Đột nhập 'thẩm mỹ viện chồm hổm: Học vài ngày là hành nghề

22/11/2017 - 06:49

PNO - Lân la trong thế giới thẩm mỹ “chui”, chúng tôi mới biết, hầu hết các “bác sĩ” ở đây chỉ “tốt nghiệp” một khóa học siêu tốc rồi ngang nhiên hành nghề, thậm chí truyền nghề.

Vào vai người đi học nghề thẩm mỹ, chúng tôi phát hiện, tại TP.HCM có nhiều “giáo viên” như: “bác sĩ” Linh, “bác sĩ” Tài, “bác sĩ” Tuyền... Trong số họ, có người chỉ mới học một khóa thẩm mỹ cấp tốc rồi ngang nhiên mở lớp chiêu sinh.

Dot nhap 'tham my vien chom hom: Hoc vai ngay la hanh nghe
“Bác sĩ” Linh tư vấn dạy nghề thẩm mỹ “chui” cho phóng viên

Quan trọng là… chọn ngày tốt để làm!

Sau nhiều ngày tiếp cận với “bác sĩ” Quyên, chúng tôi không khỏi giật mình khi nghe tiết lộ: “Em làm “chui” nên đâu dám treo bảng. Trước đây, em theo thầy học nghề rồi mở tiệm, giờ đang theo học một khóa y tá 3 tháng, một thời gian nữa có bằng là ngon lành”.

Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, Quyên càng khoái chí: “Thẩm mỹ quan trọng gì bằng cấp, quan trọng là ai làm đẹp hơn thôi”. Theo Quyên, sau thời gian hành nghề “chui”, cô rút ra được một kinh nghiệm quý báu là làm thẩm mỹ phải chọn... ngày tốt, tránh những ngày mồng 5, 14, 23 và ngày kỵ tuổi với khách hàng, cho “an toàn”. “Thầy” của Quyên là “bác sĩ” Linh, hiện đang rầm rộ mở lớp, chiêu sinh học viên thông qua trang Facebook “Jennifer Nguyen”. 

Chỉ với vài thao tác đơn giản, chúng tôi đã được “bác sĩ” Linh nhận dạy nghề. Một ngày Chủ nhật đầu tháng 11, “bác sĩ” Linh hẹn tôi đến spa (tiệm mát-xa, làm đẹp) của mình ở chung cư B1, đường Trường Sa, Q. Bình Thạnh. Linh ra tận cổng dắt tôi vào một căn hộ được trang trí khá bắt mắt, bên trong có dán hàng chữ “Henry spa”, nằm ở tầng 11 của chung cư. Sau vài phút hỏi sơ về lý lịch của tôi, Linh vội giở bản danh sách hơn 20 môn học, bao gồm từ tiêm filler cho đến cắt môi, cắt mũi, hút mỡ… để tư vấn cho học viên.

Trong lúc tôi chưa kịp hình dung hết về sự đồ sộ của chương trình học, Linh đã tư vấn tới tấp: “Em có thể học từng môn, học một môn là đã có thể mở tiệm rồi”. Tôi hỏi: “Một môn học bao lâu, có điều kiện nhập học gì không chị?”. “Không có điều kiện gì cả, chỉ cần học viên đăng ký, chị tuyển mẫu xong là học” - Linh nói. Tôi nhờ Linh tư vấn học môn dễ nhất trước, Linh nói ngay: “Nếu chưa biết gì thì nên học phun xăm”. 

Tôi giả vờ chê phun xăm là môn cơ bản nhất trong chương trình, Linh lên giọng: “Không có môn nào cơ bản hết, học phun xăm nhanh hơn vì không cần mẫu, mấy món khác phải chờ có mẫu mới học được”. Vậy nghĩa là, tiến độ của lớp học phụ thuộc hoàn toàn vào… người mẫu.

Dot nhap 'tham my vien chom hom: Hoc vai ngay la hanh nghe
Tuyền cho biết, mỗi tuần có thể dạy xong một kỹ thuật thẩm mỹ

“Mẫu” là những người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng họ không phải trả chi phí phẫu thuật, hoặc chỉ trả tiền thuốc. Chỉ có điều, da thịt ấy được chính những người đang học nghề cắt xẻ. Khi các lớp học thẩm mỹ “chui” trở nên rầm rộ thì “người mẫu thẩm mỹ” cũng trở thành một "nghề" trong thị trường, và các “giáo viên” phải liên tục săn “mẫu” để bảo đảm chương trình dạy, học.

Thấy tôi tỏ ra không thích học phun xăm, Linh cung cấp tiếp một phương án khác: “Em có thể đăng ký học thẩm mỹ ngay để chị bắt đầu tìm mẫu. Em phải luôn trong tư thế sẵn sàng đi học, vì có khi nửa đêm chị báo tin có mẫu là sáng mai em đã phải đi học rồi”. Linh liên tục nhắc đến các khoản học phí, mức thu nhập lý tưởng mà chúng tôi sẽ kiếm được sau khi tốt nghiệp. “Chị dạy nhiều lắm, ra là làm nghề được liền, như cô Quyên đó” - Linh hào hứng khoe.

Tôi hỏi về nguy cơ tai biến, Linh gạt đi: “Chẳng có gì ảnh hưởng đến tính mạng. Mấy món này toàn gây tê ngoài da, đâu có nguy hiểm gì”. Khi tôi hỏi về giấy phép hoạt động, vị “bác sĩ” này cũng chỉ nói qua loa: “Miễn tay nghề em cao là làm được, đâu cần chứng nhận. Chị mở trung tâm ở TP.HCM lẫn Hà Nội mà có ai hỏi tới bao giờ đâu”.

Sau nhiều lần tư vấn, Linh chốt, tôi cần có 100 triệu đồng để học hết các môn có trong danh mục. Số tiền này quá rẻ so với mức đào tạo thông thường ở nơi có uy tín, được cấp phép giảng dạy. Linh xúi tôi nên học tiêm filler (làm căng đầy da), một “bộ môn” đang hái ra tiền hiện nay. Theo Linh, học tiêm filler chỉ mất khoảng 10 triệu đồng; nếu có mẫu, có thể học tiêm 5 điểm trên khuôn mặt chỉ trong vòng một ngày. Chỉ riêng với kỹ thuật tiêm filler, sau khi hoàn tất môn học, tôi đã có thể mở tiệm, hái ra tiền. Linh động viên: “Cứ học một, hai môn rồi về làm kiếm tiền, lấy tiền đó đi học tiếp”.

Giáo viên dỏm, học phí rẻ bèo

Ngày 6/11, trong vai một bà chủ tiệm cắt tóc ở H. Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, có con gái muốn học nghề thẩm mỹ, chúng tôi liên hệ với Tài - chủ trang Facebook  có tên Jacky Lâm chuyên đăng tin chiêu sinh đào tạo nghề thẩm mỹ. Hai bên hẹn gặp nhau tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5. Chúng tôi trình bày, muốn cho con gái học cắt bọng mỡ mắt, thu gọn cánh mũi, nâng chân mày, Tài nói ngay: “Mấy cái đó em không dạy được vì hơi nguy hiểm, phải có bằng bác sĩ. Nhưng em có thể dạy bơm filler nâng mũi, xăm mắt, chân mày. Mấy cái này giờ làm ăn được lắm, chị cho con gái học đi, học nhanh, lại dễ mở tiệm”.

“Học xong, có được chứng nhận bằng cấp gì không em?”. Nghe chúng tôi hỏi, Tài thú thật: “Không có đâu nha chị, toàn làm chui không thôi. Em cũng dạy chui mà. Luật pháp mình khó lắm, chị muốn nặn mụn cũng phải được cấp phép, phải có bằng bác sĩ. Chị cứ cho con học đi, em tính rẻ cho”.

Tài cho biết, trước đây có đi học nghề ở Hàn Quốc vài tháng, tốn cả trăm triệu đồng học phí. Sau khi về nước, Tài mở tiệm thẩm mỹ và liên tục nhận học viên đào tạo với học phí rẻ. Theo Tài, hiện trên thị trường, học viên muốn học một kỹ thuật thẩm mỹ, phải mất vài chục triệu đồng, nhưng Tài chỉ lấy từ vài triệu đến 15 triệu đồng/món. “Em vững nghề rồi mới đi dạy chứ, chị coi trên trang của em là biết rồi” - Tài quảng cáo.

Trái ngược với lời quảng cáo của Tài, theo điều tra của chúng tôi, Tài tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Q.5, không liên quan gì đến lĩnh vực thẩm mỹ. Sau một thời gian đi học nghề “chui”, Tài mở thẩm mỹ viện trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10. Dù không có bằng cấp, chứng nhận nào về thẩm mỹ nhưng trên trang mạng của mình, Tài liên tục cập nhật hình ảnh làm đẹp cho khách hàng cùng với hóa đơn thanh toán vài chục triệu đồng để quảng bá thương hiệu. Dù là giáo viên dỏm, Tài vẫn công khai tuyển học viên, bán chất làm đầy (filler) sỉ cho các điểm thẩm mỹ “chui”. Tài rất tự tin vì tiệm hành nghề “chui” của mình đã hoạt động cả năm nay mà không bị cơ quan chức năng xử lý.

Ngày 10/11, chúng tôi tiếp tục hành trình “tầm sư học nghệ” thẩm mỹ tại nơi gọi là Maya spa, nằm ở lầu 13 của một chung cư trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, Q.3. Tại đây, chúng tôi gặp “giáo viên” Tuyền - người được giới thiệu là có tay nghề cao, chuyên dạy nghề thẩm mỹ. Tuyền thuyết ngay: “Chỗ em có nhiều máy móc nhập ở nước ngoài về lắm, còn có mỹ phẩm ngoại chuyên bán cho các spa nữa. Chị đưa con gái đến đây học là đúng nơi rồi”.

Nghe nêu nguyện vọng muốn biến tiệm cắt tóc thành spa, Tuyền nói sẵn sàng nhận con gái của tôi vào học nghề theo từng bộ môn với giá cực rẻ: treo chân mày 9 triệu đồng/khóa, nhấn mí 9 triệu đồng/khóa, tiêm môi 15 triệu đồng/khóa, cắt bọng mắt 8 triệu đồng/khóa, tiêm đủ loại (tiêm môi, mũi, tiêm eo giảm béo) giá 20 triệu đồng/khóa... Toàn bộ dụng cụ phục vụ cho khóa học sẽ được Tuyền “bao”, đồng thời “bao” luôn người mẫu.

Tuyền tư vấn: “Ban đầu, em sẽ cho cháu xem em làm cho khách, sau đó thực hành trên da giả, chỉ vài lần là có thể làm luôn trên da thật. Một tuần sẽ học xong một kỹ thuật”. Chúng tôi tỏ vẻ ưng ý và hỏi về giấy chứng nhận, bằng cấp sau khi “tốt nghiệp”, Tuyền lắc đầu nguầy nguậy: “Làm gì có! Nhưng nếu chị muốn em cấp cho chị, bao nhiêu chứng chỉ mà chẳng được. Chỉ có điều, bằng cấp đó không có giá trị hành nghề đâu nha. Chị làm dưới quê không ai kiểm tra đâu”.

Tuyền cam đoan chỉ sau vài tuần, con gái tôi sẽ ra làm nghề ngon lành. Để chúng tôi thêm tin tưởng, Tuyền nói: “Chị mở tiệm ở Cái Bè, có khách dưới đó, em giới thiệu cho. Ở đây mà em có khách ở khu vực tỉnh nào, em giới thiệu cho học viên làm ở chỗ đó luôn. Em nói thiệt, ở đây, em làm dịch vụ nào cũng lấy giá rất mềm. Học viên của em ra nghề, họ lấy còn cao hơn em đó”.

Trong lúc Tuyền hồ hởi tư vấn các gói học thẩm mỹ với chúng tôi, một cô gái khoảng 20 tuổi từ bên trong “spa” bước ra tiếp chuyện. Tuyền kéo cô gái lại khoe: “Nè chị, nhấn mí đơn giản lắm, em mới làm xong cho con bé hai ngày nay nè, chị thấy mắt nó to, mí rõ chưa?”. Chúng tôi gật gù, Tuyền càng cao hứng kể thêm về quá trình hành nghề của mình. Tuyền khẳng định, chỗ cô luôn sẵn sàng nhận học viên và đào tạo ra làm giỏi nghề. 

Sau quá trình thâm nhập giới thẩm mỹ, chúng tôi được vẽ ra trước mắt rất nhiều viễn cảnh tươi đẹp, suôn sẻ về nghề thẩm mỹ “chui”. Chúng tôi hiểu rằng, các lớp học ấy vẫn ngày đêm cho ra đời những “bác sĩ” siêu tốc như Quyên, như Tài... Các “bác sĩ” ấy sẽ ngang nhiên bước ra hành nghề trên thân xác khách hàng, bất chấp tính mạng. Vì sao giới thẩm mỹ “chui” lại có thể ngang nhiên lộng hành như vậy?

Nhóm Phóng Viên
(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI