cầu cấp đổi giấy tờ liên quan đến nhân thân, tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh… của cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. 

Đối với trường hợp cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức, doanh nghiệp chưa chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng. 

Để tạo mọi điều thuận lợi cho người dân, ngành công an cũng đồng thời thực hiện công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu theo đúng quy định và hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cần thiết để khắc, thu đổi con dấu theo đơn vị hành chính mới. 

Hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường 

Đảo Phú Quốc nằm trên vùng biển Tây Nam của nước ta, có diện tích tự nhiên gần 600km2, đã trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Phú Quốc xưa nay vẫn luôn có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Theo ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc - với tên gọi hành chính mới thì địa phương sẽ tranh thủ mọi nguồn lực của trung ương và của tỉnh, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để nâng 7 xã còn lại trở thành phường.

Một số hạn chế từ lâu đã tồn tại ở Phú Quốc là xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên - khoáng sản trái phép, tình hình tội phạm và băng nhóm tội phạm có chiều hướng gia tăng, bộ máy quản lý điều hành chưa tương xứng và quá tải…

Thực trạng này được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhìn nhận: do thời gian qua tốc độ thu hút đầu tư quá nóng, nhưng bộ máy quản lý nhà nước thì vẫn là cấp chính quyền nông thôn.

Bởi thế, những khâu đột phá mà nơi này cần thực hiện là: xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ có năng lực, có tâm, tầm, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố mới; đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ các khu đô thị, các khu dân cư, tái định cư, chỉnh trang đô thị, ổn định sinh kế của người dân…

Một mục tiêu xuyên suốt để phát triển Phú Quốc đã được tỉnh Kiên Giang xác định là xây dựng thành phố đảo phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường. Từng bước trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của cả tỉnh. 

Trong 5 năm qua (2015 - 2020), Phú Quốc đã thu hút được lượng khách du lịch tăng bình quân 28% mỗi năm (năm 2020 đón gần 3 triệu khách). Hiện, Phú Quốc có 326 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 355.000 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 11.000ha, trong đó có nhiều dự án về du lịch. Trong năm 2021, Phú Quốc dự kiến chào đón 2 triệu lượt du khách, gấp hơn 10 lần dân số tại đây.

Hồ tiêu, một sản phẩm nông nghiệp từ lâu góp phần làm nên thương hiệu cho Phú Quốc thường được du khách mua làm quà bởi chất lượng hiếm nơi nào sánh được. Hiện tại, Phú Quốc có đến 390ha tiêu với sản lượng khoảng 675 tấn mỗi năm. Dù giá cả hồ tiêu những năm qua rất bấp bênh, nhưng bà con nông dân trên đảo vẫn giữ vườn tiêu để phục vụ các tour du lịch trên đảo.

“Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, uy tín hàng hóa thương hiệu Phú Quốc như nước mắm, hồ tiêu, rượu sim, chúng tôi cũng sẽ xây dựng thêm những sản phẩm hàng hóa khác nhằm phục vụ du khách” - Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc nói.

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu gắn với đa dạng sản phẩm nâng giá trị hạt tiêu, các loại cây ăn trái, rau màu, hoa, cây kiểng… cũng gắn với mô hình du lịch, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên đảo và khách du lịch.

Ngành chăn nuôi cũng được định hướng phát triển tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo môi trường sinh thái… Nghề nuôi trồng thủy - hải sản chú trọng đầu tư những loài có giá trị kinh tế cao như: ngọc trai, ốc hương, nuôi cá lồng bè… và cũng gắn với phát triển du lịch biển. 

Đông Phong

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI